Thái Nguyên: Cần xử lý dứt điểm vi phạm trong hành lang bảo vệ công trình thủy lợi

Các đơn vị chức năng cần tăng cường kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong hành lang bảo vệ công trình thủy lợi; xử lý dứt điểm các vi phạm khi được phát hiện…

Thực hiện phương châm “4 tại chỗ”

Đó là một trong số những ý kiến chỉ đạo mới đây của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc "Tăng cường công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2023”, tại công văn số 1116/UBND-CNNXD, ban hành ngày 20/3/2023.

UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Sở: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường và các địa phương, đơn vị liên quan triển khai thực hiện nghiêm Văn bản số 1631/VPCP-NN ngày 14/3/2023 của Văn phòng Chính phủ về việc quản lý, bảo đảm an toàn đập, hổ chứa thủy lợi, thủy điện.

Hồ thủy lợi Vai Miếu, huyện Đại Từ

Hồ thủy lợi Vai Miếu, huyện Đại Từ

Tiếp tục thực hiện các nội dung theo Kế hoạch số 113/KH-UBND ngày 28/9/2018 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 07/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh.

Qua đó, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Tham mưu củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tại và Tìm kiếm cứu nạn; phân công cụ thể trách nhiệm của các cơ quan quản lý chuyên ngành và chính quyền các cấp, đề xuất bổ sung các phương tiện kỹ thuật, trang thiết bị làm việc nhằm nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, ứng phó trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn công trình thủy lợi.

Chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện dự phòng, đảm bảo ứng phó ngay khi có sự cố xảy ra, bảo đảm thực hiện việc xử lý sự cố công trình theo phương châm “4 tại chỗ.

Các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong hành lang bảo vệ công trình thủy lợi.

Vi phạm xây dựng, lấn chiếm hồ thủy lợi Suối Lạnh (xã Thành Công, TP Phổ Yên) đến nay chưa được xử lý dứt điểm. (Ảnh: Nguyễn Tùng)

Vi phạm xây dựng, lấn chiếm hồ thủy lợi Suối Lạnh (xã Thành Công, TP Phổ Yên) đến nay chưa được xử lý dứt điểm. (Ảnh: Nguyễn Tùng)

Thực hiện việc kiểm tra, đánh giá tổng thể hiện trạng an toàn công trình trên địa bàn tỉnh; trên cơ sở đó lập danh mục các công trình hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn tham mưu UBND tỉnh xem xét, bố trí kinh phí để xử lý các đập, hồ chứa nước xung yếu, tránh xảy ra sự cố mất an toàn cho công trình và vùng hạ du; trong đó, ưu tiên các đập, hồ chứa có nguy cơ cao xảy ra sự cố, hồ chứa có lưu vực tập trung dòng chảy nhanh.

Tham mưu UBND tỉnh thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước Núi Cốc (quy định tại Thông tư 03/2022 TT-BNNPTNT ngày 16/6/2022 và Văn bản số 949/BNN-TL ngày 22/02/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành hồ chứa Núi Cốc phù hợp với quy định; khẩn trương hoàn thiện bản đồ ngập lụt hạ du đập, hồ chứa Núi Cốc để phục vụ xây dựng, cập nhật điều chỉnh phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp; quyết định việc tích nước đối với các đập, hồ chứa nước thuộc trách nhiệm quản lý.

Chỉ đạo nghiêm việc thực hiện các quy định của pháp luật, kiên quyết xử lý đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý an toàn công trình thủy lợi. Phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh xem xét, bố trí kinh phí để thực hiện các quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước (quy trình vận hành, hệ thống giám sát vận hành, kiểm định an toàn đập, hệ thống cơ sở dữ liệu, hoạt động của hội đồng đánh giá an toàn đập, bảo trì,...).

Đôn đốc, kiểm tra các công trình đang thi công, đảm bảo hoàn thành tiến độ thi công vượt lũ, chống lũ an toàn; tuyệt đối không thi công các hạng mục công trình chính trong mùa mưa, lũ.

Hơn 600 vụ vi phạm công trình thủy lợi trong 5 năm

Công ty TNHH Một thành viên khai thác thủy lợi Thái Nguyên (Công ty thủy lợi Thái Nguyên) được UBND tỉnh Thái Nguyên phân giao nhiệm vụ quản lý 200 công trình thủy lợi. Trong đó có 32 hồ chứa lớn, 24 hồ chứa vừa, 34 hồ chứa nhỏ, 104 đập dâng, 01 trạm bơm tiêu úng, 05 trạm bơm tưới và 281,9 km kênh mương.

Trong 9 tháng năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 142 vụ vi phạm. Trong đó, khu vực lòng hồ và hành lang đập có 89 vụ và hệ thống kênh mương là 53 vụ. Các hành vi vi phạm phổ biến là: Lấn chiếm xây dựng trái phép công trình, tôn cao đường đi lại vận chuyển vật liệu, trồng cây lâu năm, xây dựng nhà cửa, lều quán, san ủi đổ đất đá xuống lòng hồ...

Tổng số vụ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình từ 1/1/2018 đến 30/11/2022 lên đến 657 vụ. (Trong đó đã lập biên bản yêu cầu dừng vi phạm và hoàn trả lại hiện trạng ban đầu 657 vụ; đã giải quyết dứt điểm trả lại hiện trạng ban đầu 97 vụ).

Cả một khu du lịch sinh thái được xây dựng trong phạm vi bảo vệ hồ thủy lợi Kim Đĩnh

Cả một khu du lịch sinh thái được xây dựng trong phạm vi bảo vệ hồ thủy lợi Kim Đĩnh

Mặc dù, ngay sau khi phát hiện các vụ việc vi phạm, Công ty TNHH Một thành viên khai thác thủy lợi Thái Nguyên đã lập biên bản yêu cầu dừng thi công. Song, những con số trên đã cho thẩy tỷ lệ giải quyết dứt điểm các vụ vi phạm trong 5 năm qua rất thấp, chỉ đạt chưa tới 15%. Đây cũng là vấn đề đặt ra trong công tác quản lý các công trình thủy lợi của chính quyền các địa phương.

Vụ san lấp lòng hồ Núi Cốc xảy ra vào tháng 10/2021. (Ảnh: Toán Nguyễn).

Vụ san lấp lòng hồ Núi Cốc xảy ra vào tháng 10/2021. (Ảnh: Toán Nguyễn).

Đặc biệt đối với công trình hồ chứa nước Núi Cốc, tại công văn số 1116/UBND-CNNXD, UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên tăng cường công tác phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng Công an và các đơn vị có liên quan kiểm tra, kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm, giải quyết và xử lý dứt điểm vi phạm theo quy định.

Một số vụ việc cần được xử lý dứt điểm

Vi phạm tại hồ Kim Đĩnh, xã Tân Kim (Phú Bình), vẫn còn tình trạng xây dựng công trình trái phép trong hành lang bảo vệ hồ. Cụ thể, Công ty CP Tư vấn và Chuyển giao công nghệ quốc tế ICT (Hà Nội) đã xây dựng các công trình cảnh quan, vườn hoa, nhà nghỉ, khu ăn uống trên hồ và diện tích đất lâm nghiệp. Ngoài ra, đơn vị này còn hoạt động kinh doanh du lịch, đón khách tham quan hồ bằng phương tiện thủy nội địa chưa đăng ký, đăng kiểm; người điều khiển phương tiện chưa đủ điều kiện hoạt động, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Tình trạng hồ thủy lợi Suối Lạnh tại xã Thành Công (TP Phổ Yên) bị xâm hại nghiêm trọng khi nhiều vạn khối đất đá được đổ xuống lấn chiếm hàng nghìn m2 mặt nước để xây dựng công trình đồ sộ. Vụ việc bắt đầu từ cuối năm 2020 và kéo dài nhiều năm trước sự bức xúc của người dân.

Tuấn Mạnh

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/thai-nguyen-can-xu-ly-dut-diem-vi-pham-trong-hanh-lang-bao-ve-cong-trinh-thuy-loi-76271.html