Thái Nguyên: Chủ động bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhà nước và nhân dân
là quan điểm chỉ đạo của chính quyền tỉnh Thái Nguyên trong việc triển khai thực hiện Quyết định số 535/QĐ-TTg ngày 20/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển, nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, tình hình thiên tai những năm gần đây cũng có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân. Tuy nhiên, tỉnh Thái Nguyên cũng luôn chủ động nhiều biện pháp, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống thiên tai, địch họa, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra.
Chỉ tính từ ngày 20/5 - 22/6/2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 đợt mưa dông gây ra một số thiệt hại tại các địa phương (chủ yếu ở thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, huyện Phú Bình và huyện Định Hóa). Tuy không có thiệt hại về người, nhưng ước tính giá trị thiệt hại về tài sản, nhà cửa, công trình… lên đến khoảng 944,5 triệu đồng. Ngành chức năng của tỉnh đang tiếp tục triển khai kiểm tra, rà soát, thống kê đánh giá thiệt hại. So với cùng kỳ, số đợt thiên tai tăng 2 đợt và giá trị thiệt hại tăng 917,2 triệu đồng. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 22/6/2023 trên địa bàn tỉnh xảy ra 5 đợt thiên tai với tổng thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 14,81 tỷ đồng, giảm 3 đợt và giá trị tài sản bị thiệt hại do thiên tai giảm 9,2 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Trong công tác phòng chống cháy, nổ: Tính từ ngày 16/5-15/6/2023 trên địa bàn tỉnh xảy ra 7 vụ cháy tăng 6 vụ so với cùng kỳ. Các vụ cháy tuy không gây thiệt hại về người nhưng thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 1.493 triệu đồng. Nguyên nhân cháy do chập điện 4 vụ (chiếm 57,14%); 3 vụ còn lại ngành chức năng đang điều tra làm rõ nguyên nhân. Lũy kế 6 tháng 2023 trên địa bàn có 28 vụ cháy. Các vụ cháy không gây thiệt hại về người, giá trị thiệt hại khoảng 6.235,15 triệu đồng. So với lũy kế 6 tháng năm 2022, số vụ cháy tăng 15 vụ và giá trị thiệt hại gấp khoảng 11,6 lần.
Để chủ động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn, đặc biệt để tổ chức, thực hiện có hiệu quả Quyết định số 535/QĐ-TTg ngày 20/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển, nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 tới từng các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Thái Nguyên đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, triển khai tới tất cả các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan.
Theo đó, tỉnh Thái Nguyên xác định: Công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của cấp ủy, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang các cấp; đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của UBND các cấp; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội và sự tham gia rộng rãi, tích cực của nhân dân.
Công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được tổ chức thực hiện theo phương châm "4 tại chỗ"; phát huy sức mạnh của toàn dân, vai trò chủ động của lực lượng tại cơ sở với lực lượng vũ trang là nòng cốt; sự tham gia tích cực của cộng đồng kết hợp với sự chi viện, hỗ trợ từ Trung ương, các địa phương khác và cộng đồng quốc tế.
Nội dung kế hoạch cũng nhấn mạnh quan điểm: Nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là biện pháp quan trọng để bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thảm họa, sự cố, thiên tai gây ra, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Để triển khai có hiệu quả kế hoạch đề ra, ngoài xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng yêu cầu: UBND các huyện, thành phố, phối hợp với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các Sở, ban, ngành, địa phương liên quan xây dựng, triển khai thực hiện các nội dung của kế hoạch này; đề nghị cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch đối với các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của ngân sách địa phương theo quy định phân cấp ngân sách Nhà nước hiện hành.
Các Sở, ban, ngành, địa phương: Căn cứ nhiệm vụ của kế hoạch này lập chủ trương đầu tư trình cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn đầu tư công hàng năm, trung hạn và tổ chức triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành về ngân sách Nhà nước, đầu tư xây dựng, mua sắm hàng hóa, quản lý sử dụng tài sản công.
Rà soát, tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, kiện toàn hệ thống phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, thực hiện các nội dung của kế hoạch này thuộc phạm vi trách nhiệm của Sở, ban, ngành địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá bảo đảm hiệu quả của các dự án đầu tư về cơ sở hạ tầng, mua sắm, sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị từ các nguồn vốn ngân sách được giao; định kỳ hàng năm sơ kết, tổng kết, khen thưởng, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh kết quả thực hiện kế hoạch theo đúng quy định.