Thái Nguyên: Chủ nhiệm HTX bị tố lạm quyền
Theo phản ánh của người dân, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Phúc Thành đã có những sai phạm trong quản lý tài chính, đất đai gây bức xúc trong dư luận, mặc dù chính quyền nhiều lần giải quyết nhưng chưa triệt để.
Mới đây, Báo GD&TĐ nhận được đơn thư phản ánh của bà Nguyễn Thị Hải, trú tại xóm Phúc Thành, xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) trong đơn, bà Hải cho biết: ông Phạm Trung An – Phó Bí thư chi bộ, nguyên trưởng xóm Phúc Thành, kiêm Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Phúc Thành đã có nhiều việc làm dẫn đến sai phạm trong quản lý sử dụng tài chính của HTX từ năm 2006 đến nay; không có kế toán, không có thủ quỹ, hằng năm không sơ kết, tổng kết, không báo cáo tài chính công khai, thu chi không đúng nguyên tắc, hóa đơn biên lai chứng từ không hợp lệ.
Về công tác quản lý đất đai của HTX (Khu đất đồi sau Nhà Văn hóa, Đồi chăn thả Núi Quặng, Ao hồ của HTX, Đất của xã viên – Soi trên, soi dưới), bà Nguyễn Thị Hải khẳng định: Tám hộ gia đình tại xóm Phúc Thành, xã Hóa Trung được chia đất nông nghiệp khu vực bờ sông theo Nghị quyết 68 (khoán 10) của Nhà nước, nhiều hộ gia đình đã cùng nhau canh tác từ đó đến năm 1992, sau đó Ban Quản lý HTX nông nghiệp xóm Phúc Thành, cụ thể là ông Phạm Trung An - Chủ nhiệm HTX vận động các hộ xã viên tạo điều kiện cho HTX kinh doanh (cho thuê làm gạch) 20 năm để gây quỹ và xây dựng HTX Tín Dụng, các hộ xã viên đã đồng ý và giao đất của từng hộ gia đình cho HTX.
Quá trình sử dụng đất của ban quản lý, người dân nhận thấy, toàn bộ đất các hộ dân giao cho HTX sử dụng 20 năm như đã thỏa thuận nay đã quá 20 năm nhưng HTX không trả lại đất cho người dân.
Đặc biệt, một số người nhà ông Phạm Trung An đã và đang sử dụng đất của HTX như: Bà Lưu Thị Tiến, sử dụng hết bãi soi dưới diện tích gần 4000m2, ông Trần Văn Vị sử dụng gần hết bãi soi trên diện tích 1.283m2 và được cấp bìa năm 2003, bên cạnh đó một số hộ khác đang sử dụng trồng keo, xây dựng trang trại…
Trước sự việc liên quan đến ông Phạm Trung An, để có thông tin đa chiều với những căn cứ xác đáng, phóng viên Báo GD&TĐ tìm đến UBND huyện Đồng Hỷ, tại đây lãnh đạo địa phương cho biết đã giao cho UBND xã Hóa Trung giải quyết và kết luận tại số 334/KL-UBND ngày 10/8/2021 cụ thể như sau:
Về nội dung tố cáo ông Phạm Trung An – Phó Bí thư chi bộ, nguyên trưởng xóm Phúc Thành kiêm Chủ nhiệm HTX Phúc Thành bán đồi kho sau nhà văn hóa cho 5 hộ gia đình, bán đất đồi chăn thả núi quặng là tố cáo sai, bán đất hồ ao của HTX và bán đất bãi soi của xã viên HTX là không đúng.
Quá trình thu thập, xác minh và báo cáo của HTX nông nghiệp Phúc Thành nay là HTX Dịch vụ nông nghiệp Phúc Thành được thành lập từ cuối năm 1959 đến nay. HTX chưa được nhà nước giao đất, cho thuê đất, việc đất của xã viên đóng góp từ những năm hình thành đến nay HTX không có tài liệu lưu trữ và các hộ gia đình không chứng minh được nguồn gốc đất đai do xã viên đóng góp. Do đó, việc xác minh nguồn gốc đất của HTX là không đủ cơ sở kết luận.
Đối với khu đất Đồi kho sau Nhà văn hóa, quá trình xác minh bản đồ địa chính năm 2000, sổ thống kê diện tích, loại đất, chủ sử dụng theo hiện trạng và theo bản đồ chỉnh lý năm 2016. Kết quả, UBND xã khẳng định các thửa đất do một số hộ khai phá từ những năm 1969, 1970 để trồng sắn. Tuy nhiên sau đó lại bỏ hoang, đến năm 1988 một số hộ gia đình khác đã khai phá lại, sử dụng liên tục để trồng bạch đàn, keo ổn định đến nay và được cấp GCNQSD đất. Năm 1996, HTX vận động đổi đất đồi kho để lấy gạch đỏ xây dựng các công trình kênh mương, nhà trẻ.
Mặc dù UBND xã Hóa Trung đã kết luận nội dung tố cáo ông Phạm Trung An – Phó Bí thư chi bộ, nguyên trưởng xóm Phúc Thành kiêm Chủ nhiệm HTX Phúc Thành bán Đồi kho sau nhà văn hóa cho 5 hộ gia đình là tố cáo sai, tuy nhiên UBND xã Hóa Trung thừa nhận việc HTX đổi đất lấy gạch là chưa đúng và đề nghị UBND huyện Đồng Hỷ thực hiện thủ tục thu hồi GCNQSD đất để cấp lại cho các chủ sử dụng đúng nguồn gốc.
Về khu đất Đồi chăn thả và diện tích đất hồ bị lấn chiếm, UBND xã đề nghị UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đo đạc, xác định mốc ranh giới khu vực đất công giúp UBND xã để thực hiện việc quản lý, giao công chức địa chính tham mưu cho UBND xã Hóa Trung thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính về đất đai đối với các hộ dân vi phạm.
Bên cạnh đó, khu vực bãi soi, thửa đất số 142, tờ bản đồ 54, diện tích 4676m2 đất trồng cây hàng năm khác đang được bà Lưu Thị Tiến sử dụng trồng cây keo chưa được cấp GCNQSD đất, đây là diện tích đất một số xã viên đang đề nghị được phân chia, giao công chức địa chính tham mưu văn bản yêu cầu bà Lưu Thị Tiến trả lại đất để UBND xã quản lý theo quy định.
Sau khi nhận được kết luận của UBND xã Hóa Trung, bà Nguyễn Thị Hải đã tiếp tục làm đơn đề nghị giải quyết tại vụ việc tố cáo và khẳng định: “Việc xác minh nguồn gốc đất đai của HTX không đầy đủ, không chính xác, không căn cứ bản đồ 299 và sổ sách đăng ký đất đai của xã thời điểm những năm 1980, chỉ dựa vào việc cung cấp thông tin của người bị tố cáo và những người không biết rõ nguồn gốc đất đai. Việc đổi đất lấy gạch thực chất là việc mua bán đất và giải quyết đất đai liên quan đến rất nhiều hộ xã viên, nhưng không lấy ý kiến nhân dân trong xóm”.
Vậy trách nhiệm thuộc về ai khi để xảy ra tình trạng cấp GCNQSD đất không đúng nguồn gốc và diện tích đất bị lấn chiếm đã được xử lý đến đâu chính là những câu hỏi khiến dư luận đang đặc biệt quan tâm. Đề nghị UBND huyện Đồng Hỷ xem xét xử lý triệt để nội dung đơn thư tố cáo của bà Nguyễn Thị Hải.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.
VPVB