Thái Nguyên: Hiểu cho đúng về một dự án nạo vét ở hồ Núi Cốc

Thời gian gần đây, dự luận đang quan tâm về hoạt động của Dự án 'Nạo vét lòng hồ Núi Cốc và tận thu các sản phẩm đi kèm' tại tỉnh Thái Nguyên do chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản và khoáng sản Đại Việt thực hiện. Phóng viên đã vào cuộc tìm hiểu các nội dung liên quan đến Dự án thông qua các buổi làm việc với chủ đầu tư và nghiên cứu các quy định hiện hành, để nắm bắt được thông tin và có đánh giá về Dự án.

Toàn cảnh hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên.

Toàn cảnh hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên.

Sự cần thiết đầu tư Dự án

Hồ Núi Cốc được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 1982, với diện tích khoảng 25km2 và sức chứa từ 20 - 176 triệu m3 nước tùy theo mùa, hồ là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho người dân thành phố Thái Nguyên, thành phố Phổ Yên và thành phố Sông Công, ngoài ra còn là nơi cung cấp nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp của các địa phương, gồm: thành phố Sông Công, thành phố Thái Nguyên, thành phố Phổ Yên, huyện Phú Bình và một phần diện tích đất nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang… Đặc biệt là nhu cầu sử dụng nước công nghiệp cho các khu công nghiệp Samsung, Yên Bình ngày càng lớn. Với vai trò đó, nguồn nước của hồ Núi Cốc trở nên rất quan trọng trong việc đảm bảo đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Việc đảm bảo đủ nguồn nước và sự an toàn của hồ chứa tại đây luôn được các cấp, ngành của tỉnh quan tâm.

Sau gần 40 năm được xây dựng, lòng hồ Núi Cốc bị bồi lắng hàng triệu khối bùn đất, cát sỏi, rác sạn từ các vùng thượng nguồn trôi về đã khiến chức năng trữ nước của lòng hồ bị giảm đáng kể, nguy cơ thiếu nước tưới, sinh hoạt tăng cao, giảm khả năng chống lũ cho khu vực hạ lưu, đồng thời ảnh hưởng nhiều đến hoạt động nuôi trồng thủy sản cũng như khai thác du lịch sử dụng mặt nước lòng hồ.

Mặt khác, thời điểm đó, nạn khai thác cát sỏi trái phép kéo dài trong nhiều năm với hàng trăm phương tiện trên mặt hồ gây mất trật tự an ninh, an toàn giao thông đường thủy, gây mất mĩ quan, ảnh hưởng đến môi trường, không mang lại nguồn thu nào cho ngân sách của địa phương.

Trước tình hình đó, năm 2011, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên đã đề xuất phương án cho thực hiện Dự án nạo vét lòng hồ Núi Cốc. Tuy nhiên, do ngân sách tỉnh Thái Nguyên gặp khó khăn nên chưa bố trí được nguồn vốn để thực hiện Dự án.

Tính pháp lý của Dự án

Được biết, ngày 5/9/2011, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Văn bản số 1488/UBND-SXKD chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty CP Thương mại Sông Hồng Thủ Đô được triển khai thực hiện Dự án nạo vét lòng hồ tận thu cát sỏi lòng hồ Núi Cốc. Song, sau hơn 2 năm kể từ khi được cấp thuận chủ trương, do gặp khó khăn nên Công ty CP Thương mại Sông Hồng Thủ Đô không triển khai thực hiện dự án và có Văn bản số 120/BC-SHTĐ ngày 10/6/2014 về đề nghị chấm dứt thực hiện dự án nạo vét lòng hồ tận thu cát sỏi lòng hồ Núi Cốc. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã có Văn bản số 1466/UBND-TH ngày 13/6/2014 hủy bỏ, chấm dứt hiệu lực Văn bản số 1488/UBND-SXKD nêu trên.

Nhằm triển khai thực hiện dự án nạo vét đúng quy định của Luật Đầu tư và các quy định hiện hành liên quan khác, ngày 11/10/2013, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có văn bản số 2087/UBND-KTN gửi Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và các đơn vị liên quan để xin ý kiến về triển khai Dự án nạo vét bùn, cát lòng hồ Núi Cốc. Bộ NN&PTNT đã có Văn bản 3952/BNN-TCTL, ngày 6/11/2013 về việc đồng ý triển khai dự án nạo vét bùn, cát lòng hồ Núi Cốc; Bộ Giao thông vận tải đã có Văn bản 14259/BGTVT-KCHT ngày 11/11/2014 về hỗ trợ thực hiện Dự án xã hội hóa nạo vét, duy tu luồng hàng hải, khu nước, vùng nước theo hình thức tận thu sản phẩm bù chi phí, không sử dụng ngân sách Nhà nước. Trên cơ sở hướng dẫn và được sự đồng ý của các Bộ, ngành Trung ương, tỉnh Thái Nguyên đã lưa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm, công nghệ bằng hình thức xã hội hóa thực hiện dự án và cho phép tận thu các sản phẩm đi kèm để lấy thu bù chi, tỉnh Thái Nguyên không phải dùng ngân sách để chi trả cho việc nạo vét lòng hồ.

Thực hiện quy chế làm việc, UBND tỉnh Thái Nguyên đã báo cáo Thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên tại Văn bản số 1062/UBND-TH ngày 5/5/2014 và được Thường trực Tỉnh ủy đồng ý chủ trương tại Văn bản số 1214-TB/TU ngày 9/5/2014 về thực hiện dự án thăm dò, nạo vét lòng hồ Núi Cốc. Sau đó UBND tỉnh ban hành Văn bản số 1585/UBND-TH ngày 25/6/2014 về chấp thuận chủ trương đầu tư nghiên cứu, khảo sát, lập và thực hiện Dự án nạo vét lòng hồ Núi Cốc cho Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản và khoáng sản Đại Việt (Công ty Đại Việt).

Sau khi giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì lấy ý kiến của các Sở, ban, ngành của tỉnh, các đơn vị liên quan và qua các ý kiến thẩm định theo quy định hiện hành, được sự đồng thuận của 11 Sở, ban, ngành, các đơn vị liên quan, UBND tỉnh Thái Nguyên đã cấp Giấy đầu tư số 17121000036 ngày 26/8/2014 cho Công ty Đại Việt thực hiện đầu tư Dự án “Nạo vét lòng hồ Núi Cốc và tận thu các sản phẩm đi kèm” với mục tiêu, công suất dự án cụ thể như sau:

Về mục tiêu thực hiện dự án: Nâng cao tuổi thọ và tăng dung tích chứa nước công trình hồ Núi Cốc; Cải thiện môi trường, môi sinh và chất lượng nước công trình hồ Núi Cốc nhằm phát triển kinh tế, xã hội và du lịch; Tận thu cát, sỏi và một số sản phẩm khác trong quá trình nạo vét làm vật liệu xây dựng góp phần đảm bảo cung ứng kịp thời, ổn định giá vật liệu xây dựng trên địa bàn và một số nhu cầu khác của xã hội; Ngăn chặn tình trạng khai thác cát sỏi trái phép gây ảnh hưởng đến môi trường nước, việc vận hành và an toàn của các công trình thủy lợi hồ Núi Cốc; Giải quyết nhu cầu việc làm ổn định cho gần 100 lao động, đem lại nguồn thu cho ngân sách tỉnh, tăng lợi nhuận cho công ty, góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Về công suất nạo vét của Dự án: Khối lượng nạo vét trong 15 năm trên 11 triệu mét khối; Cụ thể, giai đoạn 1: 5 năm đầu, công suất là 3.028.800m3; Giai đoạn 2: 10 năm cuối, công suất là 7.979.200m3

Sau khi dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã chủ trì thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Ngày 12/9/2014, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2021/QĐ-UBND về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án; Sở NN&PTNT tiến hành thẩm tra thiết kế cơ sở của Dự án tại Văn bản số 979/SNN-QLXDCT ngày 22/8/2014 về việc tham gia ý kiến về thiết kế cơ sở dự án, trong đó khẳng định: Thiết bị máy móc được doanh nghiệp đâu tư mới, giải pháp kỹ thuật lựa chọn để nạo vét lòng hồ Núi Cốc phù hợp. Bố trí các hạng mục công trình phục vụ thi công hoàn chỉnh, phân khu vực và phương tiện nạo vét hợp lý, giảm thiểu tác động môi trường, việc áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, môi trường, phòng chống cháy nổ phù hợp với quy định hiện hành.

Tiếp theo đó, UBND tỉnh Thái Nguyên đã cấp Giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công tình thủy lợi số 2068/GP-UBND ngày 18/9/2014, sửa đổi ngày 10/7/2015; Giấy phép khai thác sử dụng nước mặt số 2568/GP-UBND ngày 11/11/2014; Giấy phép xả thải số 2646/GP-UBND ngày 17/11/2014. Trong các quyết định nêu trên, UBND tỉnh đều có giao nhiệm vụ cho từng sở chuyên ngành có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án của nhà đầu tư.

Như vậy, có thể khẳng định đây không phải là Dự án khai thác cát, sỏi thông thường mà là Dự án nạo vét lòng hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên đã hướng dẫn, yêu cầu nhà đầu tư tiến hành thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý đúng trình tự và đầy đủ theo Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, quy định về quản lý, khai thác và bảo vệ hệ thống đại thủy nông hồ Núi Cốc.

Tại thời điểm Dự án được cấp phép (năm 2014), dự án không thuộc phạm vi điều chỉnh theo quy định của Luật Đấu thầu hiện hành (Điều 1 Luật Đấu thầu năm 2013) do đây là dự án xã hội hóa, lấy thu bù chi, không sử dụng ngân sách Nhà nước.

Về vấn đề sản phẩm nạo vét lên không được đấu giá trước khi tiêu thụ như một số dư luận phản ánh, được giải thích là: Tại thời điểm cấp giấy phép chưa có quy định này và đến Nghị định số 57/2024/NĐ-CP ngày 20/5/2024 về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa thì đã làm rõ nội dung này tại khoản 2 và khoản 3 Điều 22, cụ thể:

“2. Nạo vét vùng nước trước bến cảng, cầu cảng biển; vùng nước của cảng, bến thủy nội địa; luồng chuyên dùng có kết hợp thu hồi sản phẩm.”

“3. Không thực hiện bán đấu giá đối với phần chất nạo vét tận thu quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.”

Trên thực tiễn, chi phí nạo vét do nhà đầu tư bỏ vốn thực hiện, không dùng đến ngân sách Nhà nước, nguồn kinh phí đó là lấy từ việc bán các sản phẩm tận thu được để quay vòng vốn để duy trì công tác nạo vét nhằm đáp ứng tiến độ của Dự án.

Quy trình thực hiện Dự án

Về công nghệ nạo vét. Dự án được duyệt với 3 tổ hợp công nghệ nạo vét: Công nghệ tàu hút, hệ thống phao nổi và đường ống; Công nghệ tàu cuốc và xà lan vận chuyển; Tổ hợp máy xúc, máy ủi, ô tô.

Tuy nhiên trong quá trình chạy thử, thì công nghệ tàu hút và phao nổi không phù hợp với công tác nạo vét lòng hồ Núi Cốc do hệ thống phao nổi phải lắp đặt trên mặt nước, gây cản trở lưu thông của các phương tiện phục vụ các hoạt động khác tại hồ, công nghệ này cũng không phù hợp nạo vét sỏi cuội kích thước lớn dưới lòng hồ. Tổ hợp máy xúc, máy ủi, ô tô chủ yếu chỉ thực hiện được ở khu vực thượng nguồn vào mùa nước kiệt; Tuy nhiên, mấy năm gần đây, mực nước hồ Núi Cốc luôn duy trì ở mức khá cao nên tổ hợp này không phát huy được hiệu quả. Chỉ còn lại tổ hợp tàu cuốc, xà làn là tổ hợp công nghệ chủ yếu trong việc nạo vét của Dự án.

Về quy trình nạo vét, chế biến. Tàu cuốc xúc hỗn hợp dưới lòng hồ lên xà lan, xà lan vận chuyển hỗn hợp về cảng tập kết của Dự án. Hỗn hợp có chất lượng tốt được máy xúc xúc lên sàng phân loại ra các sản phẩm: Cát, sỏi nhỏ, sỏi cuội lớn, bùn đất. Các sản phẩm như cát, sỏi nhỏ tự nhiên chiếm tỷ lệ thấp được phân loại và tiêu thụ trực tiếp. Sỏi cuội to được đưa vào hệ thống máy nghiền để nghiền ra các sản phẩm cát nghiền, sỏi nghiền trước khi bán ra thị trường. Sản phẩm cát, sỏi nghiền chiếm tỷ lệ lớn trong lượng cát, sỏi tiêu thụ của Công ty. Bùn đất được theo hệ thống mương dẫn về bơm cưỡng bức bơm lên hệ thống bể lắng 3 ngănm, được xúc lên hong khô, sau đó cung cấp miễn phí hoặc bán cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu.

Bên cạnh đó, có một lượng hỗn hợp nạo vét có chất lượng kém, tỷ lệ sản phẩm thu hồi thấp (gọi là sản phẩm cấp phối hỗn hợp chưa qua sàng tuyển) thì được phơi khô và tiêu thụ trực tiếp.

Đây là một trong những Dự án đi đầu của tỉnh Thái Nguyên về việc sản xuất cát nhân tạo (cát nghiền) từ cấp phối, cuội sỏi to thay thế nguồn cát tự nhiên đã dần cạn kiệt, phù hợp với khuyến khích của Bộ Xây dựng. Đây cũng là phương pháp để tận thu được tối đa nguôn tài nguyên từ quá trình thực hiện Dự án.

Về quy trình ghi nhận, báo cáo khối lượng nạo vét, tận thu. Việc nạo vét, tận thu và tiêu thụ được bao nhiêu sản phẩm hữu ích thì căn cứ vào tình hình thực tế được Công ty ghi chép, lưu trữ bằng các sổ sách, chứng từ, tài liệu về kỹ thuật và về tài chính theo các quy định hiện hành (tại Điều 41 Nghị định 158/2016/NĐ-CP và các quy định về kế toán, thuế liên quan..). Khối lượng sản phẩm thu hồi và tiêu thụ được Công ty báo cáo đầy đủ cho các Sở, ban ngành liên quan kiểm tra giám sát. Công ty có trách nhiệm kê khai và nộp thuế đầy đủ đối với khối lượng các sản phẩm thu hồi này.

Đánh giá việc thực hiện Dự án

Về kết quả thực hiện Dự án của chủ đầu tư. Qua thời gian thực hiện Dự án “Nạo vét lòng hồ Núi Cốc và tận thu các sản phẩm đi kèm”, Công ty Đại Việt đã đáp ứng các mục tiêu của dự án đề ra, cụ thể, khối lượng hỗn hợp nạo vét đến hết tháng 6/2024 là 5.212.011m3, tương ứng với việc tăng dung tích lòng hồ lên 5.212.011m3. Đến ngày 30/6, Công ty đã đóng góp vào ngân sách Nhà nước tỉnh Thái Nguyên số tiền là 62.527.532.348 đồng. Tạo việc làm ổn định cho gần 100 cán bộ, công nhân viên (trong đó 40% lao động địa phương) với mức thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng.

Cung cấp nguồn vật liệu xây dựng trên địa bàn và các khu vực lân cận, góp phần ổn định về nguồn và giá vật liệu xây dựng trên địa bàn, giảm áp lực cho các công trình giao thông khi phải chuyển vật liệu từ các tỉnh khác về. Góp phần ổn định an ninh trật tự trên lòng hồ, chấm dứt tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, đồng thời xử lý tối đa các ụ sỏi, phế thải do khai thác trái phép trước đây để lại.

Về việc quản lý, giám sát hoạt động Dự án: Sau khi được cấp phép, Công ty đã tiến hành thực hiện Dự án theo các nội dung được phê duyệt dưới sự giám sát, kiểm tra thường xuyên của các Sở chuyên ngành đã được UBND tỉnh giao nhiệm vụ.

Cụ thể: Đối với quản lý về công tác nạo vét. Tại Điều 3 Giấy phép hoạt động trong phạm vi công trình thủy lợi số 2068/GP-UBND ngày 18/9/2014, UBND tỉnh đã giao cho Sở NN&PNTN trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện giấy phép. Với vai trò và nhiệm vụ được giao, trong thời gian qua, Sở NN&PTNT đã thành lập Tổ giám sát tổ chức kiểm tra theo định kỳ, đột xuất và cùng tham gia với các chương trình kiểm tra liên ngành, liên Sở, các Đoàn kiểm tra do tỉnh thành lập. Công tác kiểm tra của Sở NN&PTNT là kiểm tra việc chấp hành công tác nạo vét có đúng diện tích, tọa độ được cấp phép hay không; kiểm tra đột xuất tại khu vực nạo vét để nắm bắt trực quan thực tế hỗn hợp sản phẩm nạo vét; quản lý khối lượng nạo vét dựa trên khối lượng hàng tháng nhà đầu tư báo cáo về Sở. Vì đây là dự án nạo vét dưới mặt nước nên không thể tiến hành đo vẽ hoàn công được nên việc nắm bắt khối lượng thông qua đo đếm phương tiện vận chuyển (xà lan vận chuyển).

Đối với công tác quản lý về môi trường và các sản phẩm khoáng sản tận thu. Vấn đề về môi trường và quản lý sản phẩm khoáng sản tận thu của Dự án được Sở TN&MT kiểm tra, giám sát. Về công tác môi trường, hàng quý Công ty đều phải thực hiện báo cáo kết quả quan trắc môi trường và các nội dung được yêu cầu trong đánh giá tác động môi trường về Sở. Sở TN&MT cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Dự án. Ngoài ra, còn tham gia cùng các Đoàn kiểm tra liên ngành, thanh tra UBND tỉnh cùng các liên sở.

Gần đây nhất, ngày 07/12/2023, Sở TN&MT kết hợp với đoàn kiểm tra của Cục kiểm soát Môi truờng thuộc Bộ TN&MT kiểm tra việc thực hiện Dự án. Qua các lần kiểm tra đều ghi nhận công tác môi trường của Dự án cơ bản đáp ứng theo yêu cầu của đánh giá tác động môi trường đã phê duyệt.

Về quản lý sản phẩm tận thu, hàng tháng, đơn vị đều có báo cáo khối lượng nạo vét, tận thu đến Sở TM&MT. Sở này cũng kết hợp với cơ quan thuế thường xuyên đối chiếu khối lượng tận thu doanh nghiệp báo cáo, tính toán tiền cấp quyền khai thai thác khoáng sản và nắm bắt việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với các loại tài nguyên khoáng sản thu hồi được.

Đối với quản lý về nghĩa vụ thuế. Công ty thực hiện kê khai, báo cáo các nghĩa vụ thuế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ cho Cục thuế tỉnh Thái Nguyên. Trong thời gian thực hiện Dự án, Công ty đã thực hiện kê khai và nộp thuế đầy đủ, kịp thời. Không có tình trạng nợ thuế, số tiền thuế Dự án đóng góp cho ngân sách Nhà nước của tỉnh Thái Nguyên đến tháng 6/2024 là 62.527.532.348 đồng, số tiền này gần gấp đôi so với tổng tiền thuế dự kiến nộp ban đầu của toàn Dự án. Cơ quan thuế thuờng xuyên giám sát, hướng dẫn đơn vị xác định nghĩa vụ kê khai, nộp thuế. Cục thuế tỉnh Thái Nguyên cũng đã tổ chức 2 đợt kiểm tra quyết toán tại đơn vị và một số lần kiểm tra tại cơ quan thuế. Số tiền truy thu và phạt qua các lần quyết toán thuế khoảng 500 triệu đồng đã được Công ty nộp vào ngân sách.

Về quản lý về các vấn đề khác liên quan. Ngoài các nội dung về hoạt động nạo vét, sản xuất, Công ty được sự giám sát kiểm tra thường xuyên của các cơ quan chức năng liên quan như vấn đề an toàn phòng cháy chữa cháy, an toàn giao thông đường thủy, đường bộ, các chế độ của người lao động như bảo hiểm xã hội...

Trong thời gian hơn 9 năm thực hiện Dự án, tổng cộng có khoảng hơn 80 đợt thanh tra, kiểm tra, làm việc tại dự án của các cơ quan, tổ chức liên quan. Qua các đợt kiểm tra cho thấy, quá trình thực hiện, Công ty đã chấp hành cơ bản các nội dung yêu cầu của Dự án. Tuy nhiên, vẫn có một số vi phạm nhỏ bị xử phạt hành chính đã và đang được Công ty chấp hành và khắc phục.

Một số nội dung khác dư luận đề cập gần đây

Về việc Dự án không lắp đặt trạm cân. Việc lắp đặt trạm cân để giám sát khối lượng cát, sỏi được quy định trong Điều 10 Nghị định 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Nghị định có hiệu thi hành từ ngày 10/04/2020. Tuy nhiên, Dự án “Nạo vét lòng hồ Núi Cốc và tận thu các sản phẩm đi kèm” đã được thẩm định, phê duyệt và cấp phép hoạt động từ tháng 9/2014.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 33 (Điều khoản chuyển tiếp) của Nghị định 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020, đối với các hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thăm dò, Giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì quy trình, thủ tục thẩm định thực hiện theo quy định của pháp luật tại thời điểm tiếp nhận hồ sơ. Như vậy, đối với các dự án đã được thẩm định, cấp phép trước khi Nghị định này có hiệu lực thì thực hiện theo quy định tại thời điểm được cấp phép. Do đó, việc lắp đạt trạm cân không bắt buộc áp dụng cho Dự án “Nạo vét lòng hồ Núi Cốc và tận thu các sản phẩm đi kèm”.

Công ty Đại Việt xác định, kê khai, báo cáo khối lượng nạo vét thông qua việc đo đếm kích thước xà lan vận chuyển, xác định khối lượng tiêu thụ dựa vào dung tích và số gàu máy xúc khi xúc lên phương tiện của khách hàng, đơn vị tính là mét khối.

Về việc xe vận tải quá tải. Việc vận chuyển hàng hóa đúng trọng tải khi đang lưu thông thuộc về đơn vị vận tải, còn trách nhiệm bốc xúc hàng hóa đúng trọng tải thuộc về đơn vị cung cấp hàng hóa. Công ty đã ký cam kết với các cơ quan chức năng về việc bán hàng đúng trọng tải và có quy định với tổ bán hàng, bảo vệ. Đối với bảo vệ, các xe cơi nới thùng không được phép vào lấy hàng tại Dự án. Đối với tổ bán hàng, căn cứ trọng tải xe bên mua cung cấp, người bán hàng giám sát số gàu của máy xúc xúc lên xe vận chuyển đảm bảo không vượt trọng tải. Tuy nhiên, trong việc thực hiện không thể tránh khỏi có những lúc sai sót do tính toán sai hoặc thông tin về trọng tải khách hàng cung cấp không chính xác dẫn đến một số trường hợp xe bị vượt trọng tải cho phép. Về nội dung này Công ty cam kết sẽ chỉ đạo tăng cường việc quản lý, giám sát trong vấn đề bốc xúc bán hàng.

Về việc Dự án chưa đạt công suất nạo vét. Theo giấy phép được cấp, khối lượng nạo vét trong 15 năm là 11 triệu mét khối. Đến thời điểm tháng 6/2024, khối lượng nạo vét là 5,2 triệu m3, tương đương 47,2%, chưa đạt công sất bình quân. Chủ đầu tư cho biết, lý do vì thời gian đầu của Dự án là giai đoạn đầu tư, lắp đặt, chạy thử nên chưa thể đạt sản lượng ổn định. Mặt khác, trong gần 10 năm thực hiện Dự án thì có 2 năm là giai đoạn dịch bệnh. Do đó, công suất bình quân trong thời gian qua thấp hơn so với mục tiêu. Tuy nhiên thời gian thực hiện Dự án vẫn còn, Công ty vẫn đang tiếp tục đầu tư công nghệ, thiết bị để nâng công suất nạo vét lên.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, dự án “Nạo vét lòng hồ Núi Cốc và tận thu các sản phẩm đi kèm” được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp phép đúng theo các quy định của pháp luật hiện hành. Chủ đầu tư đã thực hiện Dự án có hiệu quả, đáp ứng được các mục tiêu và yêu cầu của Dự án đã phê duyệt. Sự giám sát cửa Sở ban ngành chuyên môn đối với Dự án rất chặt chẽ, đúng chức năng nhiệm vụ được UBND tỉnh phân công.

Tiến Hào

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/thai-nguyen-hieu-cho-dung-ve-mot-du-an-nao-vet-o-ho-nui-coc-380315.html