Thái Nguyên khẩn trương phòng chống dịch tả lợn châu Phi

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thái Nguyên, trong khoảng 10 ngày đầu tháng 7/2025, địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có hiện tượng lợn ốm, chết nghi mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Tính đến thời điểm báo cáo, 8 xã, phường đã ghi nhận tình hình lợn ốm, lợn chết bao gồm: Thượng Quan, Yên Phong, Ngân Sơn, Cường Lợi, Dân Tiến, Bình Yên, Bằng Vân và Phường Bách Quang. Tổng số lợn ốm, chết và tiêu hủy là 386 con với trọng lượng tiêu hủy lên đến hơn 19.000 kg tại 129 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thuộc 29 thôn, xóm. Đáng chú ý, một số ổ dịch đã được cơ quan chuyên môn cấp tỉnh lấy mẫu và chẩn đoán xét nghiệm dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi.

Trước đó trong 6 tháng đầu năm 2025, đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (cũ) phát triển ổn định và không phát sinh các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tuy nhiên, tại tỉnh Bắc Kạn (cũ) đã xảy ra một số ổ dịch dịch tả lợn châu Phi nhỏ, lẻ tại 17 hộ, 11 thôn, 7 xã thuộc 4 huyện Ba Bể, Chợ Đồn, Pác Nặm, Bạch Thông với 104 con lợn mắc bệnh, chết và phải tiêu hủy (hơn 3.000 kg).

Tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay được cho là do nhiều yếu tố kết hợp như tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ vẫn còn phổ biến ở các vùng nông thôn phía Bắc của tỉnh, nơi việc áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và vệ sinh thú y còn hạn chế. Người chăn nuôi chưa chủ động tiêm phòng vaccine đầy đủ các loại dịch bệnh truyền nhiễm cho đàn vật nuôi theo quy định.

Bên cạnh đó, sau khi thực hiện chính quyền địa phương hai cấp, một bộ phận lực lượng thú y viên và cộng tác viên thú y (lực lượng bán chuyên trách tại các xã) đã nghỉ chế độ, dẫn đến việc nắm bắt, theo dõi tình hình dịch bệnh và triển khai các biện pháp phòng chống còn chưa kịp thời. Lực lượng chuyên môn thú y còn lại tại các xã còn rất mỏng, không đủ để triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Ngoài ra, điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng và mưa nhiều, gây bất lợi cho sức khỏe đàn vật nuôi và tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh bùng phát....

Ngay khi xuất hiện tình trạng lợn ốm, chết tại các hộ chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với chính quyền địa phương các xã tiến hành kiểm tra và lấy mẫu bệnh phẩm để chẩn đoán xét nghiệm dịch tả lợn châu Phi. Sau khi có kết quả dương tính, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản phối hợp với UBND các xã có dịch triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch.

Để ngăn chặn sự lây lan, phát sinh dịch tả lợn châu Phi tại các xã phía Bắc của tỉnh, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thái Nguyên đã thành lập Tổ công tác gồm 28 cán bộ từ Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, cùng cán bộ Chi nhánh Trung tâm Khuyến nông và Môi trường khu vực. Tổ công tác này có chuyên môn và kinh nghiệm trong việc xử lý ổ dịch, đồng thời huy động sự vào cuộc của các địa phương để thực hiện xử lý ổ dịch.

Các biện pháp kiểm soát chặt chẽ cũng được tăng cường, bao gồm kiểm soát giết mổ, kiểm dịch vận chuyển, kiểm tra tại các cơ sở thu gom, chế biến, giết mổ lợn để phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, thu gom, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, lợn chết mắc bệnh, nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi, hoặc lợn không rõ nguồn gốc; kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc giống vật nuôi, yêu cầu giống phải đảm bảo an toàn dịch bệnh và được cung cấp bởi các cơ sở uy tín, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định. Tuyệt đối không tái đàn khi môi trường và an toàn dịch bệnh chưa được đảm bảo...

Thời gian tới, UBND các xã có dịch dịch tả lợn châu Phi được yêu cầu tiếp tục giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh tại ổ dịch và các khu vực xung quanh, rà soát thống kê tổng đàn lợn, tiến hành xử lý tiêu hủy ngay số lượng lợn ốm, chết theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Các trang trại, hộ chăn nuôi cách ly ngay số lợn còn khỏe mạnh, chưa có biểu hiện mắc bệnh, cách ly triệt để các mối nguy cơ làm lây lan mầm bệnh giữa các ô chuồng, dãy chuồng. áp dụng nghiêm túc biện pháp phòng chống dịch bệnh như tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng, vệ sinh, khử trùng tiêu độc. Cơ quan Thú y và chính quyền cơ sở tăng cường lực lượng cán bộ của địa phương để kịp thời xử lý ổ dịch trên địa bàn, đảm bảo không để dịch xảy ra trên diện rộng...

Vũ Hoàng Giang (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/dich-benh/thai-nguyen-khan-truong-phong-chong-dich-ta-lon-chau-phi-20250714102945236.htm