Thái Nguyên khánh thành Dự án tu bổ, tôn tạo di tích địa điểm Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc

Vừa qua, tại Làng Luông (xã Bình Thành, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên), Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã long trọng tổ chức lễ khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo Di tích Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc.

Các đại biểu cắt băng khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo di tích Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc tại xóm Làng Luông (xã Bình Thành, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên)/thainguyen.gov.vn

Các đại biểu cắt băng khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo di tích Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc tại xóm Làng Luông (xã Bình Thành, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên)/thainguyen.gov.vn

Đây là công trình chào mừng kỷ niệm 70 năm truyền thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (24/9/1949 - 24/9/2019) có ý nghĩa lịch sử đặc biệt nhằm hướng về cội nguồn, thể hiện sự tri ân sâu sắc của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đối với các thế hệ đi trước và những đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc ở địa phương đã che chở, bảo vệ an toàn bí mật tuyệt đối cho hoạt động của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn rất coi trọng việc đào tạo, rèn luyện cán bộ, Người nói "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc". Ngay từ thời kỳ hoạt động bí mật xây dựng phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc, Người đã đặc biệt coi trọng việc đào tạo cán bộ.

Vào đầu năm 1949, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc được thành lập tại Làng Luông (xã Bình Thành, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) và trở thành trường huấn luyện cán bộ thường xuyên của Trung ương Đảng, đánh dấu bước phát triển mới mang tính bước ngoặt trong công tác huấn luyện, đào tạo cán bộ của Đảng.

Khóa I được mở từ tháng 02 và kết thúc vào tháng 04/1949, với 40 học viên chủ yếu là cán bộ, đảng viên cốt cán của các cơ quan Trung ương, các tỉnh trong Chiến khu Việt Bắc. Khóa II mở vào tháng 9/1949 với 175 học viên từ nhiều liên khu kháng chiến. Vinh dự lớn cho khóa học là ngay buổi đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Trường. Trong cuốn sổ vàng, Người đã viết: "Học để: Làm việc, Làm người, Làm cán bộ, Học để phụng sự Đoàn thể, Phụng sự giai cấp và nhân dân, Phụng sự Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt được mục đích thì phải: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư". Những lời Bác ghi trong sổ vàng Nhà trường là di huấn vô giá và ngày Bác đến thăm trường lần đầu tiên trở thành ngày truyền thống của Trường Đảng mang tên Người.

Với ý nghĩa lịch sử đặc biệt đó, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã thực hiện Dự án tu bổ, tôn tạo địa điểm Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc từ nguồn kinh phí xã hội hóa trên tổng diện tích 10.000m2, với các hạng mục: Nhà tiếp đón; nhà giảng đường; nhà hiệu bộ; nhà ở học viên; nhà hội thảo, xem phim, trưng bày 2 tầng; sân thể thao, sân tập bắn; đình làng, giếng nước… Trong đó, nhà hiệu bộ, nhà giảng đường, nhà ở học viên, nhà bếp được thiết kế xây dựng trên cơ sở mô phỏng lại thời kỳ của trường năm 1949. Nhà hội thảo, xem phim, trưng bày 2 tầng được thiết kế kiến trúc kiểu nhà sàn. Sau 05 tháng thi công, Dự án đã được hoàn thành đảm bảo được các yếu tố, yêu cầu đề ra và phù hợp hài hòa với thời kỳ năm 1949 cũng như đặc trưng của vùng miền địa phương.

Địa điểm di tích nơi ghi dấu sự ra đời của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc không chỉ là nơi hướng về nguộn cội, xây dựng và giáo dục truyền thống cho thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh mà còn là địa chỉ để cán bộ, đảng viên và nhân dân trong cả nước đến thăm quan, tìm hiểu về lịch sử, về văn hóa, du lịch vùng Việt Bắc - ATK Thái Nguyên./.

Anh Vũ (t/h)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/thai-nguyen-khanh-thanh-du-an-tu-bo-ton-tao-di-tich-dia-diem-truong-dang-nguyen-ai-quoc-20190909162841125.htm