Thái Nguyên: Khởi tố 8 đối tượng mạo danh phóng viên báo chí để cưỡng đoạt tài sản
8 đối tượng mượn danh, mạo danh cộng tác viên, phóng viên báo chí để đe dọa người khác chiếm đoạt tiền vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên khởi tố về tội 'Cưỡng đoạt tài sản'.
Lấy danh nghĩa báo chí để đe dọa các doanh nghiệp, tổ chức nhằm cưỡng đoạt tài sản
Ngày 9/5/2024, Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh vừa khởi tố tội "Cưỡng đoạt tài sản" đối với 8 đối tượng gồm: Đỗ Mạnh Dũng (sinh năm 1984); Đào Văn Thể (sinh năm 1980); Hoàng Văn Hữu (sinh năm 1991); Vũ Hoàng Bình (sinh năm 1987); Đào Đình Luyện (sinh năm 1977); Nguyễn Viết Kiên (sinh năm 1985); Đỗ Văn Hùng (sinh năm 1981); Lưu Văn Tuyền (sinh năm 1968) cùng trú tại tỉnh Thái Nguyên.
Theo Cơ quan điều tra, các đối tượng đã sử dụng phương thức, thủ đoạn phạm tội như sau: Làm giả bằng cấp rồi sử dụng để nộp hồ sơ làm cộng tác viên, phóng viên của một số báo, tạp chí. Sau đó, các đối tượng đến cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh… với danh nghĩa phóng viên, cộng tác viên của báo, tạp chí để thu thập thông tin liên quan đến hoạt động điều hành, kinh doanh, sản xuất của các cơ sở đó.
Khi tìm ra các sơ hở, thiếu sót của các doanh nghiệp, cơ sở, nhóm đối tượng gây sức ép, gợi ý để các cơ sở biết rõ hoặc ngầm hiểu nếu không đưa tiền cho các đối tượng thì sẽ bị báo đến chính quyền địa phương và viết bài phản ánh trên báo chí. Do lo sợ việc bị đưa thông tin trên báo chí sẽ ảnh hưởng đến hoạt động điều hành, kinh doanh, sản xuất nên các cơ sở đã phải đưa tiền cho nhóm đối tượng.
Các đối tượng tổ chức hoạt động theo từng nhóm liên huyện, liên tỉnh, trao đổi thông tin về các cơ sở cho nhau. Khi một đối tượng lấy được tiền ở một cơ sở bất kỳ thì sẽ thông tin lại cho các đối tượng khác biết để tiếp tục đến cơ sở đó, gây sức ép là phóng viên, cộng tác viên của báo, tạp chí khác nhằm cưỡng đoạt tài sản.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ án.
Tội "Cưỡng đoạt tài sản"
Điều 170, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội "Cưỡng đoạt tài sản" như sau:
1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.