Thái Nguyên làm gì để nâng hạng Chỉ số Xanh?
Các ngành, địa phương trong tỉnh đang thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi xanh, từng bước cải thiện và nâng hạng Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) trong bối cảnh thứ hạng của chúng ta còn khiêm tốn so với cả nước. Kế hoạch đề ra của tỉnh là phải cải thiện triệt để các chỉ số thành phần, trên cơ sở nỗ lực nâng điểm số và thứ hạng của từng chỉ số.
Sở Tài chính Thái Nguyên vừa ban hành văn bản về tăng cường mua sắm xanh, sử dụng các sản phẩm dịch vụ thân thiện với môi trường. Đây là một trong những nội dung quan trọng của chỉ số thúc đẩy thực hành xanh. Theo đó, Sở Tài chính đề nghị các ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện nghiêm quy định về mua sắm xanh trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Cụ thể, các đơn vị ưu tiên mua sắm xanh đối với dự án đầu tư, nhiệm vụ có sử dụng ngân sách Nhà nước. Các sản phẩm, dịch vụ phải đảm bảo thân thiện với môi trường được chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam hoặc được công nhận theo quy định của pháp luật. Sở cũng lưu ý, khi xây dựng hồ sơ mời thầu đối với hoạt động mua sắm công, các yêu cầu mua sắm, sử dụng sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường đã được chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam cần được đưa vào trong tiêu chí lựa chọn nhà thầu.
Được biết, các sở, ngành, địa phương khác trong tỉnh cũng đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để cải thiện Chỉ số PGI. 4 chỉ số thành phần đang được tỉnh tập trung cải thiện gồm: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu; Thúc đẩy thực hành xanh; Chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.
Tất cả đang hướng tới mục tiêu đưa tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2024-2025 nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố của cả nước về Chỉ số PGI. Trong đó, Chỉ số thành phần về giảm thiểu ô nhiễm môi trường phấn đấu tăng từ 6,67 điểm (xếp thứ 37) lên 7,42 điểm (xếp thứ 15); Chỉ số về đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu tăng từ 5,48 điểm (xếp thứ 47) lên 6,2 điểm (xếp thứ 15); Chỉ số về vai trò lãnh đạo của chính quyền với thúc đẩy thực hành xanh phấn đấu tăng từ 3,95 (xếp thứ 37) lên 4,46 điểm (xếp thứ 15); Chỉ số Chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường cũng phấn đấu tăng điểm từ 4,74 (xếp thứ 50) lên 5,43 điểm (xếp thứ 15).
Để có được sự cải thiện và nâng hạng như mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ đẩy mạnh đầu tư hạ tầng phòng chống thiên tai, đưa khoa học, công nghệ tiên tiến vào quản lý và bảo vệ môi trường. Tiếp tục đầu tư đồng bộ hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, phấn đấu đến năm 2025, 100% khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường, các doanh nghiệp phải có hệ thống quan trắc môi trường tự động, kết nối dữ liệu với ngành chức năng. Tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo trong sinh hoạt của người dân, kiểm soát khí thải từ hoạt động giao thông, nâng cao ý thức tiết kiệm năng lượng trong sản xuất, sinh hoạt.
Ngoài ra, tỉnh đẩy mạnh hoạt động thu gom xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt, nhất là tại các đô thị loại IV trở lên. Tập trung kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như gang thép, xi măng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn doanh nghiệp về sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, nói không với rác thải nhựa. Bảo vệ, phục hồi rừng tự nhiên, tích cực trồng rừng, bảo vệ rừng đầu nguồn. Triển khai hiệu quả chính sách khuyến công, ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi xanh, doanh nghiệp thực hiện biện pháp sản xuất sạch hơn. Mặt khác, tỉnh quyết tâm thực hiện chủ trương phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, giảm các ngành sử dụng nhiều năng lượng, khuyến khích sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo…
Như vậy có thể thấy, các ngành, địa phương trong tỉnh đang tổ chức thực hiện nhiệm vụ được phân công trên cơ sở tăng đối thoại, hỗ trợ và kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong triển khai công tác bảo vệ môi trường, bảo đảm chuyển đổi xanh trên tất cả các lĩnh vực.