Thái Nguyên: Lấy trẻ là trung tâm và những cái được trong giáo dục mầm non

Chuyên đề 'Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm' giai đoạn 2016 – 2020 của Thái Nguyên đã tạo hiệu ứng mạnh, với nhiều thay đổi rõ rệt ở các trường học, cơ sở giáo dục mầm non.

Cô trò trường mầm non Hùng Sơn 2 huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Cô trò trường mầm non Hùng Sơn 2 huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Trẻ vui chơi và sáng tạo

Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 240 trường mầm non (trong đó có 215 trường công lập, 25 trường tư thục), cùng với 39 cơ sở giáo dục mầm non. Từ kinh nghiệm thực hiện thí điểm ở 06 trường (cấp tỉnh) và 27 trường (cấp huyện, thành phố, thị xã), việc thực hiện đại trà chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm" đã được triển khai ở 100% các đơn vị giáo dục mầm non trên địa bàn toàn tỉnh.

Sự đổi mới trong tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ đã có tác động rõ rệt, giúp cho phương pháp của giáo viên linh hoạt mềm dẻo hơn, qua đó trẻ được quan tâm giáo dục cá nhân, được tạo cơ hội để tham gia các hoạt động một cách chủ động, tích cực. Các nội dung chuyên đề được giáo viên lồng ghép một cách phù hợp, nhẹ nhàng, tự nhiên, không khiên cưỡng.

Các nhà trường và cơ sở giáo dục mầm non cũng tuyên truyền, vận động, chia sẻ để các gia đình cùng đồng hành, phối hợp. Các hoạt động như "Hội thi đồ dùng đồ chơi tự tạo", "Bé vui đón xuân", "Ngày hội măng non"… đã thu hút được sự tham gia tích cực của đông đảo phụ huynh. Trong 05 năm thực hiện chuyên đề, phía gia đình học sinh đã đóng góp hơn 32.000 ngày công, cùng với sự ủng hộ về kinh phí và vật liệu tổng trị giá khoảng hơn 7 tỷ đồng.

Có thể thấy, qua 05 năm thực hiện chuyên đề, diện mạo của giáo dục mầm non có nhiều thay đổi: mạng lưới trường học cơ bản được rà soát, sắp xếp phù hợp với tình hình thực tế; quy mô trường, nhóm, lớp ngày càng được mở rộng; tỷ lệ trẻ được ăn bán trú, 2 buổi/ngày đảm bảo 100%; nhiều trường học được đầu tư xây mới với đầy đủ phòng học và nâng tỷ lệ phòng học kiên cố lên 61%, phòng chức năng, khuôn viên trường được quy hoạch, bố trí phù hợp với các hoạt động của trẻ.

Giờ học của trẻ tại trường mầm non quốc tế Ánh Dương (Đại Từ, Thái Nguyên)

Giờ học của trẻ tại trường mầm non quốc tế Ánh Dương (Đại Từ, Thái Nguyên)

Là một đơn vị triển khai hiệu quả nội dung chuyên đề, trường mầm non Hùng Sơn 2 (huyện Đại Từ) đang có nhiều khởi sắc. Hiện nhà trường có 12/12 phòng học kiên cố, 07 phòng chức năng, 01 bếp ăn. 100% trẻ được học 02 buổi/ngày và ăn bán trú.

"Chúng tôi không nhấn mạnh vào việc cung cấp cho trẻ kiến thức, mà coi trọng việc hình thành, phát triển năng lực, kĩ năng cho các cháu. Qua đó, trẻ ngày càng tự tin, mạnh dạn, hứng thú, bộc lộ được khả năng của mình" - cô giáo Vũ Thị Thủy, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Trong khi đó, là trường tư thục duy nhất trên địa bàn huyện Đại Từ, trường mầm non quốc tế Ánh Dương lựa chọn phương pháp giáo dục STEAM, đồng thời cũng cho trẻ tiếp xúc làm quen và học tiếng Anh.

Cô giáo Nguyễn Thị Phương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Với hệ thống cơ sở vật chất theo tiêu chuẩn quốc tế, cùng với phương pháp giáo dục tiên tiến, nhà trường giúp các bé được phát triển tốt nhất khả năng của mình. Các cô định hướng, hỗ trợ, tạo môi trường, khơi gợi sự tò mò khám phá để các bé tự thực hiện".

Tăng tính tương tác

Là một trường được Sở GD&ĐT khen thưởng cho đơn vị xuất sắc trong 05 năm thực hiện chuyên đề, trường mầm non Ba Hàng (thị xã Phổ Yên) đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhà trường đã tham mưu với lãnh đạo Phòng GD&ĐT cùng như địa phương để mở thêm 01 điểm trường để giảm tải; làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện điều kiện cơ sở trường lớp trang thiết bị.

Đánh giá về kết quả tích cực qua chuyên đề, cô giáo Đặng Thị Minh Thu, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Chúng tôi rất tâm đắc với chuyên đề này. Giáo viên linh hoạt và sáng tạo hơn trong quá trình tương tác. Trẻ được phát huy bản thân qua việc tự khám phá, tự trải nghiệm. Phụ huynh cũng hiểu hơn và rất quan tâm. Sự gắn kết giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng là rất tốt".

Với đặc thù nằm trên địa bàn khu công nghiệp, cơ sở giáo dục mầm non Hoa tuổi thơ (thị xã Phổ Yên) đang có 110 trẻ, trong đó khoảng 85% là con em công nhân. Để cha mẹ các bé yên tâm và thuận lợi, cơ sở đã linh hoạt để giãn dài thời gian nhận – trả, hỗ trợ cả buổi tối và ngày cuối tuần, đồng thời có hệ thống camera đầy đủ để các gia đình cùng quan sát, trao đổi, phối hợp.

"Các cô giáo ở đây luôn khuyến khích trẻ tự nói, tự bày tỏ, tự làm, cho nên các cháu rất mạnh dạn, thoải mái. Nhờ vậy, cha mẹ các cháu cũng rất yên tâm, phấn khởi" - cô giáo Nguyễn Thị Thơm, người đứng đầu cơ sở cho biết.

Với đặc thù là một thị xã công nghiệp phát triển, những ngày này cô trò trường mầm non Ba Hàng (TX.Phổ Yên, Thái Nguyên) vẫn tới lớp vừa đảm bảo chăm sóc trẻ vừa phòng dịch an toàn.

Với đặc thù là một thị xã công nghiệp phát triển, những ngày này cô trò trường mầm non Ba Hàng (TX.Phổ Yên, Thái Nguyên) vẫn tới lớp vừa đảm bảo chăm sóc trẻ vừa phòng dịch an toàn.

Về kết quả chung sau 05 năm thực hiện chuyên đề, bà Trần Thị Thúy, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non - Sở GD&ĐT Thái Nguyên đánh giá: "Nhiều đơn vị đã nỗ lực, cố gắng xây dựng môi trường vật chất trong và ngoài lớp học phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị, qua đó tạo mọi cơ hội cho trẻ được hoạt động, trải nghiệm, thỏa mãn nhu cầu vui chơi, học tập. Môi trường tinh thần cũng được các nhà trường thường xuyên quan tâm triển khai, đôn đốc, tạo tâm lý thoải mái cho trẻ khi đến trường và giúp cha mẹ trẻ yên tâm khi gửi con".

Theo kế hoạch, trong thời gian tiếp theo, Sở GD&ĐT Thái Nguyên sẽ chỉ đạo các đơn vị tiếp tục triển khai chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm", trong đó sẽ tập trung vào chủ đề "Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo hành trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non".

Cùng với đó là việc thực hiện tuyên truyền tới cộng đồng, cha mẹ trẻ trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ tại gia đình, nhất là đối với trẻ 5 tuổi chuẩn bị vào lớp 1; huy động, khuyến khích để cha mẹ trẻ tham gia vào hoạt động của trường, lớp mầm non, khuyến khích sự chia sẻ của gia đình về đặc điểm tâm lí của trẻ để thống nhất các biện pháp thúc đẩy sự tiến bộ của trẻ; phối hợp với gia đình, cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ dân tộc thiểu số và trẻ có hoàn cảnh khó khăn.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thai-nguyen-lay-tre-la-trung-tam-va-nhung-cai-duoc-trong-giao-duc-mam-non-1596510616904.html