Thái Nguyên: Nâng cao công tác quản lý, bảo trì đường bộ địa phương
Sáng 15/8, tại thành phố Lạng Sơn, Sở Giao thông vận tải Lạng Sơn đã có buổi trao đổi kinh nghiệm công tác quản lý bảo trì đường địa phương với Sở Giao thông vận tải Thái Nguyên.
Là tỉnh giáp ranh với Lạng Sơn, Thái Nguyên hiện quản lý 530,2km đường bộ, gồm 20 tuyến đường tỉnh dài 374,6km và 4 tuyến Quốc lộ do Bộ Giao thông vận tải ủy thác quản lý dài 168km. Để thực hiện công tác quản lý bảo trì đường bộ địa phương, Sở Giao thông vận tải đang báo cáo UBND tỉnh xem xét kiện toàn, thành lập Ban Quản lý bảo trì và tư vấn xây dựng giao thông trong năm 2024 trên cơ sở sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp, không làm tăng đầu mối nhưng nâng cao hiệu quả chất lượng dịch vụ sự nghiệp công lĩnh vực giao thông.
Bảo trì đường bộ là việc thực hiện các công việc bảo dưỡng và sửa chữa đường bộ nhằm duy trì tiêu chuẩn kỹ thuật của đường đang khai thác. Đường bộ đưa vào khai thác phải được quản lý, bảo trì với các nội dung: Theo dõi tình trạng công trình đường bộ; tổ chức giao thông; kiểm tra, thanh tra việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ và sửa chữa đột xuất các công trình đường bộ (đường bộ, cầu, cống, ngầm, tràn, hệ thống biển báo hiệu đường bộ và các công trình phụ trợ).
Để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo trì công trình đường bộ gồm có công việc sau: Tuần kiểm đường bộ; lựa chọn nhà thầu bảo trì, ký kết hợp đồng, tổ chức kiểm tra, giám sát, nghiệm thu và thanh toán cho nhà thầu bảo dưỡng, nhà thầu sửa chữa công trình đường bộ. Tổ chức khắc phục hậu quả lũ lụt, bão, thiên tai, địch họa gây ra, làm ảnh hưởng đến công trình giao thông đường bộ bị hư hỏng. Tổ chức đảm bảo an toàn giao thông. Quan trắc các công trình đường bộ, đánh giá an toàn chịu lực và an toàn công trình đường bộ. Xử lý đối với công trình đường bộ có dấu hiệu nguy hiểm không đảm bảo an toàn cho khai thác sử dụng.
Sở Giao thông vận tải theo quy định và phân cấp là cơ quan được giao quản lý, bảo trì công trình đường bộ gồm: Hệ thống đường tỉnh do UBND tỉnh giao và đường Quốc lộ được Cục Đường bộ Việt Nam ủy quyền quản lý. Hiện nay Sở Giao thông vận tải tỉnh Thái Nguyên đang được giao quản lý 530,2km đường bộ, gồm 20 tuyến đường tỉnh dài 374,6km và 4 tuyến Quốc lộ dài 168km.
Việc thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường bộ trước đây do phòng quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, là phòng chuyên môn thuộc Sở đảm nhiệm. Do vừa phải đảm bảo công tác chuyên môn của phòng đồng thời phải kiêm nhiệm thêm công tác tuần kiểm, kiểm tra, giám sát, nghiệm thu nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên đường bộ nên dẫn đến chậm triển khai một số nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách như: Xây dựng kế hoạch bảo trì đường bộ hằng năm, trình phê duyệt dự án, công trình sửa chữa bảo trì đường bộ, quản lý sửa chữa đảm bảo giao thông, khắc phục hậu quả mưa lũ, thiên tai... Bên cạnh đó, Sở Giao thông vận tải còn một số nhiệm vụ thuộc thẩm quyền trong công tác quản lý, bảo trì như: Bảo dưỡng, kiểm tra, quan trắc, kiểm định chất lượng công trình cầu đường bộ nhưng không có chi phí thuê tư vấn quản lý dự án và tư vấn giám sát. Sở tiếp tục phải dùng bộ máy kiêm nhiệm để thực hiện nhiệm vụ.
Các công việc cấp bách khác của công tác quản lý bảo trì như: Khắc phục hậu quả lũ lụt, bão, thiên tai, địch họa; tổ chức đảm bảo an toàn giao thông. Quan trắc các công trình, đánh giá an toàn chịu lực và an toàn công trình, xử lý đối với công trình đường bộ có dấu hiệu nguy hiểm không đảm bảo an toàn cho khai thác sử dụng… Một số nhiệm vụ được lập thành dự án, công trình sửa chữa vừa, sửa chữa lớn có quy mô dưới 15 tỷ đồng, Sở Giao thông vận tải được cấp có thẩm quyền giao làm chủ đầu tư, được trực tiếp quản lý dự án. Tuy nhiên để vận hành được công việc thì cần thiết phải có một bộ máy có đủ năng lực và nhân lực điều hành dự án. Hiện nay nội dung này đang được thực hiện kiêm nhiệm.
Xét những yếu tố trên, Sở Giao thông vận tải gặp nhiều khó khăn trong bố trí nhân lực để quản lý, bảo trì hiệu quả đường bộ. Trong khi yêu cầu về công tác bảo dưỡng thường xuyên đường bộ phải thực hiện thường xuyên, liên tục trong suốt cả năm nhằm phòng ngừa, khắc phục ngay các hư hỏng trên đường bộ. Trong những năm qua, với bộ máy kiêm nhiệm làm công tác quản lý bảo trì đường bộ kể trên, Sở Giao thông vận tải gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức bảo trì có hiệu quả các tuyến đường được giao do không đủ lực lượng tổ chức tuần kiểm, giám sát, kiểm tra, nghiệm thu công tác bảo dưỡng hệ thống đường bộ… Vì vậy, cần thiết phải có một đơn vị chuyên trách có đủ nhân lực thực hiện công tác quản lý bảo trì đường bộ, giúp chuyên môn hóa công việc quản lý bảo trì, giảm gánh nặng và áp lực công việc cho phòng chuyên môn vốn đã quá tải do khối lượng công việc lớn, biên chế người làm việc giảm và ít.
Căn cứ các quy định của pháp luật và thực tiễn các Sở Giao thông vận tải đang có Ban Quản lý bảo trì đường bộ trong cả nước (các tỉnh xung quanh tỉnh Thái Nguyên đều đã thành lập Ban Quản lý bảo trì đường bộ và hiện nay cả nước có trên 40/63 tỉnh, thành có Ban Quản lý bảo trì đường bộ), công tác bảo trì đường bộ được Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam đánh giá cao. Công tác quản lý bảo trì hệ thống đường bộ ở các địa phương có bộ máy Ban Quản lý bảo trì được thuận lợi, chất lượng quản lý bảo trì được nâng cao, tiến độ thực hiện sửa chữa đường bộ nhanh hơn, chất lượng đường cao hơn so với các tỉnh chưa có Ban Quản lý bảo trì đường bộ (trong đó có Thái Nguyên). Công tác báo cáo, thống kê chuyên ngành để phục vụ quản lý tốt hơn, kịp thời hơn.
Xuất phát từ những khó khăn trên và yêu cầu về nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác quản lý, bảo trì đường bộ để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế và sự đi lại của nhân dân, góp phần nâng cao tuổi thọ, chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thì việc kiện toàn và đổi tên Trung tâm kiểm định chất lượng và tư vấn xây dựng giao thông Thái Nguyên thành Ban Quản lý bảo trì và tư vấn xây dựng giao thông là hết sức cần thiết, giúp cho Sở hoàn thành tốt các nhiệm vụ về quản lý, bảo trì đường bộ được giao. Việc kiện toàn và đổi tên Trung tâm kiểm định chất lượng và tư vấn xây dựng giao thông Thái Nguyên là đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi thường xuyên phù hợp với thực tế và quy định hiện hành, không làm tăng biên chế, không tăng chi ngân sách Nhà nước.