Thái Nguyên phát triển cụm công nghiệp theo chiều sâu

Tỉnh Thái Nguyên đang xây dựng, triển khai các giải pháp phù hợp, góp phần phát huy hơn nữa các tiềm năng, thế mạnh về công nghiệp của tỉnh trong phát triển cụm công nghiệp.

Những năm gần đây, trong khi lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng trưởng mạnh, hạ tầng của nhiều khu công nghiệp (KCN) được xây dựng mới đồng bộ, hiện đại, thu hút nhiều dự án quy mô lớn, thì hệ thống cụm công nghiệp (CCN) chưa phát triển tương xứng, hiệu quả đầu tư còn thấp.

Cụm công nghiệp Nguyên Gon ở phường Cải Đan (T.P Sông Công) đang được đầu tư mở rộng với tổng kinh phí gần 100 tỷ đồng. Ảnh: T.L

Quy hoạch nhiều, hiệu quả thấp

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 35 CCN được quy hoạch với tổng diện tích 1.259ha. Trong đó chỉ có 16 cụm có chủ đầu tư hạ tầng, 24 cụm có quy hoạch chi tiết, 15 cụm đã đi vào hoạt động với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 1.200 tỷ đồng. Tỷ lệ lấp đầy bình quân của các CCN đã đi vào hoạt động mới đạt khoảng 44%, thu hút được 71 dự án đầu tư và đang tạo việc làm cho trên 8.800 lao động. 2 CCN đã đi vào hoạt động từ lâu nhưng chưa có chủ đầu tư hạ tầng gồm: CCN Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ và CCN số 5, T.P Thái Nguyên. 5 năm qua chỉ có 11 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào các CCN của tỉnh (1 dự án vốn FDI)… Những con số trên phần nào cho thấy kết quả thu hút đầu tư phát triển các CCN còn rất khiêm tốn so với tiềm năng và kỳ vọng của tỉnh.

Thực tế cho thấy việc thu hút đầu tư vào các CCN (kể cả thu hút nhà đầu tư hạ tầng và thứ cấp) trong những năm qua còn gặp nhiều khó khăn. Cơ bản hạ tầng các CCN, nhất là hạ tầng ngoài hàng rào chưa đồng bộ, chắp vá do chủ đầu tư yếu kém về năng lực trong khi nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách rất hạn chế. Không ít dự án thứ cấp đã được cấp phép vào CCN nhưng triển khai rất chậm, gây lãng phí đất đai và ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư chung. Đối với các CCN được quy hoạch tại những huyện miền núi, vùng cao, công tác thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng càng gặp nhiều khó khăn. Nhiều CCN đã quy hoạch từ lâu nhưng không có chủ đầu tư hạ tầng hoặc nhà đầu tư năng lực kém nên chưa được triển khai, như: CCN Đu - Động Đạt, huyện Phú Lương; CCN Nam Hòa, CCN Quang Trung - Chí Son và CCN Đại Khai, huyện Đồng Hỷ; CCN Phú Lạc, huyện Đại Từ; CCN Bàn Đạt, huyện Phú Bình...

Ông Trần Anh Sơn, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương) cho rằng: Nguyên nhân quan trọng khiến nhiều CCN khó thu hút đầu tư là bởi được quy hoạch tại những khu vực không thuận lợi về giao thông, nguồn nguyên liệu sản xuất và lao động. Đã có giai đoạn, việc quy hoạch CCN dàn trải, “chia đều” cho các địa phương mà không ưu tiên những yếu tố thuận lợi về thu hút đầu tư. Công tác thẩm định, lựa chọn chủ đầu tư hạ tầng và thứ cấp giai đoạn trước cũng chưa chặt chẽ nên không ít nhà đầu tư kém năng lực, sử dụng công nghệ lạc hậu vẫn được chấp thuận.

Dây chuyền sản xuất của Công ty CP Đầu tư và Thương mại Trọng Tín tại CCN Trúc Mai (huyện Võ Nhai), đây là 1 trong 2 CCN đang hoạt hoạt của huyện vùng cao này.

Điều chỉnh để tạo đột phá

Những năm gần đây, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành liên quan rà soát để tham mưu điểu chỉnh, bổ sung các CCN vào quy hoạch. Trong quá trình sàng lọc đó, nhiều CCN đã được đưa ra khỏi quy hoạch hoặc điều chỉnh giảm diện tích. Tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh ban hành Quyết định Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch CCN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, để phù hợp với tình hình thực tế trong khi chờ hoàn thiện Quy hoạch tỉnh. Theo quyết định này, 5 CCN được đưa ra khỏi quy hoạch có tổng diện tích 202ha, 3 cụm giảm diện tích với tổng số gần 80ha (phần lớn thuộc các huyện miền núi, nơi khó khăn về giao thông). Đồng thời, 5 CCN mới được bổ sung có tổng diện tích 356ha thuộc huyện Phú Bình và T.X Phổ yên, gồm: Thượng Đình, Hạnh Phúc - Xuân Phương, Minh Đức 1, Tân Phú 1 và Tân Phú 2.

Nhìn vào đó có thể thấy sự dịch chuyển trong quy hoạch CCN từ vùng khó khăn đến các địa phương có điều kiện hạ tầng và tiềm năng thu hút đầu tư tốt hơn. Điều này nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 (tập trung đầu tư phát triển hạ tầng khu, CCN phía Nam), phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay và định hướng phát triển trong những năm tới. Việc phát triển các CCN sẽ gắn với phát triển hạ tầng giao thông và hệ thống đô thị, ưu tiên thu hút các dự án công nghiệp công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn.

Tín hiệu đáng mừng là tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh đã trao Quyết định thành lập CCN Tân Phú 1, Tân Phú 2 (T.X Phổ Yên) và CCN Lương Sơn (T.P Sông Công) cho chủ đầu tư hạ tầng là Công ty CP Công nghệ viễn thông Sài Gòn (Saigontel). Đây là doanh nghiệp có năng lực hàng đầu Việt Nam về phát triển hạ tầng khu, CCN và thu hút đầu tư nước ngoài. Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Saigontel cho biết: Chúng tôi cam kết sẽ triển khai đúng tiến độ trong 2 năm và thu hút những nhà đầu tư có chất lượng vào các CCN này. Đây đều là những cụm có vị trí đắc địa, chính quyền các cấp của Thái Nguyên năng động và tạo điều kiện thuận lợi nên chúng tôi rất hài lòng. Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều CCN mới được quy hoạch nhưng đã có nhà đầu tư quan tâm, lập hồ sơ đề xuất.

Hiện nay, các địa phương cấp huyện đang rà soát, đề nghị điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các CCN theo hướng phù hợp hơn. Từ đó, các sở, ngành chuyên môn sẽ thẩm định, tham mưu cập nhật vào Quy hoạch tỉnh, theo hướng tiếp tục đưa ra khỏi quy hoạch hoặc giảm diện tích những CCN khó thu hút đầu tư, đồng thời bổ sung các CCN tại khu vực phía Nam của tỉnh. Cùng với điều chỉnh quy hoạch, công tác thẩm định, lựa chọn nhà đầu tư thực sự có năng lực ngày càng được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm. Những giải pháp này được kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong phát triển CCN của tỉnh trong tương lai gần.

Trần Quyền (baothainguyen)

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thai-nguyen-phat-trien-cum-cong-nghiep-theo-chieu-sau-d143902.html