Thái Nguyên: Quyết liệt chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát
Trong văn bản chỉ đạo mới đây nhất, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng đã yêu cầu người đứng đầu cấp huyện phải quyết liệt hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát ở địa phương mình. Đồng thời, không để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách, hỗ trợ không đúng đối tượng, bỏ sót đối tượng hoặc chất lượng công trình không đảm bảo.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện Võ Nhai và Hội Nữ doanh nhân tỉnh trao tượng trưng kinh phí hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ. Ảnh: TL
Thời gian qua, với sự vào cuộc của các cấp, ngành trên tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát đối với hộ nghèo, cận nghèo, người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đạt được kết quả đáng ghi nhận. Đã có 6/9 địa phương trong tỉnh hoàn thành mục tiêu xóa xong nhà tạm, nhà dột nát, chỉ còn 3 huyện là Võ Nhai, Định Hóa và Đồng Hỷ đang nỗ lực triển khai theo kế hoạch. Báo cáo mới nhất của UBND tỉnh Thái Nguyên cho thấy, tính đến ngày 28/3/2025, toàn tỉnh đã hoàn thành xây mới và tu sửa được 92% nhà đủ điều kiện hỗ trợ, số còn lại (119 nhà), quyết tâm hoàn thành trước 30/4/2025.
Thực tế cho thấy, việc triển khai và nỗ lực để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh Thái Nguyên thời gian qua được Trung ương đánh giá cao. Tuy nhiên, để hoàn thành 100% số nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn (cả đủ điều kiện và chưa đủ điều kiện) theo kế hoạch là không đơn giản, nhất là với các huyện miền núi, vùng cao còn lại. Do đó, đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh yêu cầu Trưởng Ban Chỉ đạo của 3 huyện: Định Hóa, Đồng Hỷ, Võ Nhai phải tập trung tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt hơn nữa mới có thể về đích đúng kế hoạch.
Đồng chí yêu cầu việc hỗ trợ phải bảo đảm đúng mục tiêu, đúng đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, tuân thủ trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật. Tuyệt đối không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực. Bảo đảm điều kiện về hạ tầng, mặt bằng đất đai, vật liệu, lực lượng khi triển khai hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. Muốn hiệu quả cao, các huyện cần phải giao nhiệm vụ cụ thể, phụ trách địa bàn cho từng thành viên Ban Chỉ đạo. Phải thường xuyên đánh giá kết quả, tiến độ thực hiện của từng địa phương, gắn với trách nhiệm của thành viên được giao phụ trách địa bàn. Chủ động đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn ngay tại cơ sở. Lấy kết quả, tiến độ thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát để đánh giá, xếp loại cán bộ và bình xét thi đua, khen thưởng, kỷ luật trong năm.
Việc triển khai công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát, ngoài chú trọng tiến độ, đúng thành phần, đối tượng còn phải đảm bảo chất lượng các công trình xây dựng. Theo đó, đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo giao nhiệm vụ: Các công trình hỗ trợ phải tuân thủ quy chuẩn xây dựng nhà ở dân dụng, đảm bảo chất lượng vật liệu, an toàn kết cấu và tiện nghi sinh hoạt. Trong suốt quá trình thi công, phải thực hiện giám sát chặt chẽ để bảo đảm công trình hoàn thành đúng kỹ thuật và tiến độ; chất lượng công trình phải được kiểm tra, giám sát bởi các cơ quan chức năng; vật liệu sử dụng phải có nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn chất lượng. Ngoài ra, các quy trình, thủ tục phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong việc giám sát triển khai xây dựng.
Đặc biệt, tỉnh sẽ xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng chính sách để trục lợi cá nhân, làm sai lệch mục tiêu hỗ trợ theo quy định. Cán bộ, công chức, đơn vị liên quan có hành vi tiêu cực, lạm dụng, trục lợi chính sách sẽ bị xử lý nghiêm. Đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu toàn tỉnh phải triển khai hiệu quả Phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà đột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”, tăng cường tuyên truyền, thông tin, tạo đồng thuận cao trong xã hội, không được để xảy ra tình trạng đơn thư khiếu nại, gây dư luận bức xúc.