Thái Nguyên: Tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó các sự cố môi trường trong mùa mưa bão
Sau bão lũ ô nhiễm môi trường là nỗi lo hàng đầu. Giải pháp cấp thiết mà các địa phương cần làm là tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó các sự cố môi trường có thể xảy ra, làm giảm sự ảnh hưởng bởi thiên tai.
Thiên tai không những gây ra những tổn thất về tài sản, tính mạng, sức khỏe cho những vùng trực tiếp chịu tác động mà còn gây ra nhiều thiệt hại cho môi trường tự nhiên, môi trường sống của nhân dân và môi trường sản xuất.
Những vùng bị ngập lụt, môi trường bị ô nhiễm nặng ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân. Nguồn gây ô nhiễm chủ yếu do phân, rác, nước thải, bãi thu gom, tập kết xử lý chất thải rắn, kho chứa hóa chất, kho chứa thuốc bảo vệ thực vật... bị cuốn chung vào nguồn nước.
Các công trình xử lý nước thải, hệ thống thoát nước thải bị phá hủy làm cho phân, rác, nước thải tồn đọng từ các nhà vệ sinh, hệ thống cống rãnh, chuồng trại chăn nuôi tràn trực tiếp ra môi trường. Cây cối, hoa màu bị chết vì bị ngâm trong nước lâu ngày; xác chết của một số loài động vật, gia súc, gia cầm làm phát sinh dịch bệnh cho người và gia súc gia cầm.
Để chủ động, phòng ngừa, ứng phó các sự cố môi trường có thể xảy ra trong mùa mưa bão năm 2023 trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường, theo chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ngày 18/9/2023, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Công văn số 4697/UBND-CNNXD về việc tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó các sự cố môi trường trong mùa mưa bão.
UBND tỉnh đề nghị UBND các huyện, thành phố thường xuyên rà soát địa bàn, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các đơn vị khai thác chế biến khoáng sản trên địa bàn, kịp thời phát hiện nguy cơ sự cố phát tán chất thải ra môi trường; chủ động bố trí lực lượng phối hợp với các đơn vị sản xuất, kinh doanh ngăn chặn nguy cơ sự cố; cảnh báo nhân dân khu vực về nguy cơ sự cố, ô nhiễm môi trường.
Chỉ đạo đánh giá, xác định và yêu cầu bồi thường do sự cố gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn theo quy định của pháp luật (nếu có); thực hiện đúng quy định trong việc chỉ định cá nhân, tổ chức phát ngôn về sự cố môi trường.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức thực hiện việc kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh vận hành các công trình xử lý chất thải; đôn đốc, hướng dẫn việc lưu giữ, xử lý chất thải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành.
Khẩn trương xây dựng, tham mưu ban hành kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 1765/UBND-CNNXD ngày 20/4/2023 về việc triển khai thực hiện Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023-2030 (được hướng dẫn tại Công văn số 197/CV-UB ngày 03/4/2023 của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn).
Sở Công thương tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản thực hiện đầy đủ các quy định để đảm bảo an toàn bãi thải, hồ chứa quặng đuôi trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản; tiếp tục thực hiện các Công văn số 1383/UBND-CNNXD ngày 03/4/2023 của UBND tỉnh về việc rà soát, kiểm tra đảm bảo an toàn hồ chứa quặng đuôi, bãi thải trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Rà soát, kiểm tra đảm bảo an toàn các hồ chứa thủy lợi, đập, để kẻ theo lĩnh vực quản lý; kịp thời phát hiện, hướng dẫn, chỉ đạo khắc phục các yếu tố nguy cơ sự cố đối với các công trình thủy lợi.
Thiết nghĩ, việc nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng tình hình mưa bão, lũ lụt để xả thải các chất thải chưa qua xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ra môi trường nhất là đối với các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm sẽ góp phần giảm tình trạng ô nhiễm môi trường sau mưa lũ.
Suối Lọng Lạnh có ý nghĩa quan trọng trong đời sống sinh hoạt và sản xuất của hàng trăm hộ dân ở xóm Tân Lập; xóm Nông Trường, xã Cát Nê, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Tuy nhiên, dòng suối này đang bị bức tử do nguồn nước thải ô nhiễm chảy ra dòng suối hàng ngày.
Theo phản ánh của người dân, bắt đầu từ đoạn trang trại nuôi lợn của ông Dương Công Tuấn trở đi thì dòng suối này nước có một màu đen kịt, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, không thể nào chịu nổi. Mấy chục hộ dân ở xóm Nông Trường và xóm Tân Lập sống dọc bờ suối đều phải chịu đựng suốt thời gian qua. Dòng suối này chỉ đỡ bốc mùi hôi thối sau những trận mưa, lũ to.
Nguồn nước sinh hoạt của các hộ dân ở đây chủ yếu dùng giếng khoan mà nước từ suối đen kịt, hôi thối sẽ ngấm vào nguồn nước của các hộ dân. Để có nước uống, nhiều hộ dân phải dùng hệ thống lọc. Tuy nhiên, có phải gia đình nào cũng có điều kiện để mua sắm thiết bị lọc. Nếu có mua máy lọc thì cũng chỉ giải quyết được lượng nhỏ nước để ăn uống, làm như thế cũng chẳng giải quyết được tận gốc rễ vấn đề.