Thái Nguyên: Tập trung phát triển các ngành công nghiệp nền tảng

Theo thống kê của Bộ Công Thương, Thái Nguyên là địa phương có cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh, tích cực và bứt phá ở khu vực công nghiệp (với tỷ trọng đạt trên 60% GRDP của tỉnh, cùng với dịch vụ 30%, đã đóng góp trên 90% vào GRDP của tỉnh). Hiện nay Thái Nguyên đang đứng đầu các tỉnh trong vùng và đứng thứ 4 cả nước về giá trị sản xuất công nghiệp.

Ngành công nghiệp có nhiều khởi sắc

Thái Nguyên có quỹ đất công nghiệp lớn (khoảng 7.000ha) và nguồn tài nguyên, khoáng sản phong phú, đa dạng (như vonfram, than, sắt, titan, thiếc, chì, kẽm, vàng, thủy ngân...); một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn, tiêu biểu như vonfram đa kim trữ lượng khoảng 110 triệu tấn, đứng thứ hai thế giới, là nguyên liệu quan trọng cho các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Nhà máy Samsung Electronics Vietnam Thái Nguyên

Nhà máy Samsung Electronics Vietnam Thái Nguyên

Đặc biệt, Thái Nguyên có bề dày kinh nghiệm trong phát triển công nghiệp nặng; là "cái nôi" của ngành công nghiệp luyện kim cả nước và hiện vẫn là một trong những thủ phủ luyện kim. Tỉnh cũng có nguồn nhân lực với trình độ học vấn khá cao, tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng, dạy nghề.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá tỉnh Thái Nguyên đã thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài, tập đoàn kinh tế lớn, có uy tín, có khả năng dẫn dắt thị trường, tạo ra những chuỗi giá trị (như Samsung, Masan, Central Retail...). Đây là nền tảng rất quan trọng để tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp, thương mại, dịch vụ trên địa bàn ở mức cao hơn so với bình quân chung của cả nước.

Trong 7 tháng năm nay, các chỉ số chính trong lĩnh vực công thương của tỉnh cơ bản đều tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Một số chỉ tiêu tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước: Xuất khẩu đạt 15,2 tỷ USD, đóng góp gần 8% vào tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, tăng 18,1%, cao hơn cả nước (14,9%), đứng thứ 8 trong vùng và thứ 22 cả nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 15%, cao gần gấp đôi so với cả nước (8,6%), đứng thứ nhất trong vùng và thứ 33 cả nước. Hạ tầng thương mại của tỉnh tương đối phát triển (đứng thứ 2 trong vùng), tạo thuận lợi cho trao đổi mua bán hàng hóa, dịch vụ.

Bên cạnh những thuận lợi, Thái Nguyên cũng đối mặt với nhiều khó khăn, hạn chế như: doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu chưa nhiều; chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp giữa các khu vực trong tỉnh chưa đồng đều (chủ yếu tập trung ở khu vực thành phố, thị xã và một số huyện lân cận; ở vùng sâu vùng xa phát triển chưa tốt), gây nguy cơ gia tăng khoảng cách giàu, nghèo, khoảng cách phát triển giữa các địa phương trong tỉnh; cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của tỉnh gần như không thay đổi trong giai đoạn vừa qua, chủ yếu vẫn là các mặt hàng truyền thống do các doanh nghiệp FDI dẫn dắt...

Quy hoạch 11 khu công nghiệp và 1 khu công nghệ thông tin tập trung

Phát biểu tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng nhấn mạnh: Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch ngành liên quan đã được phê duyệt, tỉnh đang tổ chức quản lý có hiệu quả và hướng dẫn thực hiện đúng các quan điểm, định hướng của Quy hoạch tỉnh.

Tỉnh đã quy hoạch 11 khu công nghiệp và 1 khu công nghệ thông tin tập trung với tổng diện tích 4.245ha; 41 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.067ha, 13 sân golf.

Đến nay, Thái Nguyên đã có 6 khu công nghiệp được thành lập, trong đó 5 khu công nghiệp đang duy trì hoạt động ổn định. Khu công nghiệp Sông Công II - giai đoạn 2 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 3.2024 với tổng mức đầu tư 3.985,47 tỷ đồng; có 27/41 cụm công nghiệp đã có chủ đầu tư hạ tầng, trong đó có 11 cụm công nghiệp đi vào hoạt động. Trong Quy hoạch tỉnh có nhiều nội dung liên quan đến lĩnh vực công thương như điện, xăng dầu, khoáng sản, thị trường, logistics…

Trong cơ cấu kinh tế của Thái Nguyên hiện nay, công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 60%; dịch vụ chiếm khoảng 32,8%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 7,2%. Tỉnh đang phấn đấu giai đoạn 2025 - 2030 tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ, đặc biệt kỳ vọng vào các tài nguyên chính, trong đó có du lịch.

Tỉnh Thái Nguyên mong muốn Dự án mở rộng Nhà máy Gang Thép giai đoạn 2 được tiếp tục triển khai, hoạt động trở lại; đề nghị Bộ Công Thương tham mưu Chính phủ chỉ đạo nội dung này, góp phần đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế không những của tỉnh Thái Nguyên mà cả nước nói chung. Đề nghị lãnh đạo các cục, vụ, tập đoàn kinh tế đồng hành, phối hợp hỗ trợ để tỉnh Thái Nguyên phát huy tiềm năng, thế mạnh, ngày càng phát triển hơn nữa.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thời gian tới tỉnh Thái Nguyên cần tập trung phát triển các ngành công nghiệp nền tảng mà tỉnh có thế mạnh gắn với tận dụng lợi thế, thành quả của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số và chú trọng xử lý vấn đề môi trường, bảo đảm sự phát triển bền vững.

Tỉnh cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp, nhất là ngành chế biến, chế tạo theo hướng đẩy mạnh các nhóm ngành, sản phẩm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, công nghệ sạch và sản xuất hàng xuất khẩu.

Tăng cường liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI trong quá trình đầu tư, từng bước tham gia sâu vào chuỗi sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực, thế mạnh của tỉnh và khu vực, đáp ứng nguyên liệu đầu vào, tăng tỷ trọng nội địa trong sản xuất công nghiệp.

Văn Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/thai-nguyen-tap-trung-phat-trien-cac-nganh-cong-nghiep-nen-tang-i385091/