Thái Nguyên: Thêm 2 điểm du lịch cộng đồng được công nhận
UBND tỉnh Thái Nguyên vừa ban hành Quyết định về việc công nhận Điểm du lịch sinh thái xóm Đồng Khuân, thuộc xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ; đưa tổng số điểm du lịch cấp tỉnh được UBND tỉnh công nhận lên con số 11.
Điểm du lịch sinh thái xóm Đồng Khuân do Hợp tác xã du lịch sinh thái Cửa Tử quản lý nằm sát chân núi Tam Đảo, có khí hậu mát mẻ, cảnh quan đẹp, nhất là các thác nước. Xóm Đồng Khuân có tổng số 86 hộ, 395 nhân khẩu, 4 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó trên 80% là đồng bào dân tộc Dao. Các dân tộc còn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc như: Lễ cấp sắc của người Dao; những làn điệu dân ca Pả Dung; nhiều món ăn truyền thống độc đáo; nghề trồng và chế biến chè, chế biến lá thuốc…
Tại đây, một số hộ dân đã chú trọng đầu tư phát triển các dịch vụ phục vụ khách du lịch, tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ năng phát triển du lịch, tham quan, học tập kinh nghiệm phát triển du lịch tại các tỉnh bạn.
Theo thống kê, từ khi đi vào hoạt động (30/4/2022) đến nay, Điểm du lịch sinh thái xóm Đồng Khuân đã đón trên 20.000 lượt khách đến tham quan trải nghiệm và lưu trú.
Trước đó, ngày 07/11/2023, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã ban hành Quyết định số 2789/QĐ-UBND về việc công nhận Điểm du lịch đối với Khu du lịch sinh thái trải nghiệm YASMIN FARM Thái Nguyên thuộc xóm Hội Hiểu, xã Cao Ngạn, thành phố Thái Nguyên do Công ty TNHH Thái Việt tổ chức quản lý, khai thác.
Như vậy, đến nay, Thái Nguyên đã có 11 điểm du lịch cấp tỉnh được UBND tỉnh công nhận. Riêng trong năm 2023, có 4 điểm được công nhận là: Điểm du lịch cộng đồng hồ Ghềnh Chè, xã Bình Sơn (thành phố Sông Công); Khu du lịch sinh thái trải nghiệm YASMIN FARM, xóm Hội Hiểu, xã Cao Ngạn (thành phố Thái Nguyên); Điểm du lịch cộng đồng xóm Tân Sơn, xã La Bằng và Điểm du lịch sinh thái xóm Đồng Khuân, xã Hoàng Nông, cùng ở huyện Đại Từ.
Theo Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 tỉnh trở thành trung tâm du lịch của vùng Việt Bắc với sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hóa trà, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao. Du lịch Thái Nguyên trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh với hệ thống hạ tầng đồng bộ, sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng ngày càng được nâng cao.
Để đạt mục tiêu này, một trong những giải pháp quan trọng tỉnh Thái Nguyên thực hiện là tập trung xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với văn hóa trà; đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ du lịch, hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch; phát triển các loại hình du lịch văn hóa, tâm linh, về nguồn dựa trên các khu di tích, điểm di tích, di sản sẵn có… Theo kế hoạch, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành hỗ trợ 5 địa điểm được lựa chọn xây dựng mô hình điểm về phát triển du lịch cộng đồng.
Thái Nguyên đã công nhận nhiều điểm du lịch cộng đồng khá nổi tiếng như: Điểm du lịch Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (xã Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên) gắn với đặc trưng văn hóa dân tộc Tày; Điểm du lịch Làng văn hóa dân tộc bản Quyên (xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa) gắn với Di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà (Võ Nhai) với các hoạt động tham quan, trải nghiệm đình Mỏ Gà, nhà sàn truyền thống, vườn cây ăn quả, đan lát thủ công, giã bánh dày và các trò chơi dân gian truyền thống; Điểm du lịch cộng đồng xã Tân Cương (thành phố Thái Nguyên) gắn với vùng chè đặc sản nổi tiếng của tỉnh; Điểm du lịch cộng đồng hồ Ghềnh Chè (xã Bình Sơn, thành phố Sông Công) gắn với danh thắng hồ Ghềnh Chè, di tích lịch sử căng Bá Vân và các làng nghề truyền thống…