Thái Nguyên thiệt hại lớn khi mưa lũ xảy ra
Từ ngày 22/5 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên liên tục xảy ra các trận mưa lớn kéo dài, gây thiệt hại không nhỏ về tài sản.
Mưa lớn đã gây ngập úng nhiều tuyến đường trên địa bàn TP Thái Nguyên như: đường Lương Ngọc Quyến, Ngã tư San Nền, đường Minh Cầu, đường Hoàng Văn Thụ, đường Quang Trung,…
Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên: Tại huyện Đại Từ và Định Hóa, mưa to đã gây ngập úng khoảng 51,5 ha lúa, 1,5 ha cây màu và 7 ha chè; làm vỡ 01 ao nuôi cá truyền thống với mức thiệt hại khoảng 2 tấn; một số cầu tràn của hai huyện bị ngập sâu.
Riêng huyện Đại Từ, mưa lớn đã gây ngập úng gần 400ha lúa, chè và cây màu; có 41 điểm tại 14 xã bị ngập úng, chia cắt giao thông; 24 hộ dân ở các xã Tân Linh, Thị trấn Hùng Sơn, thị trấn Quân Chu, Phú Thịnh có nguy cơ thiệt hại về nhà ở và phải thực hiện sơ tán đến nơi an toàn… Tổng thiệt hại về tài sản ước tính đến thời điểm này khoảng trên 5 tỷ đồng.
Tại một số hồ chứa của huyện Đại Từ ( Đoàn Ủy, Suối Diễu, Phú Xuyên, Gò Miếu…) mực nước đã vượt qua ngưỡng tràn. Ngoài ra, tại Đại Từ, 1 hộ dân bị nứt nhà, sạt lở 13 mét mái taluy âm sát mép đường 263B và 2 điểm đường giao thông thuộc xã Minh Tiến.
Các cơ quan chức năng của các địa phương đã khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện kiểm tra, rà soát đánh giá sơ bộ mức độ thiệt hại để có phương án đảm bảo an toàn cho Nhân dân. Đồng thời, căng dây, dựng biển cảnh báo nguy hiểm tại các vị trí cầu tràn bị ngập, bố trí lực lượng canh gác không cho người dân và các phương tiện giao thông qua lại khi chưa đảm bảo an toàn.
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thái Nguyên, các sông suối trên địa bàn tỉnh hiện đang xuất hiện một đợt lũ với biên độ từ 1,5 đến 3m; nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, đô thị của 9 huyện, thành phố trong tỉnh; đặc biệt là các khu vực xung quanh dãy Tam Đảo (bao gồm các huyện Đại Từ, Định Hóa, Phú Lương và các thành phố Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên) với mức cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 1. Do vậy các địa phương trong tỉnh cần chủ động các phương án ứng phó, hạn chế thấp nhất mức độ rủi ro do thiên tai gây ra.
Hiện nay, một số địa phương vẫn đang có mưa lớn, mực nước tại hồ Núi Cốc đang dâng cao. Để đảm bảo an toàn cho các công trình, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản ở khu vực thượng lưu, hạ du hồ Núi Cốc khi Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên tiến hành mở tràn xả lũ.
Công ty đề nghị: Các địa phương thuộc khu vực thượng lưu và hạ du hồ Núi Cốc cần đề phòng ngập úng; các tổ chức, cá nhân chủ động có phương án trong sản xuất, sinh hoạt, không thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh, gieo cấy trong lòng hồ và vùng bán ngập từ cao trình +46,2m đến +48,25 m; không sản xuất, kinh doanh, gieo cấy trong phạm vi hành lang thoát lũ hai bên bờ Sông Công, trong đó đặc biệt lưu ý về an toàn giao thông khi mức nước sông Công dâng cao. Nghiêm cấm người và phương tiện không có nhiệm vụ cũng như chăn thả gia súc trên mái đập; các thuyền, bè không được cấp phép thì không được hoạt động trong lòng hồ; mọi hành vi vi phạm sẽ phải tự chịu mọi trách nhiệm và không được hỗ trợ khi bị thiệt hại.
Trước tình hình căng thẳng của mùa mưa bão, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã đi kiểm tra công tác phòng chống lụt bão tại một số điểm xung yếu. Đoàn đã đi kiểm tra tại tràn xả lũ hồ Núi Cốc (do Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên quản lý, vận hành); khu vực hạ du hồ Ghềnh Chè, TP Sông Công và đoạn sạt lở đất, đá thuộc xóm Đồi Chè, xã Phúc Trìu, TP Thái Nguyên.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Hoàng Sơn, yêu cầu các đơn vị, địa phương khẩn trương công tác phòng chống lụt bão, đảm bảo an toàn cho nhân dân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.