Thái Nguyên: Tiết kiệm được hơn 12 tỷ đồng trong đầu tư xây dựng

6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Thái Nguyên đã đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Riêng lĩnh vực đầu tư xây dựng tỉnh đã tiết kiệm được hơn 12 tỷ đồng.

Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện sắp xếp lại, xử lý 1.518 cơ sở nhà đất đạt 83,17%.

Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện sắp xếp lại, xử lý 1.518 cơ sở nhà đất đạt 83,17%.

Theo thống kê, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 23,9 nghìn tỷ đồng (tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, vốn đầu tư của khu vực kinh tế trong nước ước đạt 16,1 nghìn tỷ đồng (tăng 8,2% so với cùng kỳ). Trong đó, vốn Nhà nước quản lý là gần 4,2 nghìn tỷ đồng; vốn của tư nhân và dân cư 11,9 nghìn tỷ đồng. Vốn của khu vực đầu tư nước ngoài đạt 7,8 nghìn tỷ đồng (tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2022).

Tính đến cuối tháng 5/2023, giải ngân vốn đầu tư công trên toàn tỉnh Thái Nguyên đạt 1.763,3 tỷ đồng, bằng 22,4% kế hoạch vốn cả năm do Thủ tướng Chính phủ giao. Dự ước đến hết tháng 6, con số này đạt khoảng 3.010 tỷ đồng, bằng 38,3% kế hoạch do Thủ tướng giao và bằng 35,2% kế hoạch địa phương giao.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng; quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ. Thực hiện nghiêm Luật Đầu tư công; Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 27/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường, đẩy mạnh công tác quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành sử dụng vốn Nhà nước; Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước…

Số kinh phí tiết kiệm được trong đầu tư xây dựng của tỉnh Thái Nguyên 6 tháng đầu năm 2023 là 12.324 triệu đồng. Trong đó, bao gồm: Thẩm định, phê duyệt dự án, tổng dự toán 1.911 triệu đồng. Thực hiện đấu thầu, chào hàng cạnh tranh 5.063 triệu đồng. Thực hiện đầu tư, thi công 3.250 triệu đồng. Thẩm tra phê duyệt quyết toán 2.100 triệu đồng.

Bên cạnh đó, trụ sở làm việc và nhà công vụ tại địa phương cũng được quản lý, sử dụng theo đúng quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Việc quản lý, sử dụng được tiến hành thường xuyên, chặt chẽ, theo đúng các quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn. Việc sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ.

Cụ thể: Tổng số cơ sở nhà đất phải thực hiện sắp xếp lại, xử lý 1.825 cơ sở; Tổng số cơ sở nhà đất đã thực hiện sắp xếp lại, xử lý 1.518 cơ sở, chiếm 83,17%; tổng số cơ sở nhà đất còn phải thực hiện sắp xếp lại, xử lý 307 cơ sở, chiếm 16,82%.

Hiện nay, các cơ sở nhà đất chưa đủ điều kiện để phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất tại Thái Nguyên chủ yếu là do vướng mắc về hồ sơ, giấy tờ đất. Với tổng diện tích trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh là 15.258.460m2, Thái Nguyên đang tiếp tục chỉ đạo thực hiện rà soát sắp xếp lại cơ sở nhà, đất theo quy định.

Nguyễn Thành

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/thai-nguyen-tiet-kiem-duoc-hon-12-ty-dong-trong-dau-tu-xay-dung-357111.html