Thái Nguyên xác định 'tăng tốc, bứt phá' trong năm 2025

Năm 2025 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc 'tăng tốc, bứt phá', tạo nền tảng vững chắc để Thái Nguyên cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng nhấn mạnh, năm 2025 là năm vừa phải “tăng tốc, bứt phá” vừa phải thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng nhấn mạnh, năm 2025 là năm vừa phải “tăng tốc, bứt phá” vừa phải thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên- Trịnh Việt Hùng đã nhấn mạnh như vậy tại Kỳ họp thứ XXIII, HĐND tỉnh Thái Nguyên Khóa 14, nhiệm kỳ 2021 - 2026 vừa diễn ra.

Thái Nguyên sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới

Với sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, tình hình kinh tế-xã hội Thái Nguyên năm 2024 phục hồi tích cực, đạt kết quả nổi bật trên nhiều lĩnh vực.

Tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh năm 2024 đạt 6,5%. Giá trị xuất khẩu của tỉnh đứng thứ 5 toàn quốc (đạt gần 27,6 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ). Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.030 nghìn tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. GRDP bình quân đầu người đạt 119,2 triệu đồng (tương đương tăng 6,6 triệu đồng/người/năm) so với năm 2023.

Phát huy những kết quả đã đạt được, bước sang năm 2025, Tỉnh ủy Thái Nguyên xác định đây là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, đồng thời là năm tập trung tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Kết quả của 5 năm 2021-2025 là yếu tố nền tảng để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn 2026-2030.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng nhấn mạnh, năm 2025 là năm vừa phải “tăng tốc, bứt phá”, tập trung phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nhiệm kỳ 2021 – 2025, vừa phải thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tổ chức thành công Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, tạo nền tảng vững chắc để Thái Nguyên cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Theo đó, Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt đã đề ra mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Thái Nguyên là một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội.

Đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao; trung tâm giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe; trung tâm du lịch; trung tâm chuyển đổi số của khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc hiện thực hóa mục tiêu

Với mục tiêu đó, đồng chí Trịnh Việt Hùng đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu phải xác định quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW về sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông.

HĐND tỉnh cần thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương của Đảng, bảo đảm tiến độ, chất lượng các nghị quyết; triển khai hiệu quả các luật và các quy định pháp luật có liên quan được Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương mới ban hành. Cùng với đó, thực hiện các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt từ thực tiễn triển khai các nhiệm vụ. Khẩn trương rà soát, phát hiện các quy định pháp luật không còn phù hợp, chồng chéo, hoặc chưa đầy đủ để kiến nghị với cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung cho phù hợp; những vấn đề thuộc thẩm quyền thì theo hướng vướng mắc ở đâu tháo gỡ ở đó, ở cấp nào thì cấp đó chủ động và mạnh dạn đề xuất sửa đổi, hoàn thiện.

Cùng với đó, UBND tỉnh cần khẩn trương phổ biến pháp luật với nhiều hình thức phong phú phù hợp để cán bộ, người dân và doanh nghiệp hiểu, tuân thủ pháp luật; đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, xây dựng chính quyền kiến tạo phát triển; xác định môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, minh bạch và công bằng là một trong các lợi thế so sánh của tỉnh Thái Nguyên để thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong bối cảnh Việt Nam chính thức áp thuế tối thiểu toàn cầu từ 1/1/2024.

Các chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2025

Năm 2025, Thái Nguyên quyết tâm triển khai đồng bộ công tác giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới nổi; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới.

Thái Nguyên đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình trọng điểm, làm cơ sở để thu hút các dự án FDI có chọn lọc; tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách hỗ trợ để thu hút các tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực chip, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…

Đặc biệt, Thái Nguyên nỗ lực triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.

Các chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2025 được tỉnh đề ra là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 8,5%; giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng 10%; giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,5%; giá trị xuất khẩu tăng 9%; GRDP bình quân đạt 132 triệu đồng/người/năm; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 23.100 tỷ đồng; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 0,8% trở lên./.

Minh Huế

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/thai-nguyen-xac-dinh--tang-toc--but-pha--trong-nam-2025-131949.htm