Thái Nguyên xây dựng nền hành chính minh bạch, hiệu quả
Theo kết quả công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) ở Việt Nam năm 2024, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục khẳng định vị thế khi nằm trong tốp đầu cả nước với tổng điểm 46,3487 điểm (năm 2023 đạt 45,7875 điểm). Kết quả này thể hiện sự đồng thuận giữa chính quyền và người dân; sự hài lòng của người dân chính là thước đo về hiệu quả quản trị và hành chính công trên địa bàn tỉnh.

Biểu đồ 8 chỉ số nội dung PAPI của tỉnh Thái Nguyên năm 2024 so với năm 2023.
Chỉ số PAPI là công cụ phản ánh quan điểm của người dân về hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp. Chỉ số PAPI gồm 8 chỉ số nội dung, 29 nội dung thành phần và trên 120 tiêu chí chính.
Tổng điểm tối đa của các nội dung là 80 điểm; kết quả được xếp hạng theo 4 nhóm: Cao nhất, trung bình cao, trung bình thấp, thấp nhất (mỗi nhóm có khoảng 15-17 tỉnh, thành phố). Có thể hiểu, Chỉ số PAPI càng cao thì mức độ hài lòng của người dân với chính quyền càng lớn.
Năm 2024 là năm thứ hai Chỉ số PAPI của tỉnh Thái Nguyên tiếp tục tăng về điểm số và thuộc nhóm cao nhất cả nước. Đây cũng là năm Thái Nguyên có tổng điểm cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây.
Sự vươn lên của tỉnh về kết quả Chỉ số PAPI cho thấy các cấp chính quyền đang nỗ lực hướng tới mục tiêu phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Đáng chú ý, tỉnh Thái Nguyên có tới 6/8 chỉ số nội dung thuộc nhóm cao nhất. Đó là: Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định (đạt 6,0629 điểm); Thủ tục hành chính công (đạt 7,3952 điểm); Cung ứng dịch vụ công (đạt 7,9439 điểm); Quản trị điện tử (đạt 3,9867 điểm). Đặc biệt, chỉ số Tham gia của người dân cấp cơ sở (5,8346 điểm) và Trách nhiệm giải trình (4,5985 điểm) khẳng định sự gắn kết giữa chính quyền và nhân dân.
Tuy nhiên, tỉnh vẫn cần cải thiện hai chỉ số: Kiểm soát tham nhũng (7,1730 điểm - nhóm trung bình cao) và Quản trị môi trường (3,3538 điểm - nhóm thấp nhất). Dù vậy, cả hai chỉ số này đều có tiến bộ so với các năm trước, cho thấy nỗ lực không ngừng của địa phương.

Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính ở xã Tiên Hội (Đại Từ).
Để có được kết quả này, năm 2024, UBND tỉnh đã tổ chức phân tích kết quả Chỉ số PAPI của tỉnh ngay sau khi kết quả chỉ số năm trước được công bố. Trong đó tập trung phân tích các nội dung, tiêu chí bị trừ điểm, mất điểm để đề ra giải pháp khắc phục, nâng cao chỉ số. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh ban hành kế hoạch duy trì, cải thiện, nâng cao các chỉ số, trong đó phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm, sản phẩm cụ thể của các đơn vị đối với kết quả thực hiện các nội dung, tiêu chí thuộc nhiệm vụ được giao.
Các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã xây dựng kế hoạch nâng cao nội dung các chỉ số thuộc nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình và bố trí nguồn lực để triển khai hiệu quả.
Song song với đó, tỉnh cũng tăng cường kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra đột xuất hoạt động của bộ phận một cửa các cấp, việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Trong năm 2024, đoàn kiểm tra của tỉnh đã kiểm tra 132 đơn vị, địa phương. Qua kiểm tra đã phát hiện, kiến nghị xử lý nhiều vi phạm trong giải quyết thủ tục hành chính, thực thi công vụ. Trong đó kịp thời xử lý, giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc tồn tại lâu năm, kịp thời chấn chỉnh kỷ luật kỷ cương hành chính, khắc phục tồn tại, hạn chế trong thi hành công vụ.
Công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công được chú trọng, quan tâm triển khai sâu rộng đến các xóm/tổ dân phố và thông qua nhiều hình thức, phương tiện khác nhau; truyên truyền trên hệ thống loa phát thanh tại xóm/tổ dân phố... Qua đó giúp nâng cao nhận thức của người dân, tăng cường sự đồng thuận, chia sẻ và đồng hành cùng với chính quyền.
Năm 2024, các hội nghị tuyên truyền về công tác nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công, nâng cao mức độ hài lòng đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, về thực hiện Luật Thực hiện dân chủ tại cơ sở được tổ chức tại 38 xóm, tổ dân phố với trên 5.000 người dân tham gia.
Cùng với đó, các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công cũng được triển khai đến hàng trăm cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã.

Đoàn kiểm tra công vụ, cải cách hành chính của tỉnh kiểm tra tại xã Mỹ Yên (Đại Từ).
Chính quyền các cấp có nhiều giải pháp, ưu tiên nguồn lực để đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục công lập, đường giao thông, điện, nước sinh hoạt; tăng cường công khai minh bạch nhất là công khai ngân sách, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảng giá đất… Bên cạnh đó là tăng cường tiếp xúc, đối thoại với người dân, qua đó nắm bắt và giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị, những khó khăn, vướng mắc và nguyện vọng chính đáng của người dân trên địa bàn.
Nâng cao chất lượng phục vụ của trung tâm phục vụ hành chính công, bộ phận một cửa các cấp; công khai việc nộp phí, lệ phí, ngăn chặn các hiện tượng vòi vĩnh, đòi chi thêm khi thực hiện thủ tục hành chính.
Tỉnh cũng đa dạng hóa các hình thức tiếp nhận phản ánh qua Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, qua các ứng dụng như C-ThaiNguyen, ThaiNguyen-ID, qua đường dây nóng của Sở Nội vụ và của các cơ quan, đơn vị...
Thành công về Chỉ số PAPI năm 2024 của tỉnh Thái Nguyên trong không chỉ là con số biết nói, mà còn là minh chứng rõ ràng về sự đồng thuận giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân. Với định hướng kiên trì xây dựng chính quyền kiến tạo, tỉnh đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền hành chính vì dân. Đây vừa là động lực, vừa là thách thức để Thái Nguyên tiếp tục dẫn đầu trong hành trình cải cách, hướng tới một nền quản trị công minh bạch, liêm chính và hiệu quả bền vững.