Thái Nguyên: Xuất nhập khẩu nhiều khởi sắc
Tính đến 10/3, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đạt 10,51 tỷ USD (tăng khoảng 20%) so với cùng kỳ năm trước.
Dấu hiệu tích cực
Bằng các giải pháp thúc đẩy xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư những tháng đầu năm 2024, hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ghi nhận những tín hiệu khởi sắc so với cùng kỳ năm 2023.
Theo thống kê, tính đến ngày 10/3, tổng số tờ khai tại Chi cục Hải quan Thái Nguyên đạt 50.606 tờ khai (tăng khoảng 13,10% so với cùng kỳ). Trong đó, tờ khai nhập khẩu là 25.214 (tăng 14%); tờ khai xuất khẩu là 25.392 (tăng 13%).
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn đạt 10,51 tỷ USD (tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước); trong đó, kim ngạch nhập khẩu đạt 3,61 tỷ USD (tăng 14%); kim ngạch xuất khẩu đạt 6,90 tỷ USD (tăng 25%).
Theo ông Nguyễn Đăng Chinh, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Thái Nguyên, thời điểm đầu năm, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên ra mắt sản phẩm Galaxy S24 bắt đầu bán tại thị trường nội địa. Khi Samsung đi vào sản xuất ổn định, các nhà cung cấp bắt đầu nhập hàng chạy theo đã thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu tăng.
Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu tăng có đóng góp của Công ty TNHH Trina Solar Wafer (Việt Nam), Công ty TNHH phát triển năng lượng Trina Solar.
Đặc biệt, nguồn thuế xuất nhập khẩu tăng có đóng góp của 3 doanh nghiệp nội địa là: Công ty CP Thương mại Thái Hưng; Công ty CP Thép Toàn Thắng và Công ty TNHH Trung Thành. Riêng 3 doanh nghiệp này, 2 tháng đầu năm đã đóng góp vào ngân sách trên 50 tỷ đồng.
Nhiều giải pháp quản lý, thúc đẩy xuất nhập khẩu
Năm 2024, Chi cục Hải quan Thái Nguyên được giao chỉ tiêu thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu là 2.500 tỷ đồng. Để hoàn thành chỉ tiêu trên, Ban lãnh đạo Chi cục Hải quan Thái Nguyên đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách.
Theo đó, Chi cục đã tổ chức các buổi gặp mặt tại trụ sở cơ quan Hải quan và trụ sở doanh nghiệp để hỗ trợ, giải đáp thắc mắc, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh để nắm bắt, tiếp cận các nhà đầu tư mới tại các khu công nghiệp trên địa bàn để kịp thời tư vấn về chính sách đầu tư, thủ tục hải quan… ngay từ khi doanh nghiệp chưa phát sinh hoạt động xuất nhập khẩu.
"Đặc biệt, Chi cục hải quan Thái Nguyên đã đẩy mạnh công tác cải cách các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu. Với phương châm "làm hết việc chứ không hết giờ'" Chi cục bố trí cán bộ, công chức làm việc kể cả ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, lễ, tết để thông quan nhanh chóng hàng hóa xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp", ông Nguyễn Đăng Chinh chia sẻ.
Do tính minh bạch của hệ thống và các giải pháp quyết liệt của ngành nên các doanh nghiệp đã tự chuyển đổi tư duy, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Ghi nhận trong những tháng đầu năm 2024, tỷ lệ doanh nghiệp ở luồng xanh (luồng ưu tiên trong thông quan) chiếm trên 75%, luồng vàng chỉ chiếm khoảng 20%, luồng đỏ 3% (trước đây luồng đỏ chiếm 10%).
Cùng với đó, từ năm 2023, thông qua công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn của Chi cục Hải quan Thái Nguyên, nhiều doanh nghiệp trước đây vẫn nộp thuế xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu thông qua dịch vụ, nay đã chuyển về nộp thuế xuất nhập khẩu trực tiếp tại địa phương. Qua đó, góp phần tăng thu cho ngân sách tỉnh khoảng 500 tỷ đồng cũng như giảm bớt thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thai-nguyen-xuat-nhap-khau-nhieu-khoi-sac-310217.html