Thái Nguyên: Xúc tiến, quảng bá, nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP
Sau 2 năm triển khai, Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã thu được những kết quả bước đầu. Với phương châm không chạy theo số lượng, đặc biệt quan tâm đến chất lượng và uy tín của sản phẩm, đến nay Thái Nguyên đã có 76 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn từ 3 - 4 sao. Công tác xúc tiến quảng bá các sản phẩm OCOP cũng được địa phương này đẩy mạnh triển khai.
Đã có 76 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn từ 3 - 4 sao
Năm 2019 - năm đầu tiên triển khai Chương trình OCOP, Thái Nguyên có 25 sản phẩm nông nghiệp được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3, 4 sao. Đến nay, toàn tỉnh có gần 200 sản phẩm đủ điều kiện để trở thành sản phẩm OCOP và 76 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn từ 3 - 4 sao, trong đó, có 23 sản phẩm 3 sao, 53 sản phẩm 4 sao. Trong số này, đã có 7 sản phẩm lập hồ sơ đề nghị Trung ương đánh giá xếp hạnh 5 sao. Thái Nguyên đã có 1 sản phẩm Làng văn hóa du lịch được đánh giá xếp hạng 4 sao. Với phương châm không chạy theo số lượng, đặc biệt quan tâm đến chất lượng và uy tín của sản phẩm Thái Nguyên đã thực hiện quy trình đánh giá công khai minh bạch, bám sát bộ tiêu chí, đúng quy định.
Không chỉ dừng lại ở gắn sao nên các sản phẩm, nhiều chương trình hỗ trợ cho sản phẩm đạt sao OCOP đã được địa phương triển khai. Cụ thể, hỗ trợ 30 triệu đồng/sản phẩm cho 12 sản phẩm đạt 4 sao; hỗ trợ 20 triệu đồng/sản phẩm cho 13 sản phẩm đạt 3 sao; hỗ trợ thiết kế logo, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm, xây dựng dữ liệu sản phẩm, thực hiện truy xuất nguồn gốc…. Từ năm 2018 đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã hỗ trợ cho 104 dự án liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, tập trung hỗ trợ đối với các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN) và các chủ thể tạo cơ sở để phát triển các sản phẩm OCOP.
Trong phát triển sản phẩm OCOP, một mặt phải tập trung tổ chức sản xuất để phát huy những tiềm năng, thế mạnh, những sản phẩm đặc sản của địa phương; đồng thời với phát triển sản phẩm OCOP, cần phải có hoạt động hỗ trợ, quảng bá để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.
Do đó, trong thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm đã được chứng nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao trên hệ thống truyền thông đa phương tiện. Lắp đặt 20 biển hiệu giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các đơn vị cấp huyện, xã có sản phẩm đạt sao OCOP. Tổ chức ngày hội trưng bày sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu; mở 2 gian hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Thái Nguyên tại trạm dừng nghỉ Hải Đăng, Km 36, đường cao tốc Thái Nguyên – Hà Nội; xã Tân Phú, thị xã Phổ Yên. Xây dựng website OCOP Thái Nguyên nhằm số hóa việc quản lý, đánh giá, xếp hạng và phát triển các sản phẩm tham gia chu trình OCOP. Tổ chức kết nối, hỗ trợ truyền thông cho các DN, HTX trên hệ thống truyền thông đa phương tiện, hỗ trợ các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP quảng cáo, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu trong và ngoài nước.
Đẩy mạnh quảng bá sản phẩm OCOP tiêu biểu
Là chương trình quốc gia triển khai thống nhất trong cả nước, được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo quyết liệt, sự hưởng ứng tích cực của các chủ thể nên việc triển khai Chương trình OCOP đã đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Thái Nguyên, việc triển khai chương trình vẫn còn những khó khăn nhất định. Nguyên nhân là do, trung ương chưa ban hành quy định kiện toàn hệ thống bộ máy tổ chức Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) thống nhất trong toàn quốc, theo hướng có bộ phận chuyên trách thực hiện Chương trình OCOP. Kinh phí thực hiện chương trình còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu khi triển khai. Các chính sách và cơ chế chưa đồng bộ nên khó khăn đối với các địa phương và các chủ thể trong triển khai thực hiện chương trình. Nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước cho phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị có sự tham gia đối ứng của các chủ thể vẫn phải thực hiện theo Luật Đấu thầu.
Xác định Chương trình OCOP có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ quan trọng trong triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Do đó, trong thời gian tới, cùng với việc tổ chức phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng hệ thống quản lý, giám sát, đánh giá, xây dựng thương hiệu sản phẩm, thì việc tuyên truyền, đẩy mạnh hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, xúc tiến thương mại. Từ đó, góp phần khẳng định giá trị, thương hiệu cho ngành nông nghiệp Thái Nguyên, đây cũng là yếu tố then chốt giúp sản phẩm thế mạnh của địa phương khẳng định thương hiệu tại thị trường trong nước.
Ông Phạm Văn Sỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên - cho biết, ngành nông nghiệp của tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào phát triển sản phẩm OCOP. Trong đó, tiếp tục rà soát, định hướng, mở rộng thêm số lượng, nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP. Đồng thời tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Việc xây dựng các sản phẩm OCOP đã tạo cơ hội cho người dân địa phương có việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tại Thái Nguyên. Đồng thời khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay.
Trong Đề án OCOP giai đoạn 2019 – 2025 Thái Nguyên đã xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn vốn 700 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh là 17 tỷ, ngân sách huyện, xã là 63 tỷ đồng, kết hợp lồng ghép các nguồn vốn khác là 246 tỷ đồng và vốn xã hội hóa là 360 tỷ đồng.