Thái tử Đan Mạch thăm Việt Nam mang theo thông điệp xanh
Thái tử kế vị Đan Mạch Frederik cùng Công nương sẽ dẫn đầu phái đoàn doanh nghiệp trong lĩnh vực tăng trưởng xanh thăm chính thức Việt Nam vào tháng 11 tới.
Theo thông cáo báo chí của Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam ngày 28/6, mục tiêu chính của chuyến thăm sắp tới của Thái tử kế vị Frederik và Công nương Đan Mạch là thúc đẩy sự hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực điện gió và sử dụng năng lượng hiệu quả.
Trong chuyến thăm này, Thái tử và Công nương cùng phái đoàn doanh nghiệp Đan Mạch sẽ gặp gỡ các lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ Việt Nam, các doanh nghiệp, cũng như tham dự hội thảo về chuyển đổi xanh và thăm các dự án năng lượng.
Chuyến thăm là một trong những sự kiện kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Đan Mạch (25/11/1971).
Việt Nam và Đan Mạch có mối quan hệ hữu nghị hợp tác song phương lâu dài và gần gũi, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng. Hiện nay, Chính phủ Đan Mạch cùng nhiều công ty Đan Mạch đang tích cực hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi xanh.
Hiệp định Đối tác toàn diện Việt Nam-Đan Mạch được ký kết năm 2013. Năm 2017, Chương trình Đối tác năng lượng Đan Mạch-Việt Nam được ký kết với mục đích hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam để đạt được các cam kết tại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Hợp tác song phương dự kiến sẽ được tăng cường hơn nữa cùng với việc ký kết Hiệp định Hợp tác chiến lược xanh 2022.
Với hơn 3.200 km đường bờ biển và cam kết quốc gia đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió trên bờ và ngoài khơi.
Việc đẩy mạnh sử dụng năng lượng hiệu quả trong ngành công nghiệp và xây dựng cũng có nhiều cơ hội vì đây là hai ngành tiêu thụ năng lượng lớn nhất ở Việt Nam với tỷ lệ tiêu thụ năng lượng lần lượt là 49% và 15%.
Trong khi đó, các công ty Đan Mạch có nhiều kinh nghiệm thực tiễn và các giải pháp tiên tiến tiến nhằm đảm bảo rằng quá trình chuyển đổi xanh có thể song hành với tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Mặt khác, Việt Nam cũng là một thị trường hấp dẫn đối với các công ty Đan Mạch. Ngay cả trong bối cảnh dịch Covid-19, Việt Nam vẫn duy trì được tỷ lệ tăng trưởng GDP hàng năm ở mức 2-3% và tỷ lệ tăng trưởng dự kiến sẽ tăng trở lại từ 4-7% vào năm 2022.
Với Việt Nam, Đan Mạch là một đối tác gần gũi và lâu đời, đặc biệt là do chương trình hợp tác phát triển có bề dày lịch sử giữa hai nước, bao gồm cả chương trình hỗ trợ Việt Nam ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, Hoàng gia Đan Mạch cũng có quan hệ lịch sử lâu đời với Việt Nam. Cha của Thái tử Frederik đã sống những năm đầu đời ở Hà Nội.
Năm 2009, ông cùng với Nữ hoàng, Thái tử kế vị và Công nương đã tới thăm Việt Nam trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước.
Thái tử Frederik đã quay trở lại thăm Việt Nam vào năm 2011 khi hai nước kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.
Chuyến thăm Việt Nam lần này của Thái tử Frederik và Công nương cùng phái đoàn doanh nghiệp Đan Mạch đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Đan Mạch, đáng lẽ ra đã diễn ra vào năm 2021.