Thala trong phum, sóc
Ven đường vào phum sóc của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer ở An Giang, cứ vài cây số lại bắt gặp một Thala. Đó là một công trình có hình dáng như ngôi nhà, cất hình vuông hoặc chữ nhật, được đồng bào Khmer cắt nghĩa là nơi dừng chân, nghỉ mát cho khách qua đường.
Tên của các Thala thường được ghép với những đặc điểm của nó, như: Thala chơn phnum (Thala gần chân núi), Thala păng xây (Thala lợp bằng thiếc)… Tùy theo điều kiện và thời gian cất, Thala có kết cấu, kiến trúc khác nhau, có ngôi xưa cũ chỉ một màu; có ngôi rực rỡ kèm theo chi tiết đẹp mắt.
Thala thường thiết kế ở gần chùa, ngã 3, ngã 4 đường…, để người dân đi đồng có thể ghé vào trú mưa, tránh nắng hoặc rủ nhau ra trò chuyện. Đặc điểm chung của Thala là thiết kế 1 mái, không có vách ngăn để đón gió mát mẻ. Bên trong có bệ để ngồi hoặc bố trí ghế đá.
Nhờ đời sống người dân phát triển, khả năng đóng góp nhiều hơn, các ngôi Thala sau này xây cất ngày càng đẹp. Tuy hiện đại với kết cấu bê-tông, lát gạch, mái ngói…, nhưng các chi tiết theo truyền thống vẫn giữ lại.
Đỉnh nóc của Thala thể hiện kiến trúc đặc trưng của văn hóa của người Khmer. Thường đây là nơi ngự trị của vị thần 4 mặt. Cuối 4 đường nối mái là hình ảnh góc mái vút cong hình ngọn lửa hay chiếc đuôi rồng.
Các ngôi Thala là công trình của cộng đồng. Người dân đóng góp kinh phí, công lao động xây dựng và sửa chữa trong suốt thời gian chúng tồn tại. Vì vậy, dù là công trình nhỏ, sự đóng góp của người dân đều được ghi nhận, tri ân, công khai rõ ràng tên tuổi, số tiền.
Trong những Thala ở An Giang, không thể bỏ qua câu chuyện của Thala Păng Xây – biểu tượng của xã Ô Lâm anh hùng. Ngày xưa, khu vực này chỉ là đồng trống, mùa hạn không có nước uống, đồng bào Khmer phải đi nạo vét các nguồn nước ở xa. Một nhà hảo tâm đã cất nhà nghỉ mát này cho bà con đi đường có chỗ nghỉ ngơi.
Ngôi thala này còn gắn với truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước của đồng bào xã Ô Lâm. Trong đó có tấm gương kiên cường của nữ liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Neáng Nghés.
Gắn liền với đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, mỗi Thala cũng giống như một “người kể chuyện”, ghi dấu lại lịch sử, những bước phát triển của đồng bào qua mỗi thời kỳ.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/thala-trong-phum-soc-a356259.html