Thăm Bến Nhà Rồng
Bến Nhà Rồng là tên thường gọi của Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM. Đó là nơi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi, bắt đầu chuyến hành trình tìm đường cứu nước kéo dài 30 năm. Ngày nay, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM là chi nhánh thuộc hệ thống các bảo tàng và di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước, địa danh nổi tiếng mà hầu như ai cũng biết. Bến Nhà Rồng được đánh giá là địa điểm có ý nghĩa quan trọng, góp phần thay đổi toàn bộ lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Từ Nhà Rồng đến bảo tàng Hồ Chí Minh
Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM tọa lạc tại số 01 Nguyễn Tất Thành, phường 12, quận 4, TP.HCM. Trước đây, Nhà Rồng là trụ sở của thương cảng Sài Gòn, được người Pháp xây dựng từ năm 1862 theo lối kiến trúc phương Tây nhưng trên nóc nhà gắn 2 con rồng "lưỡng long chầu nguyệt". Vì thế, tòa nhà được gọi là Nhà Rồng, bến cảng bên cạnh mang tên Bến cảng Nhà Rồng. Sau này, trong quá trình trùng tu, sửa chữa, 2 con rồng trên mái được thay thế bằng 2 con rồng mới với tư thế quay đầu ra ngoài. Sau ngày miền Nam giải phóng, UBND TP.HCM khôi phục Nhà Rồng thành Khu di tích Bác Hồ, sau đó là Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và cuối cùng là Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM như hiện nay.
Bến Nhà Rồng là địa điểm quen thuộc của người dân thành phố nói riêng và miền Nam nói chung. Đây là nơi lưu giữ nhiều tư liệu, hiện vật, hình ảnh liên quan tới tiểu sử, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, có 4 phòng trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 3 phòng trưng bày chuyên đề đặc biệt: Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước; tình cảm của Bác Hồ đối với nhân dân miền Nam, tình cảm kính yêu của nhân dân miền Nam đối với Bác Hồ và hệ thống đền thờ Bác Hồ ở Nam bộ.
Hành trình đầy cảm xúc
Bốn phòng trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác được xem là điểm nhấn quan trọng, ở đó, ngoài những hiện vật, hình ảnh còn có những câu nói ý nghĩa, thể hiện tấm lòng suốt đời vì nước, vì dân của Bác. Trong suốt hành trình bôn ba tìm đường cứu nước của mình, Bác đi nhiều nơi, lưu lại nhiều địa điểm. Các mô hình thu nhỏ mô phỏng một vài nơi Bác ở đặt tại các phòng trưng bày, góp phần giúp khách tham quan hiểu rõ hơn về hành trình đi tìm chân lý của Bác. Trong đó, ấn tượng nhất có lẽ là mô hình ngôi nhà số 9, ngõ Compoint, quận 17, Paris - nơi đồng chí Nguyễn Ái Quốc ở từ ngày 14/7/1921 đến 14/3/1923, đặt bên cạnh viên gạch cùng loại viên gạch Bác đã dùng sưởi ấm trong thời gian sống tại nhà số 9. Mô hình được thực hiện khá chi tiết. Qua cánh cửa sổ mở hờ, du khách có thể nhìn thấy nội thất trong nhà chỉ có chiếc tủ nhỏ, giường ngủ và 1 chiếc bàn. Ánh sáng từ bóng đèn vàng hắt ra cửa sổ mô hình tạo cho người xem cảm giác đang thực sự đứng trước không gian sống của Bác Hồ những năm tháng bôn ba nơi đất khách.
Bên cạnh ngôi nhà số 9, mô hình hang Pắc Pó cũng góp phần giúp du khách hiểu rõ hơn về những gian khổ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trải qua trong hành trình cứu nước, lại càng thêm khâm phục sự tài ba, đức độ của Người. Mỗi hiện vật được trưng bày trong bảo tàng đều mang đến những cảm xúc đặc biệt cho người xem. Đó là những vật dụng Bác sử dụng hàng ngày, những tác phẩm vĩ đại, tạo tiếng vang của Bác, những lá thư tay, những bức ảnh miêu tả cuộc sống của Bác trong suốt hành trình bôn ba tìm đường cứu nước và chèo chống con thuyền đưa dân tộc đến bến bờ tự do, độc lập.
Tham quan Bến Nhà Rồng, du khách cần nhiều thời gian để tìm hiểu từng phòng trưng bày, xem kỹ từng bức ảnh, từng dòng chú thích và tự mình cảm nhận. Với gần 24.000 tài liệu, hiện vật bao gồm trên 3.000 hiện vật gốc và một số tài liệu mật, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM là "địa chỉ đỏ" để người dân, du khách đến tham quan, tìm hiểu rõ hơn về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lịch sử của dân tộc. Có mặt trong đoàn tham quan đến từ huyện Nhà Bè, TP.HCM, chị Nguyễn Tuyết Xuân chia sẻ: “Mặc dù ở thành phố nhưng đây là lần đầu tiên tôi đến Bến Nhà Rồng. Những thông tin, hình ảnh và hiện vật bên trong bảo tàng cung cấp cho chúng tôi quá nhiều thông tin và cảm xúc. Với tôi, đây là một chuyến đi ý nghĩa của tháng 5 - tháng sinh nhật Bác”.
Sau khi tham quan tất cả các phòng trưng bày, hiểu rõ hơn về Bác cũng như một giai đoạn lịch sử của nước nhà, bước tới hành lang tầng 2 của bảo tàng, nhìn ra phía bờ sông Sài Gòn, du khách có thể cảm nhận rõ nét sự thay đổi của thành phố mang tên Bác. Những công trình mới mọc lên, nhịp sống thành phố sôi động bên dòng sông tĩnh lặng đủ khiến chúng ta cảm thấy tự hào về những gì đã đạt sau từng ấy năm giành độc lập.
Bước xuống sân bảo tàng là không gian xanh mát, đẹp mắt với cây cảnh được chăm sóc cẩn thận. Giữa sân, hướng ra sông Sài Gòn là tượng “Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước” do điêu khắc gia Phạm Mười thực hiện. Bức tượng bằng kim loại cao 3,3m, nặng 1 tấn, là nơi khách tham quan thường chụp ảnh lưu niệm khi đến với bảo tàng.
Ngồi dưới tán cây rợp bóng trong khuôn viên bảo tàng, du khách có thể ngắm nhìn lại tổng thể công trình Nhà Rồng với lối kiến trúc pha trộn Đông - Tây và lắng lòng, biết ơn quá khứ cũng như yêu mến thêm hiện tại, tự hào vì những gì cả dân tộc đang dựng xây, hướng tới./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tham-ben-nha-rong-a156256.html