Thảm cảnh khi lan 'đột biến' không còn đột biến

Đã từng một thời “hô mưa, gọi gió” khi nhà nhà, người người đều sôi sục với các giao dịch trị giá hàng chục, hàng trăm tỷ đồng của các "dân chơi" lan thứ thiệt. Từ đỉnh cao mỗi kie có giá hàng chục triệu, trăm triệu thậm chí hàng tỷ đồng thì nay được rao bán với giá chỉ vài chục nghìn đồng, thậm chí còn đóng cả xe bán hàng rong bày bán ở lề đường. Những người chơi lan không thể nghĩ rằng, cái tên "đột biến" làm khuynh đảo xã hội một thời giờ lại rơi vào thảm cảnh như vậy.

Thời "oanh liệt", nhiều người không tiếc hàng trăm triệu đồng làm nhà bảo vệ và chăm sóc lan”

Thời "oanh liệt", nhiều người không tiếc hàng trăm triệu đồng làm nhà bảo vệ và chăm sóc lan”

Năm 2020, lan đột biến bắt đầu gây "sốt" thị trường. Mỗi kie lan loại 5 cánh trắng Phú Thọ có giá từ 10-20 triệu đồng. Thấy dễ kiếm tiền từ loài hoa này, không ít người bỏ ra cả đống tiền để kinh doanh lan đột biến. Thời điểm đó, 1 kie Bạch Tuyết giá 200 triệu đồng, 1 kie Hồng Minh Châu giá 100 triệu đồng và nhiều kie Hồng Yên Thủy mỗi kie có giá gần 100 triệu đồng.

Thậm chí nhiều “dân chơi” không tiếc bỏ ra hàng chục tỷ đồng chỉ để được sở hữu cây lan bé tí tẹo có cái tên mỹ miều như người đẹp Bình Dương, người đẹp không tên, Bạch Tuyết…

“Rồi ai cũng vào lan thôi” - đó là câu nói rất phổ biến thời bấy giờ khi người người, nhà nhà đều nói chuyện về cách làm giàu từ lan đột biến. Các cuộc mua bán, ngã giá lan đột biến giá trên trời khiến người người, nhà nhà "sốt" xình xịch.

Nhớ lại thời điểm ấy, anh Nguyễn Văn Dũng, chủ một vườn lan tại huyện Lập Thạch chia sẻ: "Khi các giao dịch lan đột biến lên đỉnh điểm, nhiều người ở Vĩnh Phúc và nhiều tỉnh, thành trên cả nước bán đất đai, nhà cửa, tài sản để đầu tư mua giống lan đột biến nhằm ôm mộng làm giàu. Bên cạnh việc đầu tư hàng chục tỷ đồng để mua các giống lan đột biến, nhiều người không tiếc hàng trăm triệu đồng làm nhà bảo vệ và chăm sóc lan”.

“Ngày vui ngắn chẳng tày gang”, chỉ sau hơn 1 năm nổi đình, nổi đám, lan đột biến đã trở về mặt đất sau khi đưa một số nhà đầu tư trở thành tỷ phú và không ít người tay trắng, bỗng nhiên mắc nợ vị trót… “vào lan”. Chỉ một thời gian ngắn khi bong bóng lan đột biến xẹp xuống, hàng loạt "mã hàng" có giá từ vài triệu đến cả trăm triệu đồng/kie nay chỉ còn vài chục nghìn đến vài trăm đồng/kie.

“Ế ẩm, không có người mua, nên thay vì bán buôn số lượng lớn, thì tại thời điểm này, các nhà vườn đang đồng loạt rao bán lẻ với mức giá chỉ từ vài chục nghìn đồng/chậu 5 cánh trắng, thậm chí mua một tặng kèm một. Những dòng hoa này rẻ cũng đúng thôi bởi thời giá cao nhiều người lao vào trồng, người đam mê thì có hạn mà người đầu tư thì nhiều, dẫn đến tình trạng cung cầu quá chênh lệch... ” - Trần Văn Hưng, một dân chơi lan đột biến tại huyện Tam Dương chia sẻ trong nuối tiếc.

Qua thời sốt giá, giờ là thời điểm để người yêu hoa lan có thể sở hữu nhiều dòng hoa đột biến với giá cả phải chăng

Qua thời sốt giá, giờ là thời điểm để người yêu hoa lan có thể sở hữu nhiều dòng hoa đột biến với giá cả phải chăng

Trên thực tế, tại thời điểm hiện tại không khó để người yêu lan có thể sở hữu hàng loạt loại lan đột biến vang danh một thời như HO, Hồng Yên Thủy, Bạch Tuyết… với giá cả rất phải chăng đang được rao bán tràn lan trên các hội nhóm. Những cái tên kể trên, vào thời kỳ đỉnh cao, mỗi khi xuất hiện thường kèm theo mức giá từ hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng mỗi kie.

Theo đánh giá của nhiều người chơi lan, giá lan bây giờ dần trở lại giá trị thật. Người mua sưu tầm để chơi như một thú vui hơn là kinh doanh. Anh Phạm Mạnh Hùng, chủ vườn lan tại huyện Tam Đảo chia sẻ anh vẫn bán được lan đột biến nhưng giá rẻ hơn.

"Phú Thọ tôi bán 20.000 - 50.000 đồng/cm, Hiển Oanh 50.000 - 100.000 đồng/cm. Những cây đẹp hơn như Bạch Tuyết vẫn bán giá tiền triệu. Tôi nghĩ nếu chơi lan theo niềm vui và nhân giống bán với giá bình thường như hiện nay nhà vườn vẫn sống được với cây lan. Nó rẻ hơn cả lan công nghiệp" - anh Hùng chia sẻ.

Đồng quan điểm với anh Hùng, anh Nguyễn Thanh, chủ một vườn lan tại huyện Lập Thạch xem việc chăm sóc lan đột biến như một nghề và so sánh nếu làm nông những ngành nghề khác thì lan vẫn cho thu nhập tốt hơn. Hiện tại, anh Thanh khá hài lòng với giá thực tế cây lan hiện nay và vẫn tiếp tục nhân giống, chăm sóc, bán cho người sưu tầm chơi hoa.

"Khi lan đột biến mới manh nha, giá chỉ cao hơn giá hiện tại một ít. Hiện tại trở về giá như đang thấy là phù hợp. Tôi chỉ mong cây lan đột biến được người chơi đón nhận như những cây sinh vật cảnh khác và mua theo nhận định vẻ đẹp hơn là mua theo giá" - anh Thanh chia sẻ.

Bài, ảnh: Thiệu Vũ

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/83541/tham-canh-khi-lan-dot-bien-khong-con-dot-bien.html