Thâm canh phục tráng 4.750 ha rừng luồng kém chất lượng
9 tháng năm 2019, các ngành chức năng và các huyện khu vực miền núi, gồm Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Bá Thước, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Cẩm Thủy đã triển khai thực hiện mục tiêu kế hoạch năm 2019 phục tráng 4.750 ha rừng luồng kém chất lượng.
Rừng luồng của gia đình chị Lương Thị Nguyệt, xã Phú Lệ (Quan Hóa) được chăm sóc theo quy trình kỹ thuật nên phát triển tốt.
Các tháng vừa qua, chi cục kiểm lâm đã phối hợp với các huyện nêu trên tổ chức 44 lớp tập huấn về kỹ thuật phục tráng thâm canh rừng luồng cho 2.515 hộ gia đình trên địa bàn. Các ngành chức năng và chính quyền địa phương đã đôn đốc, hướng dẫn các hộ phát dọn vệ sinh rừng, cuốc lật đất, đào rãnh, hố... xung quanh bụi luồng.
Kết quả, đến trung tuần tháng 9-2019, các huyện đã cấp phân bón cho các hộ đạt 100% diện tích theo kế hoạch (4.750 ha). Các hộ đã tiến hành thực hiện các biện pháp kỹ thuật thâm canh phục tráng, bón phân cho 4.250 ha luồng, đạt 90% kế hoạch năm 2019. UBND các huyện miền núi trọng điểm trồng luồng đã khảo sát lựa chọn xong các tuyến đường ô tô lâm nghiệp cần nâng cấp hoặc làm mới; lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật dự toán phục vụ thi công nâng cấp và làm mới 10 km đường.
Thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển vùng luồng thâm canh cho các xã thuộc quy hoạch vùng luồng thâm canh của tỉnh, các hộ đã được hỗ trợ phân bón cho năm thứ nhất và năm thứ 2 thực hiện thâm canh phục tráng rừng luồng (2 triệu đồng/ha/năm quy ra phân bón) và hỗ trợ 230 triệu đồng/km đường lâm nghiệp nâng cấp hoặc làm mới (200 ha rừng luồng tập trung được hỗ trợ 1 km đường). Kết quả, từ năm 2016 đến cuối tháng 9-2019, toàn tỉnh đã thâm canh phục tráng được 9.180 ha rừng luồng kém chất lượng; làm mới được 46,3 km đường lâm nghiệp. Nhận thức của các cấp chính quyền và người dân địa phương trong việc quản lý, bảo vệ, phát triển và khai thác bền vững rừng luồng được nâng lên. Cây luồng đã và đang là nguồn thu nhập chính cho nhiều nông dân các huyện miền núi của tỉnh và doanh nghiệp chế biến luồng.