Thâm canh tăng năng suất các loại cây trồng

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành được 97 vùng sản xuất, thâm canh rau an toàn tập trung, với diện tích khoảng 13.000 ha, sản lượng đạt khoảng 170.754 tấn/năm. Trong đó, diện tích rau an toàn áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 4.000 ha. Việc mở rộng diện tích thâm canh rau màu được các địa phương trong tỉnh thực hiện theo hướng tập trung, quy mô lớn, nhằm tăng năng suất, sản lượng trên từng đơn vị diện tích.

Người dân thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa) chăm sóc rau màu.

Ông Lê Văn Vân, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân (Thọ Xuân), cho biết: Trên địa bàn xã có 130 ha cây rau màu các loại, nhờ người dân áp dụng các quy trình kỹ thuật trong sản xuất nên hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Các loại rau màu được bà con đưa vào trồng chủ yếu là các loại cây, như hành hoa, mướp đắng, đậu, cà chua, dưa leo, rau các loại và nhiều loại rau gia vị khác... Để ổn định đầu ra, HTX dịch vụ nông nghiệp và dưa leo Thọ Xuân đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người dân theo phương châm sản phẩm được thu hoạch đến đâu, bao tiêu hết cho bà con đến đấy. Bình quân mỗi ha trồng rau màu cho thu nhập từ 200 đến 230 triệu đồng/năm. Thời gian tới, xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, xây dựng thương hiệu rau sạch an toàn của địa phương.

Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng thức ăn thô xanh cho đàn gia súc là rất lớn. Ngoài các loại cỏ voi, cây ngô sinh khối chính là nguồn thức ăn bổ dưỡng giúp đàn trâu, bò sinh trưởng phát triển tốt, tăng trọng nhanh, đàn bò sữa cho sản lượng sữa cao. Nhận thấy hiệu quả từ trồng ngô sinh khối làm thức ăn cho gia súc, người dân ở các huyện Yên Định, Thọ Xuân, Ngọc Lặc, Như Thanh, Như Xuân, Thạch Thành, Cẩm Thủy,... đã phát triển được hơn 2.000 ha. Các địa phương đã chủ động chuyển đổi diện tích trồng ngô hạt năng suất thấp sang thâm canh ngô sinh khối cho hiệu quả kinh tế cao. Theo tính toán của người dân, trồng ngô thâm canh làm thức ăn chăn nuôi, mỗi năm có thể sản xuất 3 vụ, năng suất khoảng 30 tấn/ha/vụ, doanh thu 30 triệu đồng/ha/vụ, tương đương 90 - 100 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 2,5 lần so với trồng ngô dày truyền thống.

Nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, hình thành các vùng sản xuất tập trung, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Cùng với đó, ngành nông nghiệp và các địa phương tập trung phát triển sản xuất theo hướng sản xuất tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được vùng sản xuất lúa thâm canh, năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, với diện tích khoảng 158.160 ha/năm, năng suất bình quân đạt 65 tạ/ha/vụ, sản lượng đạt hơn 1 triệu tấn/năm; xây dựng được 97 vùng sản xuất chuyên canh rau, quả an toàn tập trung, với diện tích 12.560 ha/năm, sản lượng đạt khoảng 170.754 tấn/năm. Hình thành và phát triển vùng trồng ngô thâm canh năng suất, chất lượng cao, với diện tích 20.000 ha/năm, năng suất 68,4 tạ/ha/vụ.

Việc phát triển vùng thâm canh cây trồng ở các địa phương trong tỉnh không những nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cho các hộ dân, mà còn nâng cao trình độ canh tác cho người dân. Để tiếp tục phát triển vùng thâm canh cây trồng tập trung, các địa phương đang tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân tiếp tục thực hiện các biện pháp thâm canh, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Đồng thời, tiếp tục tích tụ, tập trung đất đai, tạo điều kiện thuận lợi để ứng dụng cơ giới đồng bộ vào phục vụ sản xuất, thâm canh cây trồng.

Bài và ảnh: Hải Đăng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/tham-canh-tang-nang-suat-cac-loai-cay-trong/184384.htm