Thăm đền Mỹ Lâm tưởng nhớ 3 anh em họ Đinh
Đền thờ Mỹ Lâm ở thôn Phúc Long, xã Minh Tiến (Ngọc Lặc) là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, nơi thờ 3 anh em họ Đinh, gồm: Đinh Lễ, Đinh Liệt và Đinh Bồ. Đây là 3 tướng tài giỏi đã có công giúp Bình định vương Lê Lợi đánh thắng giặc Minh.

Đền Mỹ Lâm ở xã Minh Tiến, nơi thờ 3 anh em Đinh Lễ, Đinh Bồ, Đinh Liệt. Ảnh: Khắc Công
Theo sử sách ghi lại, Đinh Lễ là người dũng cảm, nhiều mưu lược, võ nghệ hơn người. Những ngày đầu trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, ông theo Lê Lợi chiến đấu ở vùng Chí Linh trải qua nhiều gian khổ. Năm Giáp Thìn (1424), ông đã giúp Lê Lợi lập được công lớn khi đánh nhau với giặc Minh ở vùng Khả Lưu, do đó ông được phong là Tư Không. Năm 1425, khi được Lê Lợi sai đi tuần ở Diễn Châu (Nghệ An ngày nay), ông đã phục binh đánh thắng giặc Minh ở căn cứ Tốt Động, Chúc Động. Quân ta đại thắng, chém được thượng thư của giặc là Trần Hiệp và tiêu diệt 300 quân lính địch. Rồi các trận đánh vây thành Đông Quan, trận Tốt Động - Chúc Động, Đinh Lễ đều tham gia. Sau khi ông mất, năm 1428 vua Lê Lợi lên ngôi đã truy tặng ông làm Nhập nội Kiểm hiệu Tư đồ. Đời vua Lê Thánh Tông phong ông làm Thái sư Bân Quốc công, về sau tấn phong Hiển Khánh vương.
Hiện nguồn tư liệu liên quan đến Đinh Bồ chưa thu thập được nhiều, nhưng tại đền thờ Mỹ Lâm còn lưu giữ đạo sắc phong thời vua Khải Định thứ 9 (1925).
Ngoài Đinh Bồ, còn có Đinh Liệt, vị tướng tài ba đã vào sinh ra tử cùng với Lê Lợi đánh tan giặc Minh, lập nên vương triều Lê Sơ ở thế kỷ XV. Theo sách “Đại Việt thông sử” của Lê Quý Đôn: Khi Lê Lợi chuẩn bị dựng cờ khởi nghĩa, Đinh Liệt cùng với anh là Đinh Lễ và Đinh Bồ tích cực hưởng ứng chính nghĩa. Đinh Liệt là một trong số 19 người tham dự Hội thề Lũng Nhai, cũng là một trong số rất ít những người dự hội thề này có may mắn được chứng kiến ngày đại thắng. Thời trẻ, ông là một thanh niên khôi ngô, tuấn tú, thông minh, gan dạ, sớm bộc lộ tư chất của người có chí khí lớn.
Ròng rã 10 năm theo nghĩa quân Lam Sơn kháng chiến chống quân Minh, ông đã tỏ rõ lòng trung thành tuyệt đối của mình với Lê Lợi, vượt qua bao gian khổ, lập nhiều chiến công ở các trận đánh chiếm Châu Trà Lân, đánh thành Nghệ An, chiếm Đỗ Gia (nay thuộc huyện Hương Sơn, tỉnh Nghệ An). Đáng kể nhất là trận Chi Lăng, ông cùng các tướng bao vây, tiêu diệt địch, chém đầu Liễu Thăng, góp phần đánh tan 10 vạn viện binh... Ông được xếp vào chức thủ quân Thiết Đột. Sau này ông là người có công lớn cùng Lê Lăng, Nguyễn Xí dẹp bọn phản nghịch Nghi Dân, rước Lê Tư Thành tức vua Lê Thánh Tông lên ngôi, xây dựng triều Lê tiếp tục hưng thịnh. Ông cũng là người có công lớn trong việc đánh giặc Chiêm Thành giữ yên bờ cõi và mở mang đất nước về phía Nam.
Trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh, ba anh em Đinh Lễ, Đinh Bồ, Đinh Liệt đều là các tướng lĩnh của triều đại Lê Sơ, và được phong thưởng biển ngạch công thần là “Đinh thượng hầu”. Sống là tướng, khi mất hiển linh và được Nhân dân thờ làm thành hoàng của làng. Sự nghiệp của ba nhân vật lịch sử trên đã được ghi vào quốc sử. Hiện đền thờ Mỹ Lâm còn lưu giữ 8 đạo sắc phong, trong đó có 3 đạo sắc phong cho Đinh Lễ, Đinh Bồ, Đinh Liệt cùng 5 đạo sắc phong cho bản cảnh thành hoàng.
Theo các vị cao niên trong làng kể lại, đền Mỹ Lâm trước kia là công trình kiến trúc bằng gỗ, có cổng, đường thần đạo, nhà tiền đường 5 gian, trung đường 3 gian và hậu cung. Trải qua biến cố của lịch sử và sự tàn phá của thiên nhiên, ngôi đền đã bị phá hủy hoàn toàn. Năm 2000, được sự đồng ý của chính quyền địa phương và sự đồng thuận của dân làng, làng Mỹ Lâm xây dựng lại ngôi đền mới với lối kiến trúc theo hình chữ “Đinh”.
Để tưởng nhớ công lao các ông, vào ngày 9 tháng Giêng hằng năm, Nhân dân xã Minh Tiến nói chung, làng Mỹ Lâm nói riêng lại tổ chức lễ hội Cầu phúc để bày tỏ lòng thành kính, và cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ ngày nay.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/tham-den-my-lam-tuong-nho-3-anh-em-ho-dinh-247461.htm