Thăm đền Sòng Sơn - di tích lịch sử quốc gia nổi tiếng tại xứ Thanh

'Nhất vui là hội Phủ Dày/ Vui thì vui vậy, chẳng tày Sòng Sơn' và 'Đền Sòng thiêng nhất xứ Thanh'... Đó là những lời hay, ý đẹp được người đời ca tụng khi nói về đền Sòng Sơn nằm trên địa bàn phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa). Vào những ngày cuối tháng 3, chúng tôi có dịp đến thăm đền Sòng Sơn và đến Chín Giếng trước ngày nơi đây tổ chức lễ hội hàng năm vào ngày 26/2 âm lịch. Ngay từ cửa đền vào đã thấy kiệu rước để người dân nơi đây chuẩn bị cho ngày chính hội.

Người dân đến đền Sòng Sơn, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Người dân đến đền Sòng Sơn, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Đền Sòng Sơn trước đây gọi là đền Sùng Trân, được xây dựng thời triều vua Lê Hiển Tông (1740 - 1786) trên đất Cổ Đam, xã Hà Dương, huyện Hà Trung, phủ Tống Sơn. Nay đền Sòng Sơn thuộc phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn. Năm 1993, đền được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đền Sòng Sơn thờ Mẫu Liễu Hạnh là một trong "Tứ bất tử” của dân gian Việt Nam. Theo tín ngưỡng thờ Mẫu, một trong những tín ngưỡng cổ xưa nhất của người Việt, thì Mẫu Liễu Hạnh được xem là thần chủ.

Tương truyền, trước khi xây đền có một ông lão cầm chiếc gậy tre khô cắm xuống đất làng rồi khấn, nếu gậy tre này tươi tốt thì sẽ xây đền thờ Liễu Hạnh công chúa tại đó. Không lâu sau, gậy tre bén rễ, đâm chồi tốt tươi lạ thường. Người dân địa phương cho là linh ứng, linh thiêng mới bảo nhau xây nên đền Sòng và lấy ngày 26/2 âm lịch hằng năm là ngày lễ chính diễn ra lễ hội.

Theo các bậc cao niên, trước đây, cửa đền Sòng có đặt một tấm biển bằng tiếng Hán, với hai chữ "hạ mã” (xuống ngựa). Ngày xưa, quan quân từ kinh thành không kể chức sắc lớn nhỏ, khi hành quân qua đây đều phải xuống ngựa vào đền làm lễ. Thực hiện tập tục trên, ngày nay, nhiều người dân, đặc biệt là lái xe đường dài mỗi khi đi qua đều xuống xe vào lễ Thánh Mẫu, cầu cho chuyến đi được bình an, làm ăn phát đạt.

Sau khi làm lễ tại đền Sòng Sơn, chúng tôi di chuyển đến đền Chín Giếng (hay còn gọi đền Cô Chín). Đền Chín Giếng cũng nằm trong quần thể Di tích lịch sử văn hóa đền Sòng Sơn nổi tiếng linh thiêng, cách đền Sòng Sơn 1km về phía đông. Tên của ngôi đền bắt nguồn từ 9 miệng giếng thiêng quanh năm nước không bao giờ cạn. Người dân ở đây truyền tụng 9 miệng giếng thiêng là nơi Cô Chín cai ngự và xung quanh 9 miệng giếng thiêng là những câu chuyện huyền bí đến khó tin. Đền Cô Chín được khởi công cùng đền Sòng dưới thời Cảnh Hưng triều vua Lê Hiển Tông (1740 - 1786) và chính thức tu sửa vào năm 1939. Năm 1993, đền được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.

Đền Sòng Sơn, đền Chín Giếng không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của người dân Thanh Hóa mà thu hút đông đảo du khách thập phương. Ngoài ra, đền còn là địa chỉ du lịch tâm linh cho du khách vào mùa lễ hội. Năm nào cũng vậy, mùa lễ hội kéo dài cả tuần lễ ở đền Sòng Sơn thu hút đông đảo du khách thăm quan, hành lễ. Không chỉ đến đây cầu một năm mới an lành, du khách còn được hòa mình vào không khí lễ hội với những trò chơi dân gian như: Đấu vật, múa rồng, đánh cờ, đánh đu, leo dây, múa sư tử, hát chầu văn… Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đền Sòng Sơn không đông khách như những năm trước. Khách thăm quan du lịch đến đây đều đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch. Cán bộ Ban quản lý di tích thường trực nhắc nhở du khách, để đảm bảo mùa du xuân, lễ hội được an toàn.

Linh Trang

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/164467/tham-den-song-son-di-tich-lich-su-quoc-gia-noi-tieng-tai-xu-thanh.htm