Thẩm định dự án Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú

Sáng 15/01, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đã chủ trì Hội đồng thẩm định dự án Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú.

Toàn cảnh cuộc họp.

Toàn cảnh cuộc họp.

Theo báo cáo của Bộ Công an, quá trình triển khai thực hiện Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Như: hệ thống tổ chức của cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam được kiện toàn từ cấp bộ, cấp tỉnh đến cấp huyện đáp ứng ngày càng tốt yêu cầu công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.

Việc thực hiện chế độ quản lý giam giữ từ khâu tiếp nhận, phân loại, bố trí giam giữ, điều chuyển trích xuất, xử lý kỷ luật và giải quyết trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam bỏ trốn, chết, phạm tội mới từng bước đi vào nền nếp, thống nhất. Việc thực hiện chế độ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, thực hiện chế độ đối với người bị kết án tử hình đang bị tạm giam được thực hiện đầy đủ, đúng quy định của pháp luật, góp phần phục vụ có hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

Tuy nhiên, sau hơn 06 năm triển khai, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 đã bộc lộc một số vướng mắc, bất cập về phạm vi điều chỉnh của Luật; công tác quản lý, giám sát người bị tạm giữ, người bị tạm giam…

Vì vậy, việc xây dựng Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú là cần thiết nhằm tiếp tục nâng cao, bảo đảm hiệu quả công tác thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú; đổi mới phương thức quản lý, giám sát đối với người bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Qua đó góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đề cao hiệu quả phòng ngừa trong việc xử lý người phạm tội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và lợi ích của tổ chức, cá nhân.

Đại diện Bộ Công an phát biểu về việc cần thiết xây dựng Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú.

Đại diện Bộ Công an phát biểu về việc cần thiết xây dựng Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú.

Tại cuộc họp, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) đề nghị bổ sung 3 nội dung theo Hướng dẫn liên ngành 16/HDLN-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC năm 2023 về giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thi hành tạm giữ, tạm giam do Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Tòa án nhân dân tối cao - Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành. Cụ thể là: việc giam giữ phạm nhân đang chấp hành án phạt tù được trích xuất để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử; thẩm quyền điều chuyển người bị tạm giữ từ các buồng tạm giữ của đồn Biên phòng đến các cơ sở giam giữ trong Công an nhân dân; việc tiếp nhận, chuyển giao phạm nhân trốn trại giam bị bắt hoặc đầu thú theo quyết định truy nã và bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ tại các nhà tạm giữ, trại tạm giam.

Ngoài ra, đại diện VKSNDTC đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo: mở rộng phạm vi nhân thân người tạm giữ, tạm giam bao gồm cả mẹ kế và bố dượng để phù hợp với quy định của Luật Hôn nhân và gia đình; bổ sung đầy đủ tài liệu hồ sơ thẩm định theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật như báo cáo đánh giá tác động, báo cáo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan…; bổ sung những chính sách lớn dự kiến sửa đổi, bổ sung, những vấn đề cần xin ý kiến.

Đại diện Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) nêu ý kiến: bổ sung điều khoản quy định về quyền của người bị cấm đi khỏi nơi cư trú vào dự thảo Luật. Về thực hiện trích xuất người bị tạm giữ, tạm giam, điểm b khoản 5 Điều 16 dự thảo Luật có quy định “Trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam bị áp giải theo lệnh trích xuất ra khỏi cơ sở giam giữ … để phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, công tác giam giữ; tham gia tố tụng với tư cách là đương sự hoặc người làm chứng trong các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại, hành chính, lao động”. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 16 dự thảo Luật lại chưa quy định người bị tạm giữ, người bị tạm giam tham gia tố tụng thuộc trường hợp được trích xuất. Vì vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát, làm rõ để đảm bảo sự thống nhất giữa các quy định trong dự thảo Luật.

Đại diện Bộ Ngoại giao đề nghị cần nghiên cứu, nội luật hóa quy định tại Công ước Viên về quan hệ lãnh sự và quan hệ ngoại giao.

Đại diện Bộ Ngoại giao đề nghị cần nghiên cứu, nội luật hóa quy định tại Công ước Viên về quan hệ lãnh sự và quan hệ ngoại giao.

Liên quan đến việc thu thập dữ liệu sinh trắc học, đại diện Bộ Ngoại giao đề nghị cần tiếp tục rà soát để đồng bộ Luật Căn cước và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự đang được Bộ Công an xây dựng. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, nội luật hóa quy định tại Công ước Viên về quan hệ lãnh sự và quan hệ ngoại giao, lưu ý quy định về thông báo cho Bộ Ngoại giao về việc tạm giữ, tạm giam người nước ngoài. Đại diện Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp lưu ý cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét tính tương thích với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đang là thành viên, đặc biệt là Công ước Liên Hợp quốc về quyền trẻ em trong trường hợp đối tượng bị tạm giữ, tạm giam là trẻ em.

Sau khi lắng nghe ý kiến của các đơn vị, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đồng tình với việc xây dựng Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú là cần thiết. Dự thảo Luật đã thể chế hóa đầy đủ các chính sách được thông qua, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, đảm bảo tính hợp hiến. Tuy nhiên, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật khác và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên để đảm bảo tính hợp pháp, đồng bộ, thống nhất.

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh kết luận cuộc họp.

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh kết luận cuộc họp.

Về nội dung dự thảo, Thứ trưởng đề nghị xem xét bổ sung một số vấn đề như: chế độ nhận quà của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; quyền được hưởng bảo hiểm y tế của các đối tượng này, đặc biệt là đối với người mắc bệnh phải cần điều trị dài ngày; các trường hợp được trích xuất; cơ chế điều chuyển giữa công an và quân đội đối với người bị tạm giam, tạm giữ; chế độ thăm gặp lãnh sự.

Đối với hồ sơ dự thảo Luật, Thứ trưởng lưu ý bổ sung nội dung, làm rõ, đánh giá, phân tích vấn đề về bình đẳng giới đối với người bị tạm giam, tạm giữ trong bối cảnh hiện nay; rà soát ngôn ngữ; cân nhắc, đánh giá lại một số nhận định về tình hình thực thi, vướng mắc, bất cập dẫn đến sự cần thiết phải xây dựng Luật tại Tờ trình; rà soát phạm vi điều chỉnh của Luật. Ngoài ra, Thứ trưởng đề nghị không quy định cụ thể tên cơ quan quan phối hợp trong việc thực hiện các hoạt động liên quan đến tạm giữ, tạm giam trong bối cảnh đang thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.

Thiên Thanh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tham-dinh-du-an-luat-thi-hanh-tam-giu-tam-giam-va-cam-di-khoi-noi-cu-tru-post537789.html