Thẩm định SGK lớp 3, 7, 10: Bảm đảm tính chuẩn mực, sư phạm

Bộ GDĐT đã bắt đầu tổ chức thẩm định bản mẫu sách giáo khoa biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 của lớp 3, lớp 7 và lớp 10.

Theo lộ trình, từ năm học 2022-2023, sách giáo khoa mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ áp dụng với các lớp 3, lớp 7, lớp 10.

Bộ GDĐT thông tin, năm 2021, Bộ nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10 của 6 nhà xuất bản, với hơn 150 bản mẫu.

Cụ thể, 6 nhà xuất bản, gồm: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Đại học Vinh và Nhà xuất bản Đại học Huế.

Theo lộ trình, từ năm học 2022-2023, sách giáo khoa mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ áp dụng với các lớp 3, lớp 7, lớp 10.

Với lớp 3, có 48 bản mẫu sách giáo khoa của 11 môn học, hoạt động giáo dục. Trong đó, môn toán có 5 bản mẫu; mỗi môn tiếng Việt, đạo đức, tự nhiên - xã hội, giáo dục thể chất, âm nhạc, công nghệ có 3 bản mẫu; các môn: mỹ thuật, hoạt động trải nghiệm đều có 4 bản; tin học có 7 bản và tiếng Anh có nhiều nhất với 10 bản.

Với lớp 7, có 47 bản mẫu sách giáo khoa của 12 môn học, hoạt động giáo dục được gửi về Bộ GDĐT để thẩm định. Trong đó, môn tiếng Anh có 9 bản mẫu; môn tin học 5 bản mẫu; mỗi môn toán, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, mỹ thuật có 4 bản mẫu; các môn học còn lại, mỗi môn đều có 3 bản mẫu.

Với lớp 10, Bộ GDĐT nhận được 57 bản mẫu sách giáo khoa của 15 môn học, hoạt động giáo dục. Trong đó, môn tiếng Anh có 9 bản mẫu; tin học có 5 bản; mỗi môn toán, ngữ văn, hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp; công nghệ có 4 bản; các môn còn lại, mỗi môn có 3 bản.

Theo quy định, các hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10 đã được Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn ký quyết định thành lập. Các thành viên là những nhà giáo, nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học giàu kinh nghiệm, uy tín, được lựa chọn kỹ lưỡng. Trong đó, ít nhất 1/3 số thành viên là nhà giáo đang giảng dạy môn học/hoạt động giáo dục ở cấp học tương ứng.

Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ, việc biên soạn và thẩm định sách giáo khoa rất quan trọng và đã được quy định rõ trong Luật Giáo dục 2019. Mỗi tác giả có quan điểm và cách thể hiện sách giáo khoa khác nhau nhưng tất cả sách giáo khoa đều phải đảm bảo tính chuẩn mực, khoa học, sư phạm.

Vì vậy, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý Hội đồng thẩm định đặc biệt quan tâm và bám sát các tiêu chuẩn, tiêu chí sách giáo khoa được quy định trong Thông tư 33 cũng như những chỉ báo mà Bộ đã xây dựng. Quá trình thẩm định sách, các Hội đồng cần làm việc nghiêm túc, chặt chẽ, khoa học, kiên định với mục tiêu chất lượng của cuốn sách.

Nguyễn Hoài

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tham-dinh-sgk-lop-3-7-10-bam-dam-tinh-chuan-muc-su-pham-5668462.html