Thăm động Cửa Buồng
Là di tích cấp quốc gia, danh thắng động Cửa Buồng nằm trên địa bàn phường Ba Đình (thị xã Bỉm Sơn) mang vẻ đẹp thiên tạo kỳ bí. Danh thắng còn gắn liền với hoạt động của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ và đại quân Tây Sơn trên đường hành quân thần tốc ra Thăng Long đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.
Hệ thống hang động Cửa Buồng nằm trên hai dãy núi đá vôi Tượng Sơn (dáng núi hình voi phục) và Kỳ Sơn - nơi vua Quang Trung cắm cờ hiệu. Ở giữa là dòng suối Ngọc khởi nguồn từ dãy núi Tam Điệp quanh năm có nước.
Danh thắng động Cửa Buồng gồm nhiều động tự nhiên như động Trình, động Đào Nguyên (động Cửa Buồng), động Cô Tiên, động Người Xưa, động Quang Trung tối linh.
Từ ngoài vào, đầu tiên là động Trình. Cửa động tuy không quá cao, nhưng để lên được, du khách phải men theo lối mòn được tạo tác bởi hàng trăm bậc đá. Không gian bên trong động Trình rộng chừng 40 m2, kín đáo và thâm nghiêm, mát hè, ấm đông.
Tương truyền, cuối năm 1788, khi Hoàng đế Quang Trung lãnh đạo đại quân Tây Sơn tiến ra Bắc đã hội quân với Đại tư đồ Ngô Văn Sở, Học sĩ Ngô Thì Nhậm… tại đây để lập phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn.
Với lợi thế rộng lại kín đáo, động Trình khi xưa được Hoàng đế Quang Trung chọn làm nơi để hội họp tướng sĩ bàn việc quân cơ. Các tướng sĩ thường xuyên đến đây yết kiến, tâu trình về tình hình quân lương, khí giới để chuẩn bị cho cuộc tiến quân thần tốc ra Thăng Long. Có lẽ bởi vậy mà về sau dân gian thường gọi nơi đây là động Trình.
Từ động Trình đi vào bên trong hẻm núi khoảng 300 m là khu vực địa thế bằng phẳng - nơi người dân địa phương tổ chức lễ hội hàng năm. Từ đây, theo lối mòn khoảng hơn 100 m bắt gặp động Đào Nguyên bên vách núi dựng đứng.
Đi sâu vào trong động, du khách bị cuốn hút bởi vô số nhũ đá với dáng hình kỳ lạ như voi chầu; hổ phục; đại bàng tung cánh và cả hình đức Phật ngồi uy nghiêm. Tiến sâu vào bên trong lại bắt gặp động nhỏ hơn, tại đây có ban thờ thần linh.
Theo người dân địa phương, từ xa xưa ban thờ đã được lập nhằm tôn thờ thần Cao Sơn, Cao Các - hai vị thần núi ngự trị, cai quản chốn non thiêng. Từ ngã ba động Đào Nguyên bộ hành vào trong khe núi, du khách bắt gặp động Người Xưa (bên phải) và động Cô Tiên (bên trái).
Theo thế núi kỳ vĩ, hoang sơ và có phần hiểm trở, kẻ bộ hành mới đến được Quang Trung tối linh từ (động Quang Trung). Tương truyền, đây là nơi Hoàng đế Quang Trung khi xưa lập đàn tế trời đất và cầu thần linh phù trợ cho vua tôi nhà Tây Sơn hành quân thần tốc ra Thăng Long đánh đuổi quân Thanh xâm lược giành thắng lợi.
Thăm động Cửa Buồng, khách bộ hành không khỏi thích thú trước vẻ đẹp được tạo tác bởi bàn tay tạo hóa. Và ta lại lắng lòng để nghe đâu đấy “nhịp bước” người xưa.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/diem-den-xu-thanh/tham-dong-cua-buong/24476.htm