Tham dự gói thầu 5.10 DA sân bay Long Thành, 'sức khỏe' Vinaconex thế nào?
Quý II/2023, Vinaconex báo lãi sau thuế đạt 130,3 tỷ đồng, giảm 41,6 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 24% so với cùng kỳ năm trước, do giá vốn ở mức cao và các chi phí đều tăng.
Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã: VCG) vừa báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2023 không khả quan với lợi nhuận sau thuế giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023, doanh thu của Vinaconex ghi nhận đạt 4.566 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn hàng bán đạt gần 4.137 tỷ đồng, tương đương tăng 122%. Tuy nhiên, doanh thu hoạt động tài chính hơn 119 tỷ đồng, tương đương giảm 28%.
Trong khi đó, các khoản chi phí của Vinaconex đều tăng. Cụ thể, trong kỳ, Vinaconex có chi phí tài chính đạt 245 tỷ đồng, tương đương tăng 24%; trong đó, lãi vay hơn 213 tỷ đồng, tăng 10%. Chi phí bán hàng tăng gần 24 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn 104 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, Vinaconex còn ghi nhận phần lỗ trong công ty liên doanh, liên kết lên tới 12,2 tỷ đồng trong khi năm ngoái vẫn có lãi 1,5 tỷ đồng.
Do đó, sau khi trừ các chi phí phát sinh, Vinaconex báo lãi sau thuế hợp nhất quý II đạt 130,3 tỷ đồng, giảm 41,6 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022. Theo giải trình từ phía Vinaconex, nguyên nhân chính dẫn đến việc lợi nhuận hợp nhất quý II/2023 giảm là do giá vốn của hoạt động kinh doanh cùng với chi phí hoạt động tài chính tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Đồng thời, từ đầu năm 2023 đến nay, các công ty con, công ty liên kết trong hệ thống đều bị ảnh hưởng chung bởi những khó khăn của kinh tế trong nước dẫn đến kết quả kinh doanh đều bị giảm.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vinaconex đạt 6.532 tỷ đồng doanh thu, tăng 85% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt gần 139,2 tỷ đồng, giảm 81%. Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu của Vinaconex có được chủ yếu đến từ hoạt động xây lắp với hơn 3.922 tỷ đồng. Các dự án bất động sản cũng đem lại doanh thu lớn khi đạt 1.659 tỷ đồng, sản xuất công nghiệp là 337 tỷ đồng, hoạt động giáo dục hơn 126 tỷ đồng; còn lại đến từ doanh thu cho thuê, cung cấp dịch vụ và doanh thu khác 487 tỷ đồng.
Năm 2023, Vinaconex đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất 16.340 tỷ đồng, tăng 70% so với thực hiện năm 2022 và lợi nhuận sau thuế 860 tỷ đồng, giảm 8%. Với kết quả 6 tháng, Vinaconex đã hoàn thành 42% kế hoạch về tổng doanh thu và 15,3% mục tiêu lợi nhuận sau thuế cả năm.
Tính đến ngày 30/6/2023, quy mô tổng tài sản của Vinaconex đạt hơn 31.409 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với đầu năm. Trong đó, Vinaconex nắm giữ gần 1.274 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, giảm 26%. Khoản đầu tư tài chính ngắn hạn 1.928 tỷ đồng, tăng 19%, trong đó 66,7 tỷ đồng là khoản đầu tư trái phiếu, còn lại hơn 1.861 tỷ đồng là tiền gửi có kỳ hạn.
Bên cạnh đó, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm 8.613 tỷ đồng, giảm 5%; đáng chú ý là khoản phải thu đối với Công ty liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh gần 492 tỷ đồng. Giá trị hàng tồn kho 6.690 tỷ đồng, giảm 6%.
Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn 111 tỷ đồng, giảm nhẹ so đầu năm. Trong đó, 96 tỷ đồng cho dự án Resort Tam Kỳ, còn gần 15 tỷ đồng cho các dự án khác.
Mặt khác, chi phí xây dựng cơ bản dở dang gần 6.853 tỷ đồng, giảm 7% đầu năm. Trong đó, chiếm phần lớn là dự án Khu đô thị du lịch Cái Giá Cát Bà hơn 5.094 tỷ đồng, dự án Kim Văn Kim Lũ 507 tỷ đồng, trung tâm thương mại Chợ Mơ gần 423 tỷ đồng, dự án Thủy điện Đăk Ba gần 327 tỷ đồng…
Bên kia bảng cân đối kế toán hợp nhất, nợ phải trả quý II/2023 của Vinaconex gần 21.455 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so đầu năm. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn gần 7.292 tỷ đồng; khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn hơn 6.058 tỷ đồng.
Thông tin mới đây cho thấy, hiện Vinaconex là một trong những nhà thầu nằm trong liên danh VIETUR dẫn đầu là đơn vị IC ISTAS (thành viên của IC Holding Thổ Nhĩ Kỳ) tham gia gói thầu 5.10 trị giá 35.000 tỷ đồng của dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 do Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư. Liên danh VIETUR cũng là đơn vị duy nhất vừa được ACV nêu trong danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật thi công gói thầu 5.10 dự án sân bay Long Thành.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 2/8, giá cổ phiếu VCG của Vinaconex có chút điều chỉnh nhẹ khi giảm 1% xuống mức 27.300 đồng/CP, sau khi nổi sóng lớn ở phiên 1/8 (với mức giá đóng cửa cao nhất trong năm tại 27.550 đồng/CP, cùng thanh khoản đột biến lên tới gần 25 triệu đơn vị).