Tham gia BHXH tự nguyện: An tâm hưởng tuổi già

Được tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện, nhiều người dân đã không ngần ngại tham gia BHXH tự nguyện ngay

Cuộc sống của hầu hết người dân thôn Bưởi Rỏi (xã Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) vẫn còn khó khăn, chính vì vậy mà họ lại càng mong muốn tham gia BHXH tự nguyện để tích lũy cho tuổi già.

Để tuổi già có lương hưu

Tham gia buổi tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện mới đây, bà Trần Thị Hiên, SN 1969, ở thôn Bưởi Rỏi, xã Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đã nộp tiền ngay để tham gia BHXH tự nguyện. Bà Hiên chia sẻ, bà là nông dân, thu nhập cũng không cao. Chồng bà bị tai biến đã mất sức lao động, gia đình khó khăn. Cũng may bà còn buôn bán nhỏ nên cũng có đồng ra đồng vào. "Bây giờ tôi còn sức lao động nên chưa có việc gì phải lo lắng. Nhưng lúc đau yếu, không làm được việc nữa thì không biết sống thế nào. Được tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện, tôi nghĩ nếu giờ mình tiết kiệm, đóng BHXH tự nguyện thì sẽ có lương hưu, tuổi già sẽ bớt lo lắng. Vì thế, tôi không ngần ngại tham gia BHXH tự nguyện ngay" - bà Hiên tâm sự.

Bà Hiên lựa chọn mức đóng 330.000 đồng/tháng, sau khi được giảm trừ, bà chỉ còn phải đóng 297.000 đồng/tháng, 15 triệu đồng trong vòng 5 năm tới. Sau đó, bà sẽ đóng 1 lần cho 10 năm, khi bà gần 60 tuổi là được lĩnh lương hưu ngay. "Với mức đóng này, mỗi ngày tôi tiết kiệm hơn 10.000 đồng, dù khó khăn mấy cũng vẫn có thể tiết kiệm được. Sau 15 năm nữa, vừa lúc sức khỏe yếu, tôi vừa có lương hưu, vừa được cấp miễn phí thẻ BHYT, sẽ có tiền để sinh hoạt, lại được miễn phí khám bệnh. Cuộc sống tuổi già của tôi sẽ không còn phải lo lắng" - bà Hiên chia sẻ.

Người dân trao đổi thêm với nhân viên bảo hiểm về chính sách BHXH, BHYT sau buổi truyền thông

Người dân trao đổi thêm với nhân viên bảo hiểm về chính sách BHXH, BHYT sau buổi truyền thông

Cùng lựa chọn, ông Võ Hoài Bắc (54 tuổi) cũng đã đóng BHXH tự nguyện cho mình và vợ 5 năm liên tục với mức đóng 297.000 đồng/tháng. Qua nghe tuyên truyền, ông Bắc nhận định: BHXH tự nguyện là chính sách phù hợp với người nông dân như ông. Mỗi ngày chỉ cần tiết kiệm vài ngàn đồng là có thể tham gia, chuẩn bị cho mình một chỗ dựa ổn định khi về già.

Khoản tiền tham gia BHXH tự nguyện cho 2 vợ chồng, ông Bắc đã dành dụm tiết kiệm từ nhiều năm nay, đồng thời cũng có sự hỗ trợ từ 2 người con lớn. Về 2 người con đang ở cùng bố mẹ, ông Bắc cho biết nếu sau này không có việc làm ổn định, ông cũng vận động tham gia BHXH tự nguyện. "Sau này, mỗi ngày tiết kiệm 20.000 đồng, không đóng BHXH tự nguyện thì cũng chẳng tiêu vào việc gì to lớn được, trong khi đó đóng BHXH tự nguyện lại bảo đảm cho tuổi già có chỗ dựa" - ông Bắc chia sẻ.

Vận động người dân bảo lưu kết quả đóng BHXH

Ông Nguyễn Ngọc Lành, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp, cho biết là xã khó khăn nhất của huyện, trên 90% người dân của xã làm nông nghiệp. Việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT luôn được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm để bảo đảm an sinh xã hội bền vững trên địa bàn. UBND xã thường xuyên phối hợp với BHXH huyện và các đoàn thể trong tuyên truyền, vận động người dân, người lao động tham gia các chính sách này. Đặc biệt, từ năm 2021, xã không còn trong danh sách xã đặc biệt khó khăn nên người dân không còn được hỗ trợ tham gia BHYT; đồng thời mức đóng BHXH tăng do thay đổi chuẩn nghèo thì công tác này càng được tăng cường đẩy mạnh, mang lại kết quả tích cực. "Nếu như năm 2020, toàn xã chỉ có 28 người tham gia BHXH tự nguyện thì đến năm 2021, con số này đã tăng hơn 10 lần lên 238 người và 5 tháng đầu năm 2022 tiếp tục gia tăng" - ông Lành chia sẻ.

Về tình hình tham gia BHXH tự nguyện trên toàn huyện, ông Đoàn Quốc Tranh, Giám đốc BHXH huyện Quảng Trạch, cũng cho biết người dân ở huyện hầu hết là khó khăn. Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản người dân nhiệt tình tìm hiểu về chính sách BHXH tự nguyện. "Ngày càng có nhiều người nông dân hiểu về chính sách BHXH tự nguyện nên đã tham gia. Mỗi tuần, BHXH huyện đều phối hợp với chính quyền xã, các hội đoàn thể tổ chức từ 2 đến 3 hội nghị tuyên truyền trong các khu dân cư. Tuy nhiên, theo ông Tranh, đợt dịch Covid-19 vừa qua, do cuộc sống khó khăn nên cũng không ít người dân đến xin rút BHXH 1 lần. "Khi có người đến xin rút BHXH 1 lần, chúng tôi sẽ cử cán bộ đến gặp, chia sẻ, nắm bắt nguyên nhân người dân muốn rút BHXH 1 lần. Nếu do đời sống khó khăn chúng tôi động viên họ cố gắng, bảo lưu kết quả đóng BHXH trong 1 năm để tìm hướng giải quyết. Nếu do chưa hiểu rõ về chính sách, chúng tôi sẽ tiếp giải đáp thắc mắc, củng cố sự tin tưởng cho họ" - ông Tranh chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc BHXH Quảng Bình, cho biết tới nay toàn tỉnh có hơn 33.900 người tham gia BHXH tự nguyện, cao hơn 5% so với bình quân toàn quốc. Tuy vậy, ông Dũng thẳng thắn nhìn nhận, chính sách BHXH tự nguyện vẫn chưa thực sự hấp dẫn để thu hút người dân tham gia, khi BHXH bắt buộc có 5 chế độ cho người tham gia còn BHXH tự nguyện chỉ có 2 chế độ (hưu trí và tử tuất). Cùng đó, mức hỗ trợ từ ngân sách với người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp, thời gian đóng để có lương hưu lại kéo dài tới 20 năm, trong khi kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn.

Nguồn NLĐ: https://thitruong.nld.com.vn//nhip-song/tham-gia-bhxh-tu-nguyen-an-tam-huong-tuoi-gia-20220609161633035.htm