Tham gia liên minh tái chế, URC Việt Nam muốn thúc đẩy phát triển bền vững

Cùng hợp lực 'Vì một Việt Nam tốt đẹp hơn', trên cơ sở thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, URC Việt Nam - nhà sản xuất với những sản phẩm quen thuộc với người tiêu dùng như nước giải khát C2, Rồng Đỏ, bánh CreamO… - vừa qua đã hợp tác cùng 8 doanh nghiệp khác ở lĩnh vực hàng tiêu dùng và bao bì, thành lập Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (gọi tắt là PRO Vietnam). Liên minh tái chế hướng đến việc thiết lập nền tảng phát triển bền vững, cân đối giữa lợi ích kinh tế cùng việc duy trì các giá trị nhân văn, bảo vệ môi trường.

 9 doanh nghiệp cùng ký kết thỏa thuận thành lập Liên minh tái chế bao bì Việt Nam.

9 doanh nghiệp cùng ký kết thỏa thuận thành lập Liên minh tái chế bao bì Việt Nam.

Vì một Việt Nam tốt đẹp hơn

Lý do duy nhất khiến 9 doanh nghiệp gạt bỏ đi sự khác biệt trong định hướng kinh doanh để cùng ngồi lại, bắt tay hợp tác với nhau, chính là mục tiêu chung - mong muốn chung: bảo vệ môi trường trước hiện trạng lượng rác thải "khổng lồ" đang trở thành mối đe dọa lớn tại Việt Nam. Theo số liệu được công bố, Việt Nam hiện nằm trong nhóm nước có lượng rác thải nhựa đổ ra đại dương lớn. Lượng rác thải rắn đô thị ở Việt Nam được dự báo tăng 38%, từ mức 11,6 triệu tấn năm 2016 lên 15,9 triệu tấn vào năm 2030.

Trong đó, rác thải từ bao bì sử dụng một lần như chai nhựa, ống hút, vỏ hộp sữa… tăng nhanh, ảnh hưởng đến môi trường sống, đến sự phát triển bền vững của không chỉ riêng quốc gia, mà còn của toàn thế giới, nếu không được xử lý đúng cách.

Trong khi đó, các chính sách quản lý, cơ sở tái chế chưa đáp ứng nhu cầu trong khâu xử lý rác thải. Các nhà máy tái chế hiện có lại hoạt động không hiệu quả khi công nhân vẫn phải dùng tay phân loại rác để có được nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất. Chi phí phân loại, tái chế thậm chí còn cao hơn nhập nguyên liệu từ nước ngoài về sản xuất… PRO Vietnam sẽ là đối tác tư nhân của Nhà nước, tạo ra một hệ sinh thái thu gom rác thải để tăng tỷ lệ tái chế, giảm thiểu rác thải ra môi trường, góp phần giải quyết thách thức đang tồn đọng.

Theo ông Laurent Levan, Chủ tịch, đồng thời cũng là Tổng Giám đốc URC Việt Nam, các thành viên sáng lập cùng thống nhất những nguyên tắc hành động cho PRO Vietnam. Theo đó, mọi hoạt động của liên minh sẽ đảm bảo dung hòa các lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường; cân bằng giữa việc tạo ra những sản phẩm tiện ích với việc bảo vệ môi trường… Tham vọng là đến năm 2030, tất cả các bao bì của các thành viên tham gia đưa ra tiêu thụ trên thị trường sẽ được thu gom và tái chế.

 Ông Laurent Levan, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty URC Việt Nam (thứ nhất, bên trái) tại sự kiện ký kết thỏa thuận thành lập PRO Vietnam.

Ông Laurent Levan, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty URC Việt Nam (thứ nhất, bên trái) tại sự kiện ký kết thỏa thuận thành lập PRO Vietnam.

Và vì chính doanh nghiệp

Ông Laurent Levan cũng chia sẻ, tham gia liên minh tái chế tại Việt Nam là một bước đi nằm trong chiến lược phát triển bền vững mà Tập đoàn URC Philippines, công ty mẹ của URC Việt Nam theo đuổi những năm qua. Cam kết phát triển bền vững này được cụ thể hóa bằng chiến lược “chuyển đổi sản xuất”, tập trung vào tài nguyên thiên nhiên, con người và sản phẩm trong 5 năm đầu, mở rộng ra chuỗi cung ứng và các lĩnh vực kinh tế trọng tâm đến năm 2030.

Tại Việt Nam, hàng loạt sáng kiến đã được áp dụng trong sản xuất để tối ưu hóa nguồn nguyên liệu. Các nhà máy URC Việt Nam với đặc thù sử dụng nhiều nước, đã có hệ thống lọc thẩm thấu ngược và tái sử dụng nước từ hệ thống này để tối ưu lượng nước sử dụng đầu vào và hạn chế nước thải ra. Nước đã sử dụng tại hệ thống máy đóng gói và tiệt trùng cũng được tái sử dụng. Tất cả nước thải sau khi xử lý đều đạt tiêu chuẩn khi hòa vào hệ thống thu gom tập trung của khu công nghiệp VSIP. URC Việt Nam cũng tiên phong sử dụng năng lượng sạch như khí CNG, năng lượng sinh khối (biomass) trong sản xuất; sử dụng bóng đèn LED tại các nhà máy, rác thải công nghiệp được các nhà thầu xử lý, tái chế làm nguyên liệu sản xuất gạch lót vỉa hè, phân bón…

Năm 2018, lượng nước tiêu thụ cho mỗi kilogram sản phẩm giảm đến 18% so với năm 2017, giúp tiết kiệm hơn 310.000 m3, lượng điện năng tiêu thụ cũng giảm được đến 4,5%. “Năm 2019, chúng tôi đặt mục tiêu giảm thêm 10% tỉ lệ sử dụng nước và 3% trên tỉ lệ tiêu dùng năng lượng cho sản xuất. Những kết quả này đã tạo giá trị cho chính URC Việt Nam, giúp tiết giảm chi phí hoạt động sản xuất. Nhưng quan trọng không kém là chúng tôi có thể đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội, bởi mỗi mét khối nước tiết kiệm được có thể sẽ rất hữu ích cho rất nhiều người trong bối cảnh nhu cầu sử dụng nước sạch trong sinh hoạt, sản xuất ngày càng tăng cao”, ông Laurent Levan nói.

 URC Việt Nam là công ty đầu tiên của tập đoàn đạt chứng nhận ISO 45001:2018 - chứng nhận hệ thống quản lý sức khỏe và an toàn nghề nghiệp cho các nhà máy sản xuất.

URC Việt Nam là công ty đầu tiên của tập đoàn đạt chứng nhận ISO 45001:2018 - chứng nhận hệ thống quản lý sức khỏe và an toàn nghề nghiệp cho các nhà máy sản xuất.

Thêm vào đó, URC Việt Nam là công ty đầu tiên của tập đoàn đạt chứng nhận ISO 45001:2018 - chứng nhận hệ thống quản lý sức khỏe và an toàn nghề nghiệp cho các nhà máy sản xuất. Bên cạnh đó, URC Việt Nam còn đạt chứng nhận về hệ thống quản lý môi trường (ISO 14001:2015) và hệ thống quản lý an toàn thực phẩm FSSC 22000. Việc áp dụng các tiêu chuẩn này sẽ giúp cho doanh nghiệp đo lường và cải thiện các tác động đến môi trường, không chỉ trong nội bộ mà còn với các đối tác trong chuỗi cung ứng.

Ông Laurent Levan khẳng định, với tất cả những nỗ lực đang thực hiện, URC Việt Nam đang kiên trì theo đuổi mô hình phát triển bền vững, giải pháp để chống biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động môi trường và đó cũng là một lợi thế cạnh tranh giúp URC Việt Nam sản xuất tốt hơn, hoạt động tốt hơn và gần hơn với người tiêu dùng.

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/291478/tham-gia-lien-minh-tai-che-urc-viet-nam-muon-thuc-day-phat-trien-ben-vung-.html