Tham gia 'trò chơi' trừng phạt, khi châu Âu quyết 'cai' khí đốt Nga, mùa Đông tới không chỉ giá lạnh…

Cuộc khủng hoảng năng lượng nhiều khả năng khiến châu Âu ngày càng phụ thuộc khí đốt Nga, đồng thời châu lục này có thể buộc phải xem xét lại một số biện pháp trừng phạt, giống như hai bên cùng đang 'chơi một trò chơi'.

Sau khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga, nước này đã cắt giảm mạnh nguồn cung khí đốt sang châu Âu. (Nguồn: edie.net)

Sau khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga, nước này đã cắt giảm mạnh nguồn cung khí đốt sang châu Âu. (Nguồn: edie.net)

Châu Âu hiện đang trải qua một cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có khiến giá khí đốt tăng chóng mặt. Nguồn cung nguồn nhiên liệu này khan hiếm và giá cả các mặt hàng khác cũng ngày một leo thang, lạm phát gõ cửa hầu hết các nền kinh tế.

Cuộc khủng hoảng này càng trở nên tồi tệ hơn sau xung đột ở Ukraine, các lệnh trừng phạt do Mỹ và phương Tây áp đặt lên Nga và sự trả đũa của Điện Kremlin.

Xung đột Nga-Ukraine nổ ra (từ 24/2/2022), các nước châu Âu đã áp đặt tổng cộng 7 gói trừng phạt Nga nhằm buộc nước này xem xét lại lập trường đối với chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Một số biện pháp trừng phạt đã được các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thực hiện, trong đó đáng chú ý là lệnh cấm nhập khẩu hoàn toàn dầu từ Nga, dự kiến có hiệu lực vào cuối năm nay.

Nga là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất trên thế giới. Theo báo cáo, năm 2021, nước này xuất khẩu khoảng 240 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên ra các thị trường quốc tế. Ngoài ra, Moscow cung cấp 40% khí đốt cho châu Âu, với Đức là nhà nhập khẩu chính.

Sau khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga, nước này đã cắt giảm mạnh nguồn cung khí đốt sang châu Âu. Đường ống Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) trải dài dưới biển Baltic đến Đức vận chuyển tối đa 170 triệu mét khối khí đốt mỗi ngày.

Đến tháng 7, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga thông báo cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu xuống còn 33 triệu mét khối mỗi ngày từ ngày 27/7, bằng một nửa số lượng mà tập đoàn này cung cấp kể từ khi hoạt động trở lại sau thời gian bảo trì, tương đương 20% công suất.

Nga tuyên bố, lý do Gazprom cắt giảm nguồn cung là đang tạm dừng hoạt động một trong hai tuabin do yếu tố kỹ thuật. Tuy nhiên, EU cho rằng, động thái này của Moscow mang tính chính trị.

Với mùa Đông đang đến gần, cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu có ý nghĩa như thế nào đối với người dân châu lục này?

Tăng giá nhiên liệu

Việc Nga cắt giảm lượng khí đốt vào châu Âu chắc chắn khiến giá mặt hàng này tăng trong mùa Đông tới, vốn là mùa cao điểm dùng khí đốt.

Trong một báo cáo, tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga đã chỉ ra rằng, giá khí đốt ở châu Âu có thể tăng tới khoảng 347 Euro mỗi Mwh trong mùa Đông tới, là mức cao kỷ lục trong mọi thời đại.

Hệ lụy là nhiều công dân ở các nước như Đức, nơi phụ thuộc nhiều vào khí đốt Nga, có thể không có khả năng thanh toán hóa đơn năng lượng, cuộc sống vốn đã khó nay càng khó khăn, eo hẹp hơn.

Về giá khí đốt Nga, ngày 28/8, Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh quốc gia Nga Dmitry Medvedev cảnh báo, giá khí đốt ở châu Âu có thể đạt 5.000 Euro/1.000 m3 trên thị trường giao ngay rồi mới có xu hướng giảm.

Ông Medvedev viết trên kênh Telegram: “Gửi đến các nguyên thủ quốc gia và chính phủ của các nước thuộc EU, liên quan đến việc tăng giá khí đốt lên 3.500 Euro/1.000m3, tôi buộc phải tăng dự báo giá lên 5.000 Euro/1.000 m3 vào cuối năm 2022”.

Trước đó, hôm 26/8, giá khí đốt tại trung tâm giao dịch Title Transfer Facility (TTF) ở Hà Lan đã tăng lên mức 322 Euro/MWh. Giá mặt hàng này đã tăng đột biến trong những ngày gần đây do nguồn cung khí đốt của Nga qua tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 sang thị trường này bị gián đoạn.

Đối mặt nhiều bất ổn

Trong mùa Đông, hầu hết các nước châu Âu sử dụng nhiều khí đốt hơn so với mùa Hè. Do thời tiết giá lạnh, khí gas được sử dụng để sưởi ấm cho các gia đình, trường học, bệnh viện và những nơi công cộng khác. Do đó, với việc nguồn cung khí đốt từ Nga giảm, sẽ có nhiều bất ổn về vấn đề này.

Với nhu cầu sử dụng ngày càng tăng, có nguy cơ rất lớn về việc gián đoạn nguồn cung khí đốt và cắt điện luân phiên. Chính phủ một số nước EU đã bắt đầu khuyến cáo người dân về việc cắt điện theo giờ như một giải pháp đối phó cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay.

Nếu Nga quyết định cắt giảm hoàn toàn nguồn cung khí đốt, tình trạng thiếu nhiên liệu cho hệ thống sưởi ấm có thể lan rộng khắp châu Âu.

Đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 tại Lubmin, Đức. (Nguồn: Reuters/TTXVN)

Đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 tại Lubmin, Đức. (Nguồn: Reuters/TTXVN)

Mất khả năng tăng trưởng kinh tế và sản xuất

Việc hoạt động dựa vào nguồn cung khí đốt thực sự gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Thiếu khí đốt, các công ty không thể hoạt động hết công suất. Thậm chí, đã có một số công ty sử dụng nhiều năng lượng đang bắt đầu đóng cửa.

Ngoài ra, châu Âu đang trải qua tình trạng lạm phát do cuộc khủng hoảng năng lượng, gián đoạn nguồn cung và dịch bệnh Covid-19. Vừa qua, công nhân ngành đường sắt Pháp đã đình công đòi tăng lương, công nhân ngành năng lượng nước này cũng đình công, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế của đất nước.

Trên khắp châu Âu, tác động của khủng hoảng năng lượng cũng đang khiến nhiều nước rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

Cam kết với biến đổi khí hậu buộc phải thay đổi

Trong bối cảnh nguồn cung khí đốt bị cắt giảm mạnh khi mùa Đông đang đến gần, các quốc gia như Đức, Pháp và Áo đang chuẩn bị mở lại nhà máy nhiệt điện than mà họ đã đóng cửa vào năm 2020. EU trước đó đã ký một “hiệp ước xanh”, trong đó cam kết giảm phát thải carbon ít nhất 55% vào năm 2030 và đảm bảo trung hòa carbon vào năm 2050.

Theo một số nước, các nhà máy nhiệt điện than là giải pháp thay thế cho cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay. Có nghĩa rằng, “hiệp ước xanh” sẽ bị trì hoãn và EU sẽ phải xem xét lại kế hoạch của mình về cắt giảm lượng khí thải ra môi trường.

Do đó, giới phân tích cho rằng, cuộc khủng hoảng năng lượng có thể khiến châu Âu ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt từ Nga, đồng thời châu Âu có thể buộc phải xem xét lại một số biện pháp trừng phạt Moscow, giống như hai bên cùng đang “chơi một trò chơi”.

Trong khi EU có thể đang triển khai một kế hoạch dài hạn nhằm tránh phụ thuộc vào khí đốt Nga, châu lục này cần tìm ra một giải pháp ngắn hạn để đối phó với thực tiễn thiếu khí đốt trầm trọng khi mùa Đông đang đến thật gần.

(theo Nairametrics, TASS)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tham-gia-tro-choi-trung-phat-khi-chau-au-quyet-cai-khi-dot-nga-mua-dong-toi-khong-chi-gia-lanh-196187.html