Thảm họa Làng Nủ: Góc nhìn từ các nhà khoa học

Ngay sau trận thảm họa thiên tai xảy ra ở Làng Nủ, Viện Ðịa chất và nhiều nhà khoa học đã đi thực địa nghiên cứu các vấn đề xung quanh. Dưới góc nhìn của các nhà khoa học, phân tích nguyên nhân, đề xuất các giải pháp ứng phó trong những năm tiếp theo. Sáng nay 2/10, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học 'Thảm họa Làng Nủ - Nguyên nhân và giải pháp phòng tránh' để đưa ra nhận định ban đầu về nguyên nhân gây ra thảm họa Làng Nủ.

Theo nhận định ban đầu, nguyên nhân gây nên thảm họa Làng Nủ là do lũ bùn đá, thường xảy ra trong những đợt mưa lớn, kéo dài nhiều ngày tại các lưu vực suối ở vùng núi, nơi có địa hình dốc, vỏ phong hóa/tầng đất dày.

Các nhà khoa học đã sử dụng mô hình 3D kết hợp dữ liệu thực địa và ảnh vệ tinh, tính toán và xác định: Dòng lũ chỉ mất khoảng 5 phút (tương đương 300 giây) để từ đỉnh núi tràn xuống ngôi làng.

Thực tế, tại thời điểm thảm họa xảy ra, có tới 1,6 triệu mét khối bùn đất, đá và nước xuất phát từ đỉnh núi Con Voi cách Làng Nủ 3,6km đã dội xuống thôn này.

Để phòng tránh thảm họa, GS. TS Đỗ Minh Đức - Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia cũng kiến nghị cần xây dựng bộ cơ sở dữ liệu, thành lập hệ thống bản đồ, từ đó khoanh vùng được các khu vực có rủi ro cao.

Từ thảm họa thiên tai này, các nhà khoa học sẽ bổ sung kinh nghiệm về công tác dự báo thiên tai. Không chỉ quan tâm nghiên cứu ở các khu dân cư, mà cần phải nghiên cứu, đánh giá chi tiết hơn về độ nguy hiểm cả ở những khu vực có nguy cơ rất cao ở đầu nguồn hoặc sát các khe suối để phát hiện ra được các khu vực nguy cơ cao, từ đó có cơ chế cảnh báo sớm, quy hoạch không gian sống an toàn cho người dân.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Hương Quỳnh - Ninh Tùng

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/tham-hoa-lang-nu-goc-nhin-tu-cac-nha-khoa-hoc-238198.htm