Thảm họa Núi Erebus - vụ rơi máy bay thay đổi cả New Zealand
Bi kịch của chuyến bay mang số hiệu TE901 là một cú sốc đối với New Zealand, ảnh hưởng đến hầu hết mọi người ở nước này theo một cách nào đó. Sau nhiều năm điều tra và những tranh cãi về trách nhiệm, di sản của thảm họa Núi Erebus sau 40 năm vẫn đang còn hiện hữu.
Ngày định mệnh
Năm 1977, hãng hàng không quốc gia New Zealand Air New Zealand bắt đầu khai thác các chuyến bay ngắm cảnh tới Nam Cực. Với chuyến bay này, du khách chỉ mất tổng cộng 11 giờ bay không dừng để di chuyển từ Auckland dọc New Zealand, tới lục địa Nam Cực rộng lớn rồi trở về.
Họ được cung cấp dịch vụ sang trọng bậc nhất đồng thời cũng có cơ hội được ngắm cảnh quan tuyệt đẹp bên dưới mà nếu không có chuyến bay như vậy, họ không có cách nào tận hưởng được. Vì vậy, tour du lịch sang chảnh trong ngày này nhanh chóng trở nên thành công vang dội, mang về cho hãng hàng không nguồn thu đáng kể.
Tuy nhiên, định mệnh đã xảy ra vào ngày 28/11/1979. Khoảng trưa hôm đó, cơ trưởng Jim Collins điều khiển chuyến bay mang số hiệu TE901 bay xuyên qua những đám mây và hạ độ cao xuống chỉ khoảng 610 m để du khách có thể ngắm nhìn cảnh quan phía dưới được rõ hơn.
Trong đầu viên phi công khi đó vẫn nghĩ rằng ông đang đi trên cùng hành trình tương tự như các chuyến bay trước đó và đang di chuyển phía trên Eo biển McMurdo Sound rộng lớn. Cơ trưởng Collins không mảy may nghĩ rằng có thể có bất kỳ vấn đề nào có thể xảy ra.
Trong khi đó, trong khoang hành khách, các du khách mải mê chụp ảnh hoặc quay phim từ cửa sổ. Một số bức ảnh được chụp chỉ vài giây trước khi thảm họa xảy ra.
Đến khoảng gần 13h00, hệ thống cảnh báo va chạm phát tín hiệu báo động khi chiếc máy bay McDonnell Douglas DC-10 đã tiến sát núi lửa Erebus trên đảo Ross. Tuy nhiên, vì quá gấp nên phi công đã không kịp nâng độ cao. Chỉ 6 giây sau khi hệ thống báo động vang lên, máy bay đã lao thẳng vào vách núi.
Sau nhiều giờ chờ đợi nhưng không thấy máy bay liên lạc, giới chức New Zealand đặt giả thuyết máy bay đã gặp nạn vì đến chừng đó, máy bay chắc chắn đã hết nhiên liệu. Các chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ nhanh chóng được triển khai.
Thông tin báo về ít lâu sau đó xác nhận rằng xác máy bay đã được phát hiện trên đảo Ross ở sườn Núi Erebus và rõ ràng là không có ai sống sót.
Kết quả điều tra sau đó xác nhận toàn bộ 227 hành khách cùng 30 thành viên phi hành đoàn trên máy bay đều đã thiệt mạng, trong đó có 44 người không được nhận dạng.
Dân số New Zealand thời điểm đó chỉ khoảng 3 triệu người. Vì vậy, hầu như tất cả mọi người dân ở nước này đều bằng cách này hay cách khác có liên quan tới vụ tai nạn. Một số người có người thân hoặc quen biết với các nạn nhân trong vụ việc.
Những người khác có thể có quan hệ với các thành viên lực lượng cứu hộ. Có những người tham gia vào các phe trong cuộc chiến pháp lý kéo dài sau đó. Vì thế, nhiều người nói rằng thảm kịch có liên quan đến tất cả mọi người dân New Zealand.
Vụ tai nạn xảy ra vào thời điểm New Zealand đang tìm kiếm chỗ đứng riêng của mình trên trường quốc tế mà trong đó tiến bộ công nghệ được xác định đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, một loạt bi kịch đã khiến niềm tin của người New Zealand bị lung lay.
Trước thảm họa ở núi Erebus, tai nạn tàu hỏa ở Tangiwai năm 1953 đã khiến 151 người thiệt mạng và vụ chìm phà Wahine năm 1968 cũng cướp đi sinh mạng của 51 người. “Những tai nạn này khiến họ thực sự nghi ngờ về khả năng kiểm soát và tiến bộ công nghệ”, nhà sử học Rowan Light của trường Đại học Canterbury nói.
Tranh cãi kéo dài
Theo kết quả điều tra sau đó, thảm họa xuất phát từ 2 nguyên nhân. Nguyên nhân đầu tiên là do các phi công đã bay theo một đường bay khác với đường bay đã được đưa vào hệ thống máy tính trên máy bay.
Tuy nhiên, họ lại vẫn nghĩ rằng mình đang di chuyển qua eo biển McMurdo như đường bay của những chuyến bay trước đó. Thay vì chỉ có băng và tuyết, máy bay trước khi gặp nạn đã hoạt động ở phía trên đảo Ross, nơi có núi lửa Erebus cao 3.794 m.
Nguyên nhân thứ 2 dẫn tới vụ việc được xác định là do hiện tượng thời tiết có tên “cực trắng” (white-out) - hiện tượng xảy ra khi ánh sáng giữa lớp băng tuyết bên dưới và mây bên trên tạo ra ảo ảnh về tầm nhìn.
Điều này khiến phi công nghĩ rằng màu trắng mà ông nhìn thấy qua cửa sổ buồng lái chỉ đơn giản là băng tuyết, không phải sườn núi. “Tai nạn tương tự sẽ không xảy ra với một máy bay hiện đại. Các thiết bị hiện nay vô cùng tốt.
Nhờ hệ thống định vị dựa trên vệ tinh, việc đi nhầm đường bay như vậy là không thể xảy ra”, Cơ trưởng Andrew Ridling (người đứng đầu Hiệp hội Phi công Hàng không New Zealand) cho biết.
Vụ việc cũng đã đưa đến một trận chiến pháp lý kéo dài. Nhiều người dân New Zealand đã bị sốc vì cách thức xác định nguyên nhân của vụ việc cũng như những lời đổ lỗi lẫn nhau cho các bên.
Ban đầu, cuộc điều tra cho rằng lỗi thuộc về tổ bay, rằng phi công đã di chuyển dưới độ cao an toàn tối thiểu mà hãng hàng không quy định. Kết luận được đưa ra khi đó là vụ tai nạn có thể đã không xảy ra nếu phi công cho máy bay bay ở độ cao cao hơn so với thời điểm ngay trước tai nạn.
Tuy nhiên, việc đổ hết lỗi lên phi công đã gây tranh cãi, khiến Ủy ban Điều tra Hoàng gia New Zealand (cơ quan điều tra tư pháp có quyền hạn lớn nhất ở New Zealand) quyết định mở cuộc điều tra thứ 2.
Lần này, Ủy ban đã đưa ra kết luận hoàn toàn khác, khẳng định hãng hàng không Air New Zealand phải chịu toàn bộ trách nhiệm vì hãng hàng không đã thiết lập lại hệ thống điều hướng của máy bay mà không báo cho các phi công.
Theo kết luận của Ủy ban Điều tra Hoàng gia New Zealand, chiếc máy bay DC-10 đúng là đã bay dưới độ cao an toàn nhưng các chuyến bay tới Nam Cực trước đó của Air New Zealand đã thường xuyên hạ xuống mức cực thấp như vậy để phục vụ nhu cầu ngắm cảnh, chụp ảnh của khách hàng.
Ngay cả tờ quảng cáo về tour ngắm cảnh này của hãng cũng sử dụng những bức ảnh rõ ràng chụp từ độ cao dưới mức an toàn. Ủy ban Điều tra Hoàng gia New Zealand cũng cáo buộc hãng hàng không cố che giấu sai lầm của họ bằng đổ lỗi cho tổ bay, “phủi” mọi trách nhiệm, bao gồm cả việc bồi thường cho gia đình các nạn nhân.
Thẩm phán Peter Mahon (người dẫn đầu cuộc điều tra) mô tả hành vi của Air New Zealand là “chuỗi lời nói dối được sắp đặt sẵn”. Tuy nhiên, Thủ tướng New Zealand khi đó là ông Robert Muldoon đã chỉ trích báo cáo của Thẩm phán Mahon, xem những phát hiện của nhóm điều tra chống lại hãng hàng không thuộc sở hữu nhà nước như vậy là một đòn giáng mạnh vào uy tín quốc gia.
Air New Zealand khi đó được xem là niềm tự hào của New Zealand. Hãng này về sau cũng đã lật ngược tình thế bằng cách kháng cáo và giành chiến thắng. Thảm kịch Erebus một lần nữa rơi vào bế tắc vì trò “đổ lỗi lẫn nhau”, làm lu mờ cả nỗi đau của các thân nhân.
Nhiều năm sau thảm kịch, hầu hết ý kiến đều cho rằng Air New Zealand mới thực sự là bên có lỗi, không phải các phi công. Hãng hàng không này về sau đã dừng khai thác hành trình trên. Đến năm 2009, họ cuối cùng cũng đưa ra lời xin lỗi nhưng chỉ là về cách cư xử của họ sau tai nạn chứ không phải vì trách nhiệm trong thảm kịch.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày xảy ra thảm kịch diễn ra trong tuần qua, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã thừa nhận rằng việc xử lý hậu quả sau thảm họa của Chính phủ khi đó là sai. Bà Ardern cho rằng cả Chính phủ và Air New Zealand hiện đã chấp nhận rằng đã có lỗi xảy ra với hệ thống định vị và các phi công hoàn toàn không có lỗi trong vụ tai nạn.
“Sau 40 năm, đã đến lúc phải thay mặt chính phủ hiện nay xin lỗi về hành động của một hãng hàng không khi thuộc sở hữu nhà nước khi đã gây ra việc mất chiếc máy bay và nhiều người mất đi những người thân”, bà Ardern nói.