Thảm họa sân bóng Indonesia: Chưa ai nhận lỗi

Cảnh sát Indonesia đã trấn áp khán giả bằng vũ lực theo kiểu chống biểu tình mà bỏ qua quy định của FIFA. Trong khi đó, sân bóng với sức chứa 38.000 khán giả đã được bán ra 42.000 vé.

Đến nay, rất nhiều câu hỏi lớn đặt ra quanh thảm họa sân bóng Kanjuruhan ở Indonesia nhưng chưa một đơn vị nào đứng ra nhận trách nhiệm về sự cố đau thương này.

Số vé vượt sức chứa và thói quen xấu ở Indonesia

Các PV Việt Nam từng dự SEA Games 19 - 1997 ở Jakarta hay Tiger Cup 2002 đều có nguyên cảm giác khán giả Indonesia rất vô tổ chức và có thói quen tràn xuống sân bóng hoặc tấn công lực lượng làm nhiệm vụ một cách vô tội vạ. Cụ thể là trận chung kết SEA Games 19 - 1997 giữa Indonesia và Thái Lan trên sân Seneyan hơn 100.000 khán giả. 3 giờ đồng hồ trước trận chung kết là trận tranh HCĐ giữa Việt Nam và Singapore. Thời điểm đấy, các fan Indonesia đã “khởi động” bằng những trò như hùa nhau rung lắc các cọc sắt chịu lực hàng rào bao quanh sân và tháo từng mảnh gỗ trên băng ghế chất lại để… đốt.

 Thói quen xấu của người hâm mộ Indonesia, cách ứng xử của cảnh sát Indonesia bắn đạn hơi cay vào khán giả, vào đám đông là nguyên nhân chính dẫn đến giẫm đạp và số người chết vì bạo loạn tăng cao. Ảnh: AFP

Thói quen xấu của người hâm mộ Indonesia, cách ứng xử của cảnh sát Indonesia bắn đạn hơi cay vào khán giả, vào đám đông là nguyên nhân chính dẫn đến giẫm đạp và số người chết vì bạo loạn tăng cao. Ảnh: AFP

Việc rung lắc hàng giờ đồng hồ khiến các mối hàn bắt đầu bung ra và những mảnh vỡ gạch đá cũng rơi ra. Điều đấy trở thành thứ vũ khí vô cùng lợi hại mà không ít PV ảnh đã trở thành nạn nhân.

Cũng tại SEA Games 19 đấy, cố PV Minh Hùng khi đấy từng bỏ laptop, chui xuống gầm bàn để tránh những cơn mưa vật thể lạ mà sau đó “chiến lợi phẩm” anh trình cho ban tổ chức là một mớ gạch đá và giày dép ném đầy mặt bàn nơi anh tác nghiệp.

Chung kết SEA Games 19 đấy cả trong lẫn ngoài sân đều có cảnh bạo động và lực lượng làm nhiệm vụ không thấm vào đâu so với hơn 100.000 khán giả Indonesia hò hét với đủ trò quậy phá trước, trong và sau trận đấu.

Từ đó đến nay đã 25 năm trôi qua nhưng thói quen xấu của một số thành phần fan Indonesia quậy phá vẫn được duy trì. Rõ ràng nhất là gần đây, trận chung kết U-19 Đông Nam Á giữa Việt Nam và Indonesia đã diễn ra trong không khí lúc nào cũng như muốn bị bóp nghẹt bởi các cổ động viên quá khích.

Tối 1-10, trên sân Kanjuruhan cũng thế. Một sân cũ có sức chứa 38.000 khán giả nhưng số vé bán ra đã lên đến 42.000. Điều này cũng có nghĩa là rất nhiều người phải đứng xem bóng đá - điều tối kỵ mà FIFA quy định ở các sân bóng.

Phía cảnh sát Indonesia lâu nay vẫn cho rằng họ có quyền áp dụng theo cách riêng trên sân bóng như từng trấn áp các vụ biểu tình (!?).

Hoảng loạn, giẫm đạp vì hơi cay bắn lên khán đài

Với lượng khán giả quá đông lại quá khích, khi thấy đội nhà thất bại thì một số có thói quen xấu leo qua hàng rào tràn xuống sân. Điều này được xem là thường xuyên xảy ra ở các sân bóng tại Indonesia. Và cảnh sát đã phản ứng quá nhanh trong các trường hợp trên với hình thức ngăn chặn bằng những phát súng hơi cay liên tục bắn vào khán giả, khán đài.

Cảnh sát Indonesia đến giờ vẫn không nhận sai về hành động trên dù đấy là nguyên nhân chính khiến khán giả hoảng loạn và tìm đường tháo chạy chen chúc qua lối thoát hiểm rồi giẫm đạp lên nhau dẫn đến số tử vong lên đến 125 người và vài trăm người bị thương.

Cảnh sát Indonesia vẫn cho rằng họ hành động như thế là đúng, dù quy định về công tác an ninh của FIFA nêu rất rõ việc không sử dụng vũ lực và hơi cay vào đám đông khán giả vì như thế sẽ làm tăng mức nguy hại và mất kiểm soát.

Phía cảnh sát Indonesia lâu nay vẫn cho rằng họ có quyền áp dụng theo cách riêng trên sân bóng như từng trấn áp các vụ biểu tình (!?) và bỏ qua quy định của FIFA.

Những ngày qua, rất nhiều thông tin lên án về cách ứng xử của cảnh sát Indonesia là nguyên nhân của cuộc bạo loạn giẫm đạp chết người khiến xác người chồng chất ở lối thoát hiểm chật hẹp.

Hiện vẫn có hai luồng ý kiến, một từ phía cảnh sát cho rằng việc sử dụng súng hơi cay và dùi cui để trấn áp là cần thiết. Ý kiến còn lại cho rằng chính cảnh sát đã bắn hơi cay bừa bãi lên khán đài gây nên cảnh trốn chạy, giẫm đạp và chết ngạt khi nằm đè lên nhau...

Bạo lực trong bóng đá Indonesia, trên các sân bóng là điều xảy ra thường xuyên nhưng việc ứng xử để ngăn chặn bạo lực từ bóng đá lại là vấn đề đang làm đau đầu những nhà chức trách ở Indonesia.•

ĐỨC TRƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/tham-hoa-san-bong-indonesia-chua-ai-nhan-loi-post701466.html