Thảm họa tại ngân hàng quản lý nợ xấu lớn nhất Trung Quốc
Theo Bloomberg News, Huarong Asset Management - công ty quản lý nợ xấu lớn nhất Trung Quốc - trở thành mối đe dọa đối với hệ thống tài chính của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Khoảng 21h một buổi tối tháng 4, Chủ tịch Huarong Wang Zhanfeng vẫn ngồi trong văn phòng tại Huarong Tower ở đường Tài chính (Bắc Kinh), căm cụi luyện thư pháp sau một ngày làm việc mệt mỏi. Ông Wang kế nhiệm cựu Chủ tịch Lai Xiaomin, người bị tử hình hồi tháng 1 vì tội tham nhũng.
Kỹ thuật thư pháp đòi hỏi sự kiên nhẫn, quyết tâm và kỹ năng. Ông Wang cần tất cả những đức tính đó và nhiều hơn thế nữa để vượt qua bão tố. Bởi những gì đã và đang diễn ra bên trong Huarong Tower - chỉ cách trụ sở Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc vài bước chân - có thể đe dọa toàn bộ hệ thống tài chính của Trung Quốc và các những quan chức, nhà đầu tư, ngân hàng có liên quan.
Trong nhiều tháng qua, Chủ tịch Wang và những người khác cố gắng dọn dẹp đống hỗn độn tại Huarong, tổ chức nằm tại vị trí trung tâm cấu trúc quyền lực tài chính Trung Quốc. Ở phía nam Huarong Tower là Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, phía tây nam là trụ sở Bộ Tài chính, gần đó Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc (CBIRC).
Khối nợ 41 tỷ USD
Tuy nhiên, vị trí đắc địa và sự hỗ trợ từ Bộ Tài chính cũng như Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc không thể giúp Huarong kiếm trả nợ trái phiếu 41 tỷ USD. Phần lớn khối nợ này phát sinh từ thời Lai Xiaomin nắm quyền.
Vấn đề lớn hơn là bê bối của Huarong ảnh hưởng thế nào đến hệ thống tài chính Trung Quốc cũng như nỗ lực giảm nợ của chính quyền Bắc Kinh sau nhiều năm vay ồ ạt. "Với Huarong, Bắc Kinh rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan", Bloomberg dẫn lời giáo sư tài chính Michael Pettis thuộc Đại học Bắc Kinh nhận định.
Nếu chi tiền giải cứu Huarong, Trung Quốc sẽ gửi đi thông điệp rằng chính quyền nước này nhẹ tay, thậm chí khuyến khích các nhà đầu tư bất chấp rủi ro. Nhưng nếu Bắc Kinh không hành động, Huarong có thể vỡ nợ và gây ra rối loạn tài chính tại Trung Quốc.
Lãi ròng của Huarong trong nửa đầu năm 2020 lao dốc 92% so với cùng kỳ năm trước, định giá công ty lao dốc từ 15 tỷ USD hồi mới niêm yết xuống 5 tỷ USD. Hong Kong ngừng giao dịch cổ phiếu Huarong từ ngày 1/4 do công ty này hoãn công bố kế quả kinh doanh cả năm 2020.
Các quan chức Huarong liên tục bị cơ quan quản lý triệu tập bất ngờ. Chủ tịch Wang và các nhân viên phải cung cấp thông tin hàng tuần về hoạt động và thanh khoản của Huarong. Họ cầu xin sự hỗ trợ của các ngân hàng nhà nước và tìm mọi cách trấn an nhà đầu tư trái phiếu, nhưng vô ích.
Huarong vẫn khẳng định sức khỏe tài chính đã cải thiện và sẽ trả nợ đầy đủ. Tuy nhiên, tình hình thực tế rất nghiêm trọng. Các cơ quan quản lý đang bàn kế hoạch tách riêng các mảng kinh doanh của Huarong.
CBIRC yêu cầu Huarong thường xuyên báo cáo tình hình hoạt động và liên tục tổ chức họp với các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, CBIRC vẫn chưa đưa ra được một giải pháp dài hạn để tháo ngòi nổ quả bom nợ của công ty này.
"Phong thủy xấu"
Một số nhân viên của Huarong tiết lộ với Bloomberg rằng họ lo sẽ không được tiếp tục nhận lương. Những người làm việc lâu năm bị cắt giảm lương thưởng đáng kể. Họ không có nhiều hi vọng về sự thay đổi.
Một vài nhân viên đùa rằng Huarong Tower phong thủy xấu,. Sau khi cựu Chủ tịc Lai bị bắt, một ngân hàng có chi nhánh trong tòa nhà phải xin chính phủ Trung Quốc cứu trợ 14 tỷ USD.
Dù vậy, quan chức một số cơ quan quản lý cho rằng Huarong "quá lớn để có thể bị sụp đổ". Họ tin chính phủ Trung Quốc sẽ giải cứu công ty quản lý tài sản này. Ít nhất Bắc Kinh sẽ không muốn một cuộc khủng hoảng xảy ra khi Đảng Cộng sản Trung Quốc chuẩn bị lễ kỷ niệm 100 năm thành lập vào ngày 1/7.
Tạp chí Tài Kinh cũng khẳng định Bộ Tài chính Trung Quốc sẽ không để Huarong vỡ nợ. Tuy nhiên, rất khó đoán điều gì sẽ xảy ra sau sau ngày 1/7 là rất khó đoán, Phó Thủ tướng Liu He - Chủ tịch Ủy ban Phát triển và Ổn định Tài chính - có vẻ đang trì hoãn việc đưa ra quyết định. Sự im lặng của Bắc Kinh khiến các nhà đầu tư lo lắng.
Nhà phân tích kinh tế Dinny McMahon - thuộc hãng tư vấn Trivium China và là tác giả cuốn China’s Great Wall of Debt (Núi nợ của Trung Quốc) - cho rằng Trung Quốc cần duy trì vai trò của Huarong trong việc tiếp nhận và xử lý các khoản nợ xấu của ngân hàng, tuy nhiên cần sự can thiệp của chính phủ.
Với việc lãnh đạo cấp cao Trung Quốc chưa đưa ra chỉ thị rõ ràng, các cơ quan quản lý đang tranh cãi về việc xử lý khủng hoảng tại Huarong. Quỹ đầu tư 1.000 tỷ USD China Investment Corp từ chối nhận cổ phần kiểm soát Huarong từ Bộ Tài chính. Các quan chức CIC nói họ không đủ nguồn lực để xử lý các vấn đề của Huarong.
Cách chính quyền Bắc Kinh xử lý khủng hoảng Huarong sẽ ảnh hưởng lớn đến niềm tin của nhà đầu tư toàn cầu
Nhà phân tích Wu Qiong của hãng BOC International Holdings
Trong khi đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc vẫn đang thảo luận việc có nên đề xuất tiếp nhận hơn 100 tỷ NDT (15,5 tỷ USD) mua lại tài sản xấu từ Huarong hay không. Bộ Tài chính Trung Quốc - cơ quan sở hữu 57% cổ phần Huarong - chưa cam kết tái cấp vốn cho công ty này.
Dù vậy, CBIRC cũng đã hỗ trợ Huarong khi yêu cầu các ngân hàng nhà nước cấp vốn để công ty này trả nợ 2,5 tỷ USD vào cuối tháng 8. Huarong cam kết sẽ công bố kết quả kinh doanh năm 2020 vào thời điểm đó.
“Cách chính quyền Bắc Kinh xử lý khủng hoảng Huarong sẽ ảnh hưởng lớn đến niềm tin của nhà đầu tư toàn cầu đối với các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc”, nhà phân tích Wu Qiong của hãng BOC International Holdings (Hong Kong) nhận định.
“Nếu Huarong vỡ nợ, các nhà đầu tư sẽ đánh giá lại khả năng hỗ trợ của chính quyền Trung Quốc dành cho doanh nghiệp nhà nước. Điều đó sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường trái phiếu nước ngoài”, ông Wu dự báo.
Bên trong Huarong Tower, Chủ tịch Wang và các giám đốc điều hành vẫn ngập trong một núi công việc. Và có một nhiệm vụ quan trọng mà họ phải hoàn thành. Đó là nghiên cứu các học thuyết của Đảng Cộng sản Trung Hoa và mọi bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình.