Thảm họa tòa nhà 40 tuổi đổ sập tại Mỹ và mối đe dọa từ hàng nghìn chung cư cũ tại Việt Nam

Mới đây, tại Mỹ, một tòa nhà 12 tầng 40 tuổi đã bất ngờ đổ sập, khiến hàng trăm người tử vong và mất tích. Trong khi đó, tại Việt Nam, hiện đang có hàng nghìn chung cư cũ có tuổi đời trên 50 năm, thậm chí 60 năm cũng đang nằm chờ sập.

Hiện nay, cả nước có khoảng 2.500 chung cư cũ, được xây dựng trước năm 1994. Thậm chí, nhiều chung cư được xây dựng từ những năm 1960 - 1970, cho tới nay đã hơn 60 tuổi.

Riêng tại TP.HCM, toàn thành phố có khoảng 400 chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975. Trong số đó, có hàng trăm tòa chung cư thuộc diện hư hỏng, nguy hiểm cấp độ D. Nhiều tòa đang có nguy cơ chờ sập, đẩy cuộc sống của người dân vào vòng nguy hiểm.

Việc cải tạo chung cư cũ đang rất chậm chạp.

Trước thực trạng này, Chính phủ, Bộ Xây dựng và UBND TP.HCM đã ban hành nhiều giải pháp, tháo gỡ các “nút thắt” trong cơ chế, chính sách, nhằm đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư đã cũ. Dù vậy, việc cải tạo chung cư cũ đang rất chậm chạp.

Trao đổi với PV Báo Nhà báo và Công luận, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho biết: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc cải tạo chung cư cũ tại các đô thị lớn dậm chân tại chỗ. Trong đó, yếu tố then chốt là việc cơ chế, chính sách chưa hợp lý.

Phân tích rõ hơn về điều này, ông Châu nói: Luật Nhà ở 2014 quy định, muốn phá dỡ để xây dựng lại chung cư cũ, bắt buộc phải nhận được 100% sự đồng ý của chủ sở hữu.

“Điều này rất khó thực hiện, bởi một gia đình có 2 người còn khó tạo ra sự thống nhất, huống chi trong một tòa chung cư có tới hàng trăm chủ sở hữu”, ông Châu nói.

Thứ hai, liên quan tới Nghị định 101/2015/NĐ-CP, về cải tạo, sửa chữa chung cư cũ. Nghị định này quy định, các chung cư trong nội đô sẽ bị giới hạn chiều cao, số lượng căn hộ nhằm giới hạn dân số trong nội đô.

Ông Châu đánh giá: Quy định giới hạn chiều cao chung cư sau cải tạo, không tạo ra sự hấp dẫn cho doanh nghiệp chủ động đấu thầu các dự án cải tạo chung cư cũ.

“Hầu hết, các chung cư cũ nằm trong khu vực nội thành, vị trí đắc địa, nhưng không nhiều chủ đầu tư mặn mà việc cải tạo các lô đất vàng này. Bởi, nếu bị giới hạn chiều cao tòa nhà, doanh nghiệp sẽ không có sản phẩm để bán ra, nhằm thu hồi vốn”, ông Châu giải thích thêm.

Trước những vướng mắc trên, ông Châu đề nghị Chính phủ, khẩn trương sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở 2014, Nghị định 101, nhằm nhằm xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Đặc biệt, ông Châu nhấn mạnh: “Mới đây, vào ngày 24/6, tại thị trấn Surfside, bang Florida, Mỹ, một tòa nhà cũ được xây dựng từ năm 1981 bất ngờ đổ sập, khiến hàng trăm người tử vong và mất tích. Trong khi đó, tại Việt Nam, nhiều tòa chung cư cũ có “tuổi thọ” cao hơn cũng đang nằm trong vòng nguy hiểm. Đây chính là bài học đau xót mà Việt Nam cần phải rút kinh nghiệm”.

Thảm kịch tại Mỹ, chính là bài học cho Việt Nam.

Chủ tịch HoREA nhận định: Trước hết, Chính phủ cần đặc biệt quan tâm cải tạo, xây dựng lại hơn 1.000 khu nhà chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975 ở nước ta, tập trung nhiều nhất ở Hà Nội và TP.HCM.

Trước đó, vào ngày 24/6, tòa nhà 12 tầng Champlain Towers South, nằm ở thị trấn Surfside, bang Florida (Mỹ) đã sập gần như toàn bộ. Cho tới nay, cơ quan cứu hộ Mỹ đã xác định, tai nạn này đã khiến 18 người tử vong, 147 hiện vẫn còn mất tích.

Được biết, tòa này này được xây dựng từ năm 1981, gồm 136 căn hộ hướng ra biển. Tuy nhiên, kể từ năm 1990, tòa nhà Champlain Towers South đã có dấu hiệu sụt lún. Đặc biệt, trong giai đoạn 1993 - 1999, mỗi năm tòa nhà lún khoảng 2mm.

Hiện tại, nguyên nhân chính xác dẫn tới thảm kịch này vẫn chưa được xác định. Thế nhưng, các nhà địa chất Mỹ cho rằng, do tác động của môi trường, địa chất và thời gian, đã khiến công trình này xuống cấp nghiêm trọng.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tham-hoa-toa-nha-40-tuoi-do-sap-tai-my-va-moi-de-doa-tu-hang-nghin-chung-cu-cu-tai-viet-nam-post142108.html