Thâm hụt thương mại Ấn Độ - Trung Quốc lập kỷ lục gần 100 tỷ USD

Số liệu từ Bộ Công thương Ấn Độ công bố ngày 16/4 cho thấy thâm hụt thương mại giữa nước này với Trung Quốc đã tăng vọt lên mức kỷ lục 99,2 tỷ USD trong năm tài chính 2024-2025 (kết thúc vào ngày 31/3).

Nguyên nhân chính được cho là do sự gia tăng lượng hàng Trung Quốc trong lĩnh vực điện tử và tiêu dùng mà Ấn Độ nhập khẩu trong năm qua.

Trong năm tài chính vừa qua, Ấn Độ nhập khẩu tổng cộng 113,5 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, tăng đáng kể so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ các mặt hàng như điện tử, pin điện và tấm pin năng lượng mặt trời. Riêng trong tháng 3/2025, nhập khẩu từ Trung Quốc tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm trước, đạt 9,7 tỷ USD.

Ngược lại, xuất khẩu của Ấn Độ sang Trung Quốc sụt giảm 14,5% trong cùng tháng, chỉ đạt 1,5 tỷ USD, kéo tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm xuống còn 14,3 tỷ USD. Trung Quốc qua đó trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Ấn Độ với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 127,7 tỷ USD, đứng ngay sau Mỹ.

(Ảnh: Xinhua)

(Ảnh: Xinhua)

Sự mất cân bằng này làm nổi bật những thách thức cấu trúc trong nền kinh tế Ấn Độ. Theo Tổ chức Sáng kiến Thương mại Toàn cầu có trụ sở tại Delhi, sự gia tăng nhập khẩu phản ánh sự phụ thuộc ngày càng lớn vào linh kiện Trung Quốc, đặc biệt trong các ngành điện tử, dược phẩm và kỹ thuật.

Tổ chức này cũng dự báo nhập khẩu từ Trung Quốc có thể tăng thêm 20% trong năm tài chính hiện tại, do các công ty Trung Quốc chuyển hướng hàng hóa sang Ấn Độ để tránh thuế quan từ Mỹ.

Bối cảnh thương mại toàn cầu càng làm phức tạp tình hình, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tạm hoãn 90 ngày tăng thuế với các đối tác như Ấn Độ, nhưng tiếp tục tăng thuế mạnh lên hàng hóa Trung Quốc. Các nhà phân tích lo ngại rằng hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc có thể tràn ngập các thị trường như Ấn Độ.

Để ứng phó, chính phủ Ấn Độ mới đây đã thành lập một đơn vị giám sát các mặt hàng nhập khẩu giá rẻ và ngăn chặn các hành vi giúp nhà xuất khẩu nước ngoài né tránh thuế Mỹ. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng đang lên kế hoạch dài hạn để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, bao gồm thúc đẩy sản xuất trong nước và đa dạng hóa nguồn cung thông qua việc hợp tác với các đối tác khác.

Lê Dũng/VOV-New Delhi

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/tham-hut-thuong-mai-an-do-trung-quoc-lap-ky-luc-gan-100-ty-usd-post1192820.vov