Tham lãi, nhiều người đang ăn 'miếng phô mai miễn phí trên bẫy chuột'

Nhận biết và tránh các hình thức kinh doanh đa cấp dựa trên công nghệ không khó. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư đã rơi vào cái bẫy lòng tham của chính mình.

Trong tháng 4, nhiều đa cấp công nghệ sụp đổ. Người chơi mất hàng chục, hàng trăm triệu đồng khi tham gia những hình thức này. Zing gửi tới bạn đọc bài viết của PGS. TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Viện trưởng Viện Công nghệ Tài chính, Đại học Kinh tế TP. HCM.

Tôi có một người bạn thân. Vài năm trước, anh ta tham gia đầu tư forex, tức là cứ mỗi ngày họ lại “tư vấn” cho một lệnh mua đồng tiền này, đồng tiền kia. Sau gần 2 năm, anh mất số tiền lớn, lên tới vài tỷ đồng.

Khi anh ta kể với tôi, anh đã mất khoảng một nửa số đó. Tôi can anh dừng lại, nhưng anh vẫn cố tham gia vì muốn gỡ, và cuối cùng là mất luôn số tiền còn lại.

Coi việc tham gia các kênh đầu tư, dù đó là chứng khoán, forex, tiền mã hóa hay đa cấp như một canh bạc là tâm lý chung của nhiều người tại Việt Nam. Họ chọn hình thức đầu tư dựa trên may rủi, nghe lời khuyên của người khác chứ không hề phân tích, đánh giá hay có phương án phòng ngừa rủi ro. Tóm lại là hoàn toàn hên xui!

Trong ngành tài chính, người ta quan niệm thị trường là “một con quái vật” không bao giờ thua và không có một ai có thể chiến thắng thị trường.

Anh muốn đánh bạc thì hãy tới các sòng bạc hợp pháp, khi đó anh có khả năng thắng. Còn đánh bạc với thị trường, kiểu gì anh cũng thua. Đó là bài học vỡ lòng mà nhà đầu tư phải nhớ.

Công nghệ góp phần tiếp tay đa cấp lừa đảo

Về lý thuyết, hình thức kinh doanh đa cấp ban đầu cũng có những mặt tích cực, khả năng lan tỏa những kênh bán hàng tốt. Tuy nhiên, trong thực tế thì các hình thức đa cấp đình đám, thu hút sự quan tâm của dư luận toàn là lừa đảo. Mà lừa đảo thì từ xa xưa đã tồn tại rồi, và luôn biến đổi theo thời gian.

Trước đây, những người làm đa cấp họ kéo nhau ra những khu công cộng, hô hào, làm những việc gây chú ý để thu hút đám đông. Hình thức này đã bị cộng đồng lên án, chỉ trích mạnh. Bây giờ, đa cấp chuyển sang tiếp cận nhà đầu tư thông qua mạng xã hội, những kênh tiếp thị hướng đối tượng.

 Ưng dụng ấp trứng online Tamago từng hứa hẹn "đầu tư có lời 100%", nhưng đóng cửa chỉ sau vài tháng. Số tiền đầu tư, "nâng cấp trứng" của người đầu tư bốc hơi chỉ sau một đêm. Ảnh: ĐL.

Ưng dụng ấp trứng online Tamago từng hứa hẹn "đầu tư có lời 100%", nhưng đóng cửa chỉ sau vài tháng. Số tiền đầu tư, "nâng cấp trứng" của người đầu tư bốc hơi chỉ sau một đêm. Ảnh: ĐL.

Các mạng xã hội hiện nay có những công cụ có thể tiếp cận và thu thập thông tin người dùng một cách dễ dàng và hiệu quả. Một người chỉ cần lên Google tìm hiểu về một kênh đầu tư hay thông tin về một loại cổ phiếu nào đó thì cỗ máy tìm kiếm lập tức ghi nhận, dùng các thuật toán phân tích và suy luận người này đang có tiền nhàn rỗi, đang tìm kênh đầu tư.

Thường thì các hình thức đa cấp nhắm đến những người có khẩu vị rủi ro cao, thích lời nhanh. Họ có khoản tiền nhàn rỗi nhỏ, thích tìm kiếm kênh đầu tư mang lại lợi nhuận nhìn thấy được. Trong nền kinh tế của chúng ta, những người như vậy rất nhiều.

Nhờ công nghệ, những nhà đầu tư đó trở nên dễ tiếp cận hơn, và trở thành miếng mồi ngon cho đa cấp.

Xã hội càng phát triển, nền kinh tế càng tăng trưởng thì các hình thức đa cấp càng tinh vi, phức tạp.

Như vậy, với sự trợ giúp của công nghệ, dựa trên các nền tảng giao tiếp mạng xã hội mà đa cấp đã tiếp cận đúng đối tượng, vừa không tạo ra sự ồn ào, gây chú ý, lại vừa hiệu quả.

Ngoài khả năng tiếp cận, thì các hình thức đa cấp công nghệ còn hoạt động xuyên biên giới. Do vậy, họ có thể vượt qua những ràng buộc về địa lý, luật pháp, thể chế chính sách như trước đây.

Nhờ vào công nghệ, các hình thức đa cấp không còn bị giới hạn trong phạm vi của một quốc gia nữa. Kẻ chủ mưu có thể sống ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới nhưng vẫn tiếp cận với những nhà đầu tư Việt Nam, thực hiện hành vi của mình.

Khi mọi sự đổ vỡ, thậm chí các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng không có cách gì để đòi lại sự công bằng cho nhà đầu tư chân chính. Đó là mặt trái của công nghệ.

Do đó, chúng ta phải nhìn thấy chuyện xã hội càng phát triển, nền kinh tế càng tăng trưởng thì các hình thức đa cấp càng tinh vi, phức tạp. Những trò lừa đảo đa cấp trên nền tảng công nghệ ra đời là chuyện đương nhiên, và nhà đầu tư cần biết tự bảo vệ mình.

Nhiều người là nạn nhân lòng tham của chính mình

Trong kinh tế học, cụ thể là lĩnh vực tài chính hành vi, người ta đi sâu nghiên cứu về tâm lý và hành vi ra quyết định của các nhà đầu tư. Kết quả phát hiện ra những điều rất thú vị, chẳng hạn như nghịch lý trong hành vi của nhà đầu tư. Con người nhiều khi không đưa ra hành động theo lý trí.

Lý trí có thể cho chúng ta biết đây là hình thức đa cấp, có thể là lừa đảo, nhưng vì sao nhiều người vẫn đâm đầu vào? Nguyên nhân của nghịch lý đó nằm ở bản năng của nhà đầu tư.

 Nhiều người sẵn sàng bỏ hàng chục, hàng trăm triệu vào các ứng dụng đa cấp. Ảnh: HL.

Nhiều người sẵn sàng bỏ hàng chục, hàng trăm triệu vào các ứng dụng đa cấp. Ảnh: HL.

Có những bà nội trợ, đi chợ mua mớ rau, miếng thịt cũng phải trả giá tới lui để bớt vài chục nghìn. Cũng chính những người đó lại có thể dễ dàng vứt hàng trăm triệu đồng vào các kênh đầu tư đa cấp mà không cần suy nghĩ. Có khi họ chỉ cần nghe người môi giới nói bùi tai là có thể bỏ ra vài chục, hay cả trăm triệu để chơi thử.

Những người kinh doanh đa cấp cực kỳ hiểu nghịch lý hành vi đó. Họ nghiên cứu rất kỹ tâm lý và hành vi của nhà đầu tư, hiểu được những điểm yếu trong tâm lý. Họ biết rằng nhà đầu tư đang muốn gì, cần gì, thích gì, và đánh đúng vào điểm yếu đó. Do vậy, nhà đầu tư rất dễ bị thuyết phục bởi những chiêu thức.

Những người kinh doanh đa cấp cực kỳ hiểu tâm lý và hành vi của nhà đầu tư. Do vậy, nhà đầu tư rất dễ bị thuyết phục bởi những chiêu thức.

Nhà đầu tư nhiều khi biết thừa đó là đa cấp, nhưng họ vẫn có thể bỏ 50, 100 triệu vào đầu tư thử. Thời gian đầu có lời, họ sẽ nghĩ rằng đa cấp cũng tốt, không biến tướng như những bài báo họ đọc. Thế là họ tăng vốn lên.

Trong quá trình đầu tư, họ được những người môi giới điện thoại, chăm sóc hướng dẫn. Những công ty dựng lên các đường dây này rất bài bản, chuyên nghiệp và khai thác rất tốt khía cạnh tâm lý của nhà đầu tư. Do vậy, nhà đầu tư rất dễ bị “mắc bẫy”.

Thậm chí, những người rất có trình độ vẫn bị sập bẫy như thường. Đó là do những người môi giới luôn biết cách dẫn dắt, tạo ra câu chuyện rất hay. Họ thường xuất hiện với tư cách như đại diện của một tập đoàn đa quốc gia, một công ty công nghệ đang thử nghiệm một mô hình đầu tư mới, hay đang tuyển những người “đủ phẩm chất” để kiểm tra, trải nghiệm một loại dịch vụ tài chính nào đó,… Nhà đầu tư dần dần sẽ tin tưởng, chứ không phải chỉ phút chốc đã quyết định tham gia đa cấp.

 Chiêu thức phổ biến trên các ứng dụng đa cấp là khuyến khích người chơi nạp càng nhiều tiền, càng có lãi lớn. Ảnh: ĐL.

Chiêu thức phổ biến trên các ứng dụng đa cấp là khuyến khích người chơi nạp càng nhiều tiền, càng có lãi lớn. Ảnh: ĐL.

Họ còn có những chiêu trò như cho chơi thử, có lời. Nhà đầu tư bắt đầu bỏ tiền chơi thật, và thời gian đầu có lời thật. Họ bắt đầu ham, bỏ tiền nhiều hơn thì lỗ. Lúc này, đa cấp đưa ra chiêu trò mới: muốn xử lý khoản lỗ thì giao dịch với quy mô gấp 5, gấp 10 lần thì khoản lỗ đó sẽ được khoanh lại, theo thời gian sẽ xóa lỗ và thậm chí còn được cam kết khả năng có lời là 100%. Dần dần nhà đầu tư lún sâu vào con đường này như một con nghiện.

Những người đi đánh bạc họ biết quá rõ câu “cờ gian bạc lận” hay “cờ bạc là bác thằng bần”, nhưng tại sao những sòng bài vẫn chật kín người? Đa cấp cũng vậy. Tâm lý chung của con người là ai cũng có lòng tham, ai cũng muốn kiếm tiền nhanh và dễ. Đa cấp khai thác đúng điểm yếu đó.

Làm sao để tránh những hình thức đa cấp lừa đảo?

Trong tài chính có một nguyên tắc rất cơ bản, đó là sự đánh đổi giữa rủi ro và tỷ suất sinh lời. Ai muốn đầu tư cũng phải thuộc nằm lòng nguyên tắc đó: lợi nhuận càng cao, rủi ro càng lớn.

Trên đời không có cách kiếm tiền nào dễ hết. Nếu như được chào mời một hình thức giao dịch chỉ có thắng, không có thua, thì chắc chắn đấy là giao dịch giả, nhà đầu tư phải cảnh giác ngay.

 Các dự án đa cấp lừa đảo thường dùng hình ảnh siêu xe, biệt thự để tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Ảnh: Nhóm Sky/ Telegram.

Các dự án đa cấp lừa đảo thường dùng hình ảnh siêu xe, biệt thự để tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Ảnh: Nhóm Sky/ Telegram.

Nhà đầu tư muốn tránh những hình thức này phải tự biết phân tích, so sánh. Ví dụ khi gửi tiết kiệm, ngân hàng chỉ trả cho chúng ta vài phần trăm tiền lãi. Bởi vì, ngân hàng phải kinh doanh phần vốn của chúng ta để tìm kiếm lợi nhuận. Mà ngân hàng là định chế tài chính chuyên nghiệp và sở hữu rất nhiều lợi thế trên thị trường. Vậy thì vì sao một tổ chức không ai biết lại sẵn sàng trả gấp 2, 3, thậm chí 10 lần lãi suất ngân hàng cho chúng ta?

Nếu trên đời có những món lời cao như vậy, chắc cũng không đến lượt mình. Do vậy, nhà đầu tư cần so sánh tỷ suất sinh lời được hứa hẹn bởi các hình thức đa cấp này với những kênh đầu tư khác theo trật tự rủi ro tăng dần như gửi tiết kiệm, mua trái phiếu hay thậm chí là đầu tư chứng khoán để thấy tính hợp lý hay phi lý của những món lợi nhuận được hứa hẹn.

Để không bị lừa thì không khó. Quan trọng là nhà đầu tư có tỉnh táo trước những lời đề nghị béo bở, những lời dẫn dụ rất hấp dẫn hay không.

Hãy đặt câu hỏi, những ứng dụng đó người ta dùng tiền của mình vào những lĩnh vực kinh doanh gì mà kiếm được lợi nhuận khủng như vậy. Tất nhiên, những người làm đa cấp họ đã chuẩn bị kỹ câu trả lơi bằng những câu chuyện như cấp vốn cho các ông lớn công nghệ để nghiên cứu những lĩnh vực mới, hoặc những câu chuyện nghe rất hay ho nhưng nhìn chung đều rất mơ hồ.

Nếu nhà đầu tư chịu bỏ công sức, thời gian để truy tận nơi, tìm tận gốc, tìm hiểu một cách thấu đáo về thông tin những công ty đó thì sẽ rất khó lừa được họ.

Thực tế trong vụ Coolcat, tới lúc sự việc vỡ lở nhiều nhà đầu tư mới bắt đầu đi tìm hiểu địa chỉ liên lạc, số điện thoại của công ty này thì hóa ra chúng trật lất, là giả hết. Như vậy là ngay từ đầu, khi bỏ cả trăm triệu ra thì họ không tìm hiểu gì. Nếu tìm hiểu ngay từ đầu thì đâu có chuyện này.

Do vậy, để không bị lừa thì không khó. Quan trọng là nhà đầu tư có tỉnh táo trước những lời đề nghị béo bở, những lời dẫn dụ rất hấp dẫn hay không. Cái khó là chỗ đó, vì họ dụ rất hay.

Tâm lý của con người không phải lúc nào cũng duy lý. Để tránh bị lừa, chúng ta phải hết sức tỉnh táo, cảnh giác trước những thông tin như vậy.

 Sau khi ứng dụng Coolcat sập, nhiều nhà đầu tư mới đi tìm thông tin liên lạc và nhận ra đều không có thật. Ảnh: Lê Trai.

Sau khi ứng dụng Coolcat sập, nhiều nhà đầu tư mới đi tìm thông tin liên lạc và nhận ra đều không có thật. Ảnh: Lê Trai.

Những hình thức kinh doanh như đa cấp công nghệ hiện nay được gọi là giao dịch phi chính thức, do nhà đầu tư và công ty đa cấp tự thỏa thuận. Do đó, họ phải tự biết là những giao dịch này thì rủi ro một trong hai bên vi phạm là rất cao và cũng không được luật pháp bảo vệ.

Nếu nhận ra mình đang tham gia vào một mô hình đa cấp, nên chấm dứt ngay, thoái vốn và rời xa những kênh đầu tư đó càng sớm càng tốt, bởi chuyện nó sập chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Tất cả những mô hình kinh doanh đa cấp biến tướng đều có điểm đến cuối cùng là sụp đổ, quịt tiền nhà đầu tư, mọi người nhận cái kết đắng. Khi đó pháp luật không bảo vệ, cũng không biết người giữ tiền mình đang ở đâu mà đòi.

Do vậy, mỗi nhà đầu tư phải biết tự bảo vệ mình, tỉnh táo trước những lời dẫn dụ. “Vô phúc đáo tụng đình”. Đến khi biết mình bị lừa, mất tiền mới cầu viện đến luật pháp thì đã muộn. Trên đời này, miếng phô mai miễn phí chỉ có trên bẫy chuột mà thôi.

Nhật Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cai-bay-nuoi-bo-online-khong-kho-tranh-chu-yeu-o-long-tham-post1210159.html