Thăm làng Auvers, theo dấu chân Van Gogh

Nhắc tới Vincent Van Gogh, chúng ta thường nghĩ đến 'những bức tranh triệu đô', đến những khúc quanh co thê thảm trong cuộc đời ngắn ngủi đầy những bất hạnh cũng như những ý tưởng cuồng loạn dẫn đến việc chính ông đã tự kết liễu cuộc đời mình khi đang ở độ thăng hoa nhất của đời người họa sĩ, để lại cho hậu thế niềm thương tiếc khôn nguôi…

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu thêm một đoạn đời của thiên tài hội họa này trong chuyến viếng thăm ngôi làng Auvers-sur-Oise, một thành phố ở ngoại ô Paris, nơi dừng chân cuối cùng của ông trên dương thế.

Nhà thờ Auvers

Nhà thờ Auvers

Auvers-sur-Oise được tặng mỹ danh “Làng nghệ sĩ”, là một thành phố vùng quê yêu kiều nho nhỏ xinh xinh, nằm ở phía Tây Bắc cách Paris chừng 40km nhưng hàng năm thu hút một lượng khách du lịch đáng ngạc nhiên. Họ đến từ khắp nơi trên thế giới. Thực ra ngôi làng rất bình dị như bao ngôi làng nhỏ khác trên đất Pháp, nhưng nó bỗng chốc trở nên đặc biệt nổi tiếng nhờ có hàng loạt các họa sĩ theo trường phái Ấn tượng đã đến cư trú và đặt giá vẽ ở đây vào thế kỷ XIX. Những danh họa như Daubigny, Cézanne, Pissarro, và đặc biệt là Vincent Van Gogh! Thậm chí cả Claude Monet cũng đã từng dừng chân tại nơi đây.

Hiện nay, ngôi làng Auvers vẫn giữ được nét quyến rũ đồng quê của thời kỳ đó với những con đường hẹp, đôi bờ sông Oise, những ngôi nhà nhỏ đầy hoa bao quanh và cảnh quan xanh tươi, sắc màu bốn mùa thay đổi theo thời tiết trong năm… những chất liệu vốn là nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ thời kỳ đó.

Đó là một ngôi làng nhỏ đẹp như tranh và ta có thể đi bộ để khám phá. Vào ngày đẹp trời, nơi đây tựa như một Nhà bảo tàng khổng lồ ngoài trời, những địa điểm chính trong làng được trưng bày những bức ảnh chụp lại những tác phẩm tranh mà Van Gogh đã đứng tại đó, vẽ phong cảnh đó. Có giai thoại cho rằng chính phong cảnh nơi đây đã khiến chứng bệnh cuồng loạn của thiên tài hội họa Van Gogh trở nên tồi tệ hơn. Và vào ngày chủ nhật 26/7/1890, ngay giữa cánh đồng vàng rực, ông đã tự nã súng vào ngực mình, rồi lại tự quay trở về phòng trọ và tiếp tục vẽ nốt bức tranh cuối cùng của ông, bức Racines d'arbres. Bức này hiện được trưng bày ở Nhà bảo tàng Van Gogh ở thành phố Amsterdam. Chỉ khi chủ trọ, ông Arthur Ravoux, nghe thấy những tiếng rên rỉ vì đau đớn thì mới phát hiện ra họa sĩ đã bị thương rất nặng. Do viên đạn đã chạm vào vị trí quá nguy hiểm và những thiết bị hiện có tại nơi ấy khiến các bác sĩ đã không dám tiến hành phẫu thuật. Thiên tài hội họa đã qua đời vào lúc 1h30 sáng ngày 29/7/1890, hưởng dương 37 tuổi.

Theo đề nghị của người em trai Théo, Vincent Van Gogh đã đến Auvers vào tháng 5/1890, để được bác sĩ Paul Gachet trị liệu cho căn bệnh trầm cảm mãn tính của mình. Ông đã sống ở đây 2 tháng, trong một căn phòng nhỏ ở nhà trọ Auberge Ravoux, ngay gần nhà ga Auvers, và ở đây ông đã vẽ hơn 70 bức tranh và phần lớn đó đều là những phong cảnh của ngôi làng, hoặc lấy ngôi làng đó làm nền cho tranh. Đó là những cánh đồng lúa mì, những vườn hoa cải vàng, những người nông nhân đang làm việc trên cánh đồng, hoa hướng dương vàng rực mênh mông, Tòa thị chính, nhà ga Auvers, nhà thờ, những con phố nhỏ, tòa lâu đài… Khắp nơi đây đó trong làng, những họa sĩ đường phố còn vẽ thêm những bức chân dung của Van Gogh hoặc nhái lại những bức họa của ông, mang đến cho nơi đây bầu không khí nghệ thuật thấm đẫm sự hiện diện của Van Gogh, làm say lòng khách tham quan yêu tranh.

Nhà thờ trung cổ Auvers (Thánh đường Đức Bà Thăng Thiên) cũng rất đáng để chúng ta dừng chân. Thánh đường này được xây dựng từ thế kỷ XI theo phong cách pha trộn giữa romane và gauthic, nơi đây đã được xếp hạng Di tích lịch sử từ năm 1915. Có lẽ Van Gogh đã đến đây nhiều lần bởi chính nơi đây đã truyền cảm hứng cho ông để thực hiện bức tranh “Nhà Thờ Auvers-sur-Oise”, được vẽ vào năm 1890, khiến Nhà thờ càng trở nên nổi tiếng hơn. Hiện nay, bức tranh này được trưng bày tại Museé d'Orsay ở Paris. Nhà thờ ngày nay vẫn giữ nguyên vẹn như mô tả của Van Gogh vào năm 1890.

Trung tâm thành phố, gần thư viện truyền thông là tượng Van Gogh được nghệ sĩ điêu khắc Zadkine thực hiện. Có khu công viên nhỏ hiền hòa và đầy kỳ hoa dị thảo bao quanh, quang cảnh thư giãn, là nơi tuyệt vời để ta có thể dừng chân nghỉ ngơi đôi chút.

Xa hơn là đại lộ chính. Từ trên cao này, ta nhìn thấy con đường chính dẫn vào làng (bởi có rất nhiều đường dẫn vào làng Auvers), thẳng tắp dài hun hút đến khuất tầm mắt. Trên đại lộ này, ngoài những bức tượng lộ thiên của các danh họa tài ba, ta sẽ thấy ngôi nhà trọ Auberge Ravoux nổi tiếng – ngôi nhà mà Van Gogh đã ở trọ xưa kia, trên căn phòng áp mái chật hẹp, và đã qua đời tại đó ở tuổi 37. Nơi đây vẫn mang tên xưa, hiện giờ cũng là nhà hàng, khách thập phương ra vào đông đúc. Có lẽ không phải chỉ vì những món được nêu trong thực đơn…

Sau đó ta có thể đi bộ dọc theo cánh đồng thường được Van Gogh miêu tả trong tranh của mình. Thật dễ chịu, mênh mông bát ngát, không khí đồng quê hiện hữu khắp nơi. Quan sát cảnh quan xung quanh và ta sẽ hiểu tại sao nơi đây đã truyền cảm hứng cho những họa sĩ theo trường phái Ấn tượng đến vậy!

Sau khi thăm ngôi làng, chúng ta tiếp tục cuộc hành trình đến thăm tòa lâu đài của thành phố này. Chính tại đây, Vincent Van Gogh đã đặt giá vẽ và để lại cho chúng ta một bức họa tuyệt vời mang tên Hoàng hôn trên Lâu đài Auvers (Le château d’Auvers au coucher du soleil), hiện được trưng bày tại Nhà bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam, Hà Lan.

Như mọi các ngôi làng cổ khác, tòa lâu đài Auvers nằm biệt lập, cách xa những ngôi nhà của dân chúng và ở điểm cao nhất của ngôi làng. Từ đây, ta có thể phóng tầm mắt đi khắp nơi, rất xa, vượt quá cả ngôi làng phía bên dưới. Lâu đài Auvers được xây dựng vào thế kỷ XVII, được pha trộn theo phong cách Louis XIII và cổ điển, rất đáng xem nhờ kiến trúc đặc biệt của nó, có khu vườn kiểu Pháp cũng như tháp chuông thực sự tuyệt vời. Lâu đài này được xếp hạng Di tích lịch sử vào năm 1997.

Bức “Nhà thờ Auver-sur-Oise” của Van Gogh

Bức “Nhà thờ Auver-sur-Oise” của Van Gogh

Đi dạo bên ngoài tòa lâu đài, ta sẽ được chiêm ngưỡng Động Nữ Thần – Nymphaeum huyền bí, rất kích thích trí tò mò. Hang động này nhỏ nằm ở khu ươm cây của tòa lâu đài, gần như bị những khu nhà nổi và vườn cây cổ thụ che khuất, được xây dựng vào thế kỷ XVIII và hoàn toàn bằng vỏ sò. Khách tham quan sẽ không khỏi ngạc nhiên trước sự độc đáo và tình trạng được bảo tồn nguyên vẹn của nó.

Nếu như quang cảnh khắp làng Auvers được ví như một nhà bảo tàng lộ thiên với một thiên nhiên đích thực thì những gì được chứng kiến bên trong tòa lâu đài còn khiến ta ấn tượng hơn. Đó là nhờ sự phát triển của nền công nghệ hiện đại cao, chúng đưa ta vào một cuộc hành trình khám phá rất hấp dẫn về Nghệ thuật, với chủ đề Trường phái Ấn tượng và những họa sĩ đã từng sống ở Auvers. Chương trình này do Jean Saint-Bris thiết kế và sản xuất, với mục đích tái hiện xã hội Pháp của nửa sau thế kỷ XIX nhằm giúp công chúng hiểu thêm rằng xã hội thời đó đã ảnh hưởng như thế nào đến các nghệ sĩ và ta thấy được vì sao Trường phái Ấn tượng ra đời và nó đã được phát triển như thế nào? Đây sẽ là một chuyến du lịch qua các bối cảnh được tái dựng, được tái hiện với sự kết hợp giữa ánh sáng và âm thanh, khiến cho quang cảnh trở nên thơ mộng lung linh hơn. Những bức tranh của các danh họa vĩ đại bậc thầy được chiếu lên, kèm theo lời thoại và âm nhạc tái tạo bầu không khí của thời đại xưa kia.

Từ phòng này sang phòng khác, những bức tranh phối cảnh khổng lồ tràn ngập các bức tường, đôi khi là 360°, cho phép ta đắm mình trong sự chuyển động theo dấu chân của trường phái Ấn tượng, với màu sắc và ánh sáng rực rỡ. Có lẽ đây cũng là một cách độc đáo khác lạ để khám phá các bức tranh, đồng thời làm nổi bật những nét đặc biệt của mỗi tác phẩm.

Bên cạnh, không xa tòa lâu đài, chúng ta có thể khám phá ngôi nhà của bác sĩ Gachet (bác sĩ của Vincent Van Gogh và cũng đồng thời là bạn của ông) và Xưởng vẽ Boggio. Xưởng vẽ này là ngôi nhà cuối cùng của nghệ sĩ Emile Boggio, một họa sĩ theo trường phái Ấn tượng, và ngày nay vẫn là xưởng của cháu trai ông, một nghệ sĩ đương đại.

Đôi bờ sông Oise gần ngôi làng này cũng đáng để ta dừng chân, chúng cũng là nơi yêu thích của rất nhiều họa sĩ xưa kia. Đẹp và lãng mạn! Tại đây, ta được thưởng thức độ mát lành của cây cối, dòng nước xanh ngắt trong ngày nắng hạ, ngắm nhìn những đàn thiên nga nhởn nhơ bơi lội, những hàng cây cổ thụ hoa nở trắng và tỏa hương thơm ngát, cũng bởi nơi đây có những con thuyền và một trong số đó từng là «xưởng vẽ nổi» của họa sĩ Charles-Francois Daubigny. Danh họa tài ba này đã từng sử dụng chính chiếc thuyền ấy để đi dạo trên sông Oise, rồi chạy dọc sông Seine tìm kiếm cảm hứng và những phong cảnh mới để vẽ.

Việc Vincent Van Gogh được an táng tại ngôi làng này của Pháp không phải là ngẫu nhiên. Nếu ai có chút am tường về Họa sĩ, chắc biết rằng ông đã trải qua hầu hết thời gian cầm cọ của mình tại các vùng quê khác nhau của Pháp, từ Paris đến các nơi thuộc miền nam nước Pháp, để rồi cập bến tại Auvers-sur Oise, một ngôi làng ở ngoại ô Paris này, rồi lại tự chọn cho mình cái chết ở đó. Bất kỳ mùa nào trong năm cũng có khách đến đây viếng thăm mộ ông.

Tại đây có hai ngôi mộ đặt cạnh nhau, đó là mộ của hai anh em trai, Vincent và Théo Van Gogh, được bao phủ bởi những cây thường xuân, một loại dây leo biểu tượng cho sự gắn bó của hai anh em họ khi còn sống. Có vẻ như khoảng cách và thời gian sẽ không bao giờ có thể chia cắt hai anh em Van Gogh. Người em trai của họa sĩ, tên Théodorus Van Gogh thường được gọi là Théo Van Gogh, thuở đương thời là một nhà buôn bán tranh, kém Vincent Van Gogh 4 tuổi. Vincent Van Gogh có khá nhiều anh em, nhưng mối quan hệ với người em trai Théo này cũng rất đặc biệt. Nếu như Théo đã rất thành đạt trong nghề buôn bán tranh thì Vincent đương thời luôn lận đận về tài chính, và chính Théo đã luôn tài trợ cho anh trai mình.

Chuyện kể rằng mỗi khi họ xa nhau thì luôn thư từ rất nhiều! Chỉ trong khoảng thời gian ngắn khi Théo đến Brussels làm việc thì Vincent đã gửi không dưới 650 bức thư cho em trai, những bức thư mà sau này sẽ là một kho tư liệu quý giá cho các sử gia nghệ thuật. Thậm chí Théo còn gửi cho anh trai những chiếc lá sồi từ thành phố quê nhà Brabant ở Hà Lan khi người anh này được thuyên chuyển công tác đến London. Théo qua đời sau Vincent chỉ sáu tháng, vào ngày 25/1/1891, ở tuổi 34. Do bệnh tật nhưng có lẽ cũng do buồn phiền trước cái chết của anh trai. Sau này, vào năm 1914, vợ của Théo, bà Johanna Van Gogh-Bonger, đã di dời mộ chồng về cạnh mộ của Vincent, để từ đó anh em họ mãi mãi bên nhau trong "ngôi nhà vĩnh cửu" tại nghĩa địa làng Auvers-sur-Oise!

Paris 8/10/2023

Hiệu Constant

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/tham-lang-auvers-theo-dau-chan-van-gogh-i711744/