Thầm lặng canh giấc cho đồng đội
Sau chiến tranh, dọc dài đất nước, hàng ngàn nghĩa trang liệt sĩ được lập nên và trở thành nơi yên nghỉ của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Để nơi an giấc của những người lính luôn được ấm áp, sạch đẹp, không ít đồng đội cũ, những người may mắn được trở về sau chiến tranh đã nhận trách nhiệm trông coi, chăm sóc. Việc làm của họ, không chỉ là tình nghĩa với đồng đội, đồng chí mà còn là sự tri ân đối với những người đã nằm xuống vì độc lập, tự do dân tộc.
Thầm lặng…
Ở tuổi 65, ông Trương Quốc Tư, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú đã có 18 năm canh giấc ngủ cho đồng đội ở Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Chọn công việc này, với ông thật nhiều ý nghĩa, bởi vốn dĩ ông cũng từng là bộ đội Cụ Hồ, tham gia ở chiến trường Campuchia từ những năm 1975-1978. Lành lặn trở về, ông chọn Bình Phước làm quê hương để lập nghiệp. Đến năm 2005, khi duyên đủ đến, ông chọn công việc quản trang, canh gác giấc ngủ cho đồng đội làm công việc chính của mình. Đều đặn mỗi ngày, ông đến đây cắt cỏ, quét lá, chăm sóc để nơi này luôn sạch sẽ, tươm tất như một cách để trả ơn sự hy sinh của những người anh hùng đã dâng hiến tuổi xuân cho đất nước. Ông Tư trầm giọng: Để có hòa bình như ngày hôm nay, chúng ta không thể quên công ơn của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống. Công việc của tôi cũng chỉ mong góp phần để nơi an nghỉ của các liệt sĩ được sạch sẽ, được yên giấc hơn thôi.
Nếu có một lần đặt chân đến Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Phước Long, không chỉ người thân của liệt sĩ, kể cả du khách đều cảm nhận sự ấm áp mà người quản trang nơi đây dành cho các liệt sĩ. Trên mỗi phần mộ, cứ vào khoảng 9 giờ sáng, những cánh hoa mười giờ lại bung nở rực rỡ… Ông Nguyễn Văn Bền, thương binh 3/4 là quản trang nơi đây. 10 năm đảm nhận công việc thầm lặng này, ngoài giữ cho nghĩa trang sạch sẽ, gọn gàng, ông còn chăm chút để mộ phần của các liệt sĩ thêm ấm áp bởi khói nhang và sắc hoa tươi tắn. “Hoa mười giờ bền, màu sắc đẹp nên tôi trồng với mục đích muốn thấy những cánh hoa tươi rực rỡ trên mộ của liệt sĩ. Nay là mùa thứ 2 rồi, thân nhân liệt sĩ đến thăm, thấy mộ sạch sẽ, hoa khô, hoa tươi đủ các loại, người ta khen là mình thấy hạnh phúc” - ông Bền phấn khởi.
… và mong ước
Đảm nhận công việc quản trang tại các nghĩa trang liệt sĩ, đa phần là những cựu chiến binh, có người thì lành lặn, có người thương tật, tuổi đời cũng từ 60 trở lên. Ở tuổi xế chiều, đáng lẽ có những niềm vui khác, thế nhưng họ chọn gắn bó với công việc này, bởi ai cũng có những tâm nguyện riêng. Đó là được chăm sóc, được hương khói cho đồng đội, thanh thản khi tiếp tục đóng góp phần sức lực còn lại để canh giấc ngủ cho các liệt sĩ.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu đầy tâm tư: “Hàng trăm ngàn liệt sĩ chưa xác định được thông tin là hàng triệu nỗi đau, trăn trở với những người còn sống”. Với những người quản trang, họ cũng đau đáu nỗi đau này trước những phần mộ chưa xác định được thông tin. Tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, trong gần 5.000 ngôi mộ thì có đến 3.200 ngôi mộ chưa xác định được thông tin, tên tuổi, quê hương, ngày nhập ngũ, thậm chí là ngày hy sinh. Ông Trương Quốc Tư xúc động: “Mỗi lần thắp nén nhang lên các ngôi mộ đó, không chỉ tôi mà ai cũng bồi hồi, nghẹn ngào khó tả. Những lúc như thế, tôi nguyện xin các liệt sĩ cho tôi được trở thành người thân, được có sức khỏe, được gắn bó với công việc và hương khói cho các liệt sĩ lâu dài hơn. Đồng thời cũng mong các cấp, ngành nghiên cứu giải pháp để có thể xác định thông tin cho họ”.
Còn với người quản trang Nguyễn Văn Bền, công việc với 15 năm gắn bó để lại cho ông nhiều kỷ niệm và ý nghĩa. Bỏ qua những lo lắng, sợ sệt từ những ngày đầu, giờ đây ông “ăn cùng, ngủ cùng” với các liệt sĩ nơi đây. Với nhiều người, đây là nơi hoang vắng, lạnh lẽo nhưng với người quản trang này, đó đã trở thành mái nhà của ông, nơi mà ông dành tâm nguyện để gắn bó đến cuối đời. “Chân phải của tôi bị cưa do trúng bom nên đôi khi đảm nhận công việc ở đây cũng chưa trọn vẹn, khiến mình cũng áy náy. Nhưng tôi nguyện chăm sóc cho các liệt sĩ đến khi nào không thể làm được nữa mới thôi. Bởi có mang thương tật, nhưng được trở về với cuộc sống, hít thở bầu không khí của hòa bình và chứng kiến đất nước phát triển, với tôi đã là hạnh phúc” - ông Bền bùi ngùi, xúc động.
Tháng 7 - tháng để mỗi người lắng đọng, nhớ về những người con ưu tú đã nằm xuống vì độc lập của dân tộc, tri ân những cống hiến, hy sinh của các thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, người có công để đổi lấy hòa bình như ngày hôm nay. Với những người quản trang như ông Tư, ông Bền và rất nhiều quản trang khác trên địa bàn tỉnh, tri ân đồng đội, tri ân những người đã ngã xuống bằng công việc thầm lặng, đầy xúc động như họ đang làm, đã góp phần làm cho đạo lý “uống nước nhớ nguồn” sáng mãi…
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/135396/tham-lang-canh-giac-cho-dong-doi