Thầm lặng cống hiến ở vùng sâu

Địa bàn hiểm trở, đi lại khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế... là đặc điểm chung của nhiều thôn, làng vùng cao trong tỉnh. Điều này đã tác động tiêu cực đến việc thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ). Phải thật sự tâm huyết thì cộng tác viên dân số nơi đây mới có thể gắn bó lâu dài với công tác này. Chị Đinh Thị Vinh, ở thôn Gò Tranh, xã Long Sơn (Minh Long) là một trong những người như thế.

"Bà đỡ" của phụ nữ nghèo

Từ trung tâm xã Long Sơn muốn vào thôn Gò Tranh phải vượt quãng đường 9km đèo núi đầy sỏi đá. Tranh thủ buổi trưa, khi dân làng từ rẫy trở về, chị Vinh “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền về công tác DS-KHHGĐ. Chị Vinh chia sẻ: "Thôn Gò Tranh hiện có 120 hộ. Người dân sống chủ yếu bằng làm rẫy và chăn nuôi. Dân cư phân bổ rải rác, các cụm dân cư mật độ dân thưa thớt nên việc vận động KHHGĐ gặp nhiều khó khăn. Ở đây, nhiều người còn chưa biết chữ, chưa rành tiếng Việt, còn lạc hậu trong cách nghĩ nên công tác này càng khó khăn hơn".

Chị Đinh Thị Vinh, ở thôn Gò Tranh, xã Long Sơn (Minh Long) luôn nhiệt tình với công tác DS-KHHGĐ.

Nhớ ngày trước, để trở thành "bà đỡ" giúp chị em ở nơi hẻo lánh vượt cạn an toàn, chị Vinh đã đi học nghiệp vụ 6 tháng ở Bệnh viện Từ Dũ (TP.Hồ Chí Minh). Những kiến thức chị học được đã giúp đỡ dân làng, nhất là các bà mẹ nuôi con đúng cách để hạn chế suy dinh dưỡng ở trẻ và trong công tác dân số hiện nay.

Tuy nhiên, kiến thức chỉ là một phần, cái chính là trách nhiệm với cộng đồng. Trong công việc, chị Vinh biết sẽ gặp nhiều khó khăn trong tuyên truyền các vấn đề liên quan đến chính sách DS-KHHGĐ đến người dân. Gắn bó với công việc, chị Vinh không nghĩ làm việc này để có thu nhập, mà hoàn toàn xuất phát từ mong muốn góp phần giúp bà con nâng cao ý thức về KHHGĐ, để đời sống được ổn định và phát triển.

Ngay từ khi nhận nhiệm vụ, chị Vinh đã mạnh dạn chia sẻ quan điểm bình đẳng giới cho phụ nữ. Bởi hơn ai hết, chị thấu hiểu người phụ nữ vùng cao phải chịu nhiều thiệt thòi trong việc chăm lo sức khỏe, xây dựng hạnh phúc gia đình. “Khi người phụ nữ hiểu được quyền bình đẳng, họ sẽ chủ động hơn trong vấn đề hôn nhân, sinh sản và xây dựng hạnh phúc gia đình”, chị Vinh nói.

Thôn không có người sinh con thứ 3

Sau nhiều năm kiên trì tuyên truyền, chị Vinh đã góp phần làm thay đổi nhận thức của nhiều chị em. Từ chỗ thích sinh đông con, nay mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 2 con và dành thời gian đầu tư phát triển kinh tế gia đình.

Chị Đinh Thị Xốp, ở thôn Gò Tranh cho biết: "Vợ chồng tôi có 2 con gái. Chúng tôi không phân biệt con trai hay con gái, vì con nào chẳng là con của mình. Hơn nữa phụ nữ cần phải biết quan tâm đến sức khỏe bản thân thì mới có thể chăm lo cho gia đình".

Nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi của chị Vinh mà chất lượng dân số ở thôn Gò Tranh không ngừng được cải thiện. Số người sinh con thứ 3 hằng năm giảm dần và năm 2019, thôn Gò Tranh không có người sinh con thứ 3.

Tính đến nay, chị Vinh đã gắn bó với công tác DS-KHHGĐ hơn 4 năm và gần 15 năm đảm nhận Chi hội trưởng phụ nữ thôn Gò Tranh. Ngần ấy thời gian, chị Vinh luôn nỗ lực đưa phong trào của Hội đi lên và xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh.

Bằng sự tận tụy với công việc, chị Vinh đã tích cực phối hợp với các đoàn thể trong thôn, xã tuyên truyền đến chị em hội viên, đặc biệt là các chương trình, dự án, các mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao để chị em hội viên cùng tham gia thực hiện. Phong trào phụ nữ ở thôn phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của hội viên phụ nữ ngày càng được nâng cao, ổn định.

Bài, ảnh: TRUNG ÂN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2032/202008/tham-lang-cong-hien-o-vung-sau-3020006/