Thăm làng phong Quy Hòa

Cách thành phố Quy Nhơn (Bình Định) khoảng 3 km là đến làng phong Quy Hòa. Cuộc sống nơi đây khác xa với cảnh hoa lệ của thành phố ven biển đang tràn đầy sức sống. Làng hiện có hơn 200 gia đình hàng ngày sống với nỗi đau bệnh tật. Có người gia đình không đến nhận và người bệnh đã đến với nhau để chia sẻ, nương tựa vào nhau. Họ sống trong sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự ân cần của nhân viên y tế và sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm.

Cách thành phố Quy Nhơn (Bình Định) khoảng 3 km là đến làng phong Quy Hòa. Cuộc sống nơi đây khác xa với cảnh hoa lệ của thành phố ven biển đang tràn đầy sức sống. Làng hiện có hơn 200 gia đình hàng ngày sống với nỗi đau bệnh tật. Có người gia đình không đến nhận và người bệnh đã đến với nhau để chia sẻ, nương tựa vào nhau. Họ sống trong sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự ân cần của nhân viên y tế và sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm.

Cảm ơn tấm lòng nhân ái của các bác sỹ, sau khi khỏi bệnh, chị Cao Vẻ ở lại làm công việc vệ sinh tại Bệnh viện da liễu Trung ương Quy Hòa.

Làng phong Quy Hòa thuộc phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn nằm tách biệt hoàn toàn với thành phố. Để đến đây du khách phải đi qua 2 đoạn đèo nhỏ. Làng phong nằm dưới một thung lũng bình yên bên bờ biển, bao bọc xung quanh là núi đồi, mặt hướng ra đón gió biển. Khung cảnh thiên nhiên nơi đây thật thơ mộng, bên dải cát trắng với dừa, phi lao là bãi biển nước trong xanh lúc nào cũng có gió. Quy Hòa là nơi tìm đến của những mảnh đời bất hạnh mắc căn bệnh phong quái ác. Ngày nay, khi khoa học phát triển, bệnh phong không còn là nỗi sợ hãi với con người, làng phong Quy Hòa dần trở thành điểm tham quan của khách du lịch.

Người tôi gặp đầu tiên khi đến đây là chị Cao Vẻ, sinh năm 1968, người dân tộc Mạ ở tỉnh Lâm Đồng. Chị đang quét dọn và tưới cây ở vườn tượng các danh nhân y học Việt Nam và thế giới ở Bệnh viện da liễu Trung ương Quy Hòa. Năm 1992 chị phát hiện bị bệnh và điều trị 2 năm ở nhà. Bệnh ngày càng nặng, với sự kỳ thị của cộng đồng, chị đi xe máy về đây điều trị. Ban đầu là đi về. Sau thấy cực quá chị ở lại đây điều trị. Với nỗ lực của các y, bác sỹ, năm 2011 chị khỏi bệnh.

Chị Cao Vẻ chia sẻ: "Khi khỏi bệnh, tôi xin ở lại đây làm công để trả ơn các bác sỹ giúp tôi thoát khỏi bệnh tật. Tôi mong muốn ở đây phục vụ bác sỹ, bệnh nhân để chia sẻ những nỗi đau mà mình từng trải qua. May mắn cho tôi là 4 đứa con đều không bị bệnh. Các con đã trưởng thành, lập gia đình sống ở Lâm Đồng. Ngoài nguồn thu nhập từ lương, thỉnh thoảng các cháu hỗ trợ và chúng tôi cũng được các nhà hảo tâm, tổ chức xã hội động viên, giúp đỡ".

Trong làng phong Quy Hòa nhiều người biết đến câu chuyện của A Nức. Nức sinh ra ở xã Kon Thụp (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai), cha mẹ bệnh tật mất sớm, bước qua tuổi 14, Nức mang trên mình căn bệnh phong quái ác, tay chân co quắp, từng ngón bắt đầu lở loét. Nhiều người còn rủa: "Nó mang trong mình ma quỷ nên lở chân, cụt ngón". Tủi phận, Nức dạt ra bìa rừng trong đêm mưa gió. Rồi Nức đi nhờ về Quy Nhơn mưu sinh qua ngày. Trong những ngày tháng lang thang, Nức gặp một y tá làm việc ở làng phong Quy Hòa, rồi được đón nhận, chăm sóc và được học tiếng Việt. Khi nỗi đau được xoa dịu, tình yêu riêng tư cũng đến, Nức nên duyên vợ chồng với M’Lơi. Nức cho biết, ở đây bác sỹ coi bệnh nhân như người nhà, nhiều trường hợp còn xe duyên cho bệnh nhân. Sau khi bệnh tình đỡ, vợ chồng Nức ở lại làng làm nghề đánh cá, trồng rau,hiện sinh được 2 con lành lặn.

Một trong những người ở làng phong lâu năm nhất là bệnh nhân Lê Thị Tư, quê ở thành phố Quy Nhơn. Năm nay bà 74 tuổi, sống ở làng phong hơn 40 năm. Vào làng khi bệnh đã chuyển biến nặng, bà buộc phải cắt đi 2 chân và tháo hết 10 ngón tay. Bà Tư kể: "Tôi lấy chồng năm 18 tuổi, năm 20 tuổi bị bệnh. Chồng tôi để lại tôi và đứa con gái bị bệnh tim theo người khác. Một mình nuôi con lại mắc bệnh, bị kỳ thị nên cuộc sống rất vất vả. Khi vào làng phong được sự đùm bọc của các bệnh nhân và sự tận tình của y, bác sỹ nên cuộc sống đỡ chật vật hơn. Con gái tôi đã có gia đình, sinh được 2 con. Vợ chồng nó làm công nhân. Hàng tháng cả nhà vào thăm động viên được phần nào". Bị bệnh và tàn tật nên bà Tư chỉ quẩn quanh trên căn phòng điều trị. Phương tiện đi lại là chiếc xe đẩy do một người hảo tâm mua tặng.

Rời làng phong với cảm xúc khó tả, tôi thầm cầu mong một ngày nào đó y học thế giới tìm ra vaccine để không còn người nào phải chịu đau đớn vì mắc căn bệnh quái ác.

Việt Lâm

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/184408/tham-lang-ph111ng-quy-hoa.htm