Thầm lặng tỏa sáng

Cán bộ trẻ năng động

Tố chất thông minh, ham học hỏi nên năm 2012, chị Phạm Thị Toàn Lanh (SN1991) là một trong 4 sinh viên của Trường đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh nhận tấm bằng loại giỏi chỉ sau 3 năm theo học. Tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế nông nghiệp, đầu năm 2013, chị về công tác tại Hội Nông dân xã biên giới Hưng Phước. Lợi thế về sức trẻ và làm việc đúng với chuyên môn nên ngay từ khi nhận việc, chị đã phát huy tố chất cán bộ trẻ nhiệt huyết, “cháy” hết mình và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Chị Lanh chia sẻ: Lúc mới về nhận công tác, tôi chưa có kinh nghiệm ở cơ sở. Vì thế, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, tôi vừa làm vừa học hỏi anh chị, cô chú đi trước. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nếu gặp khó khăn, vướng mắc chưa giải quyết được thì nhờ đồng nghiệp hướng dẫn, tìm cách tháo gỡ. Đặc biệt, chị cho rằng công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục thuyết phục người dân không rập khuôn máy móc mà mỗi khu dân cư có cách làm riêng, đổi mới. Những cách làm hay, sáng tạo được chị viết thành sáng kiến kinh nghiệm. Trong 3 năm (2017-2019), chị có 3 sáng kiến, trong đó 2 sáng kiến được công nhận và ứng dụng toàn huyện.

Bếp ăn nhân ái Trung tâm Y tế huyện Bù Đốp phát cơm cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân

Bếp ăn nhân ái Trung tâm Y tế huyện Bù Đốp phát cơm cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân

Phát huy sức trẻ và nhiệt huyết, sau 6 năm công tác tại Hội Nông dân xã, chị đã tham mưu thực hiện nhiều mô hình hiệu quả, được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận và người dân đánh giá cao. Nhiều năm là Phó chủ tịch, Chủ tịch Hội Nông dân và từ năm 2020 là Chủ tịch UBMTTQVN xã, ở cương vị nào chị Lanh cũng đi đầu trong tuyên truyền, vận động. Ngoài ra, chị còn là cán bộ trẻ rất giỏi về công nghệ thông tin. Tham dự hội thi tin học khối cán bộ, công chức trẻ cấp tỉnh, chị xuất sắc đoạt giải nhất năm 2016 và giải nhì năm 2018. Trong 4 năm liền (2016-2019), chị là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen. Những việc làm của chị góp phần cùng tập thể Hội Nông dân xã nhiều năm liền đạt vững mạnh và năm 2019 xếp hạng nhất toàn huyện. Chị Lanh xứng đáng là điển hình học và làm theo Bác của huyện Bù Đốp giai đoạn 2017-2020.

Lan tỏa từ bếp ăn nhân ái

Chỉ sau gần 10 tháng hoạt động, bếp ăn nhân ái của Trung tâm Y tế huyện Bù Đốp đã lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội, nhận được sự chung tay, đóng góp, sẻ chia của cộng đồng. Qua đó giúp bệnh nhân nghèo có suất cơm trưa miễn phí. Hành động đẹp, đầy ý nghĩa của bếp ăn được lãnh đạo huyện ghi nhận, đánh giá cao, là điển hình trong học và làm theo Bác năm 2020.

Phần lớn bệnh nhân đến khám, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn. Cuối tháng 7-2019, các tổ chức đoàn thể phối hợp vận động cán bộ, viên chức Trung tâm Y tế huyện Bù Đốp quyên góp mở bếp ăn nhân ái với chủ đề “Hãy chung tay chia sẻ vì cộng đồng”. Dự định ban đầu bếp ăn sẽ phục vụ 1-2 bữa trưa miễn phí/tháng, mỗi bữa từ 30-50 suất cơm cho bệnh nhân nghèo. Nhưng sau khi bếp ăn đi vào hoạt động và chia sẻ trên mạng xã hội đã nhận được sự chung tay đóng góp tích cực của cộng đồng.

Phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Anh Tài ủng hộ bếp ăn nhân ái 1 tấn gạo cùng 10 triệu đồng; Phó chủ tịch HĐND huyện Nguyễn Hoành Sơn vận động ủng hộ 30 triệu đồng; Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện ủng hộ 500kg gạo; Giám đốc Công ty TNHH Minh Nhật Phạm Thanh Truyền ủng hộ 10 triệu đồng và sửa chữa nhà kho của bếp ăn; má Tư Lý ủng hộ 500 ngàn đồng/tháng; má Năm Tính ủng hộ rau, củ, quả và hứa sẽ ủng hộ đến hơi thở cuối cùng...

Nhận được sự chung tay đóng góp của cộng đồng, đến nay bếp ăn cung cấp 2 bữa/tuần vào trưa thứ 3 và thứ 6, số lượng suất ăn tùy vào nhu cầu của bệnh nhân. Đặc biệt vào mùa dịch sốt xuất huyết, số lượng tăng lên 100 suất/bữa; trung bình mỗi bữa chi phí khoảng 1,5 triệu đồng. Để có những bữa ăn tươm tất gồm món mặn, món xào, canh, rau và thay đổi món thường xuyên, các thành viên thiện nguyện của bếp ăn phải thức dậy từ 5 giờ sáng, người nấu cơm, người đi chợ mua thức ăn, đồ nấu... Đến 10 giờ trưa, các suất ăn đã chuẩn bị xong, kịp phát cho thân nhân, bệnh nhân nghèo. Nhóm tình nguyện của bếp ăn nhân ái gồm 7 người, là cán bộ, viên chức Trung tâm Y tế huyện. Vì thế, làm sao vừa đảm bảo công tác chuyên môn vừa duy trì hoạt động bếp ăn, các tình nguyện viên ngoài sắp xếp công việc khoa học còn hỗ trợ nhau cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Song song với bếp ăn nhân ái, nhóm thiện nguyện của Trung tâm Y tế huyện còn vận động xây dựng quầy hàng dành cho người nghèo đặt bên cạnh bếp ăn. Với phương châm “Ai có mang đến, ai cần đến lấy”, nhóm thiện nguyện vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ hàng trăm bộ quần áo, giày dép, sách vở cũ phục vụ quầy hàng. Có quầy hàng nên bệnh nhân nghèo yên tâm chữa trị mà không còn phải lo lắng vì thiếu tư trang.

Vũ Thuyên

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/tham-lang-toa-sang-58129