Thầm lặng trao yêu thương

Không cần vinh danh, phần thưởng hay mong đợi lời cảm ơn từ người bệnh, việc làm thầm lặng của những người hiến máu tình nguyện (HMTN) đã tiếp thêm sự sống cho rất nhiều bệnh nhân vượt qua ranh giới tử - sinh. Để từ những việc làm ý nghĩa đó, họ đã lan tỏa tinh thần hướng thiện đến mọi người với thông điệp: 'Một giọt máu cho đi - một cuộc đời ở lại'.

Anh Bùi Thanh Phúc (bên phải) trong một lần hiến máu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.

Anh Bùi Thanh Phúc (bên phải) trong một lần hiến máu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.

Với 65 lần hiến máu, trong đó có 40 lần hiến tiểu cầu, kỹ thuật viên Bùi Thanh Phúc, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa là một trong những “hạt nhân” tích cực trong phong trào HMTN. Anh Phúc sinh năm 1992 và bắt đầu tham gia HMTN vào năm 2011 khi đang là sinh viên năm thứ nhất Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa.

Kể về cơ duyên quyết định HMTN khi vừa tròn 18 tuổi, anh Phúc cho biết: “Thấy bố mẹ nhiều lần HMTN, tôi rất ngưỡng mộ, vì vậy bản thân luôn tự nhủ là chăm lo sức khỏe, đến tuổi nhất định sẽ tham gia vào hoạt động hiến máu. Vì vậy, bước vào năm thứ nhất của đời sinh viên, trong chương trình HMTN do Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức, tôi đã nêu nguyện vọng và được bố mẹ ủng hộ. Với tôi, hiến máu không chỉ là cho đi mà còn nhận lại được rất nhiều điều, đó là sức khỏe, niềm vui khi bản thân góp phần mang lại sự sống cho những người bệnh đang cần máu”.

Với Phúc, “máu có thể chờ người bệnh, nhưng người bệnh không thể chờ máu”, vì vậy anh cứ miệt mài thầm lặng với công việc HMTN bất kể ngày hay đêm, khi nào có thông tin là anh lại sắp xếp công việc để hiến máu. Và cũng từ khi tham gia vào hoạt động hiến máu của tỉnh, anh chưa bao giờ tắt điện thoại mà luôn để chế độ mở để tiếp nhận thông tin về những bệnh nhân đang cần sự giúp đỡ nguồn máu.

14 năm tham gia hoạt động HMTN đã để lại trong Bùi Thanh Phúc nhiều cảm xúc với những câu chuyện khó quên và ngày 25/6/2025 sau khi anh vừa kết thúc ca trực tại bệnh viện là một trong những kỷ niệm đáng nhớ. Lúc đó là 22 giờ 30 phút, sau khi có điện thoại từ bác sĩ tại Trung tâm Huyết học - Truyền máu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa) về trường hợp bệnh nhân bị tăng nhãn áp cần truyền tiểu cầu gấp, anh đã nhanh chóng lên trung tâm để hiến tiểu cầu đến hơn 2 giờ sáng mới trở về nhà. Bởi, anh hiểu bệnh nhân đang trong cơn nguy kịch, nếu chỉ chậm một chút là bệnh nhân có nguy cơ bị mù lòa.

“Dù đau tay và mất nhiều thời gian hơn so với hiến máu thông thường, nhưng tôi thấy lòng nhẹ nhõm khi biết thông tin bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. Tôi làm không phải mong chờ bệnh nhân đến cảm ơn, mà hy vọng từ việc làm nhỏ bé của mình sẽ có thêm nhiều người chung tay vì hoạt động ý nghĩa này”, anh Phúc chia sẻ thêm.

Cùng quan điểm sẵn sàng hiến tặng những giọt máu đào, chị Trịnh Vi Ngọc Anh, nhân viên lễ tân Phòng hậu cần, nhà nghỉ dưỡng Phương Thanh, Công an tỉnh, bộc bạch: “Còn sức khỏe, tôi còn hiến máu cứu người. Mỗi lần cho đi, tôi cảm thấy rất tự hào và hạnh phúc vì đã làm được một việc tốt khi giúp đỡ được người bệnh qua cơn nguy kịch”. Chính vì vậy, từ lần đầu Ngọc Anh tham gia hiến máu khi đang là sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học, Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa vào năm 2011, đến nay chị đã có 33 lần HMTN. Ngoài bản thân tham gia, chị còn tích cực vận động người thân, bạn bè tham gia phong trào hiến máu.

Để đảm bảo sức khỏe và chất lượng máu cho những lần kế tiếp, Ngọc Anh luôn quan tâm đến việc sinh hoạt điều độ, rèn luyện thể dục - thể thao để nâng cao sức khỏe cho bản thân. Bất kỳ khi nào có thông tin từ bệnh viện hay Câu lạc bộ Tuyên truyền - Vận động HMTN tỉnh Thanh Hóa, chị đều không quản khó khăn sẵn sàng hiến máu. Kể về kỷ niệm khó quên, chị vẫn nhớ mãi câu chuyện xảy ra cách đây vài năm. Khi có thông tin từ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa về trường hợp bệnh nhi cần máu gấp, chị đã bắt taxi lên bệnh viện để hiến máu. Tuy nhiên, đến nơi thì được mọi người thông tin rằng bệnh nhân tiên lượng khó qua khỏi, chị mang theo nỗi buồn trở về nhà. Khi đi được hơn nửa quãng đường thì chị lại nhận được cuộc điện thoại từ bệnh viện là bệnh nhân đã có nhiều chuyển biến tích cực, lúc này rất cần nguồn máu. Không suy nghĩ nhiều, chị đã quay trở lại, hiến máu, giúp bệnh nhân giành giật lại sự sống.

Câu chuyện HMTN của anh Thanh Phúc và chị Ngọc Anh là hai trong rất nhiều gương điển hình tiêu biểu trong phong trào HMTN của tỉnh. Với họ, được trao những giọt máu hồng nghĩa tình thì không quản ngại nắng, mưa hay đêm khuya, sẵn sàng lên đường để HMTN. Những nghĩa cử cao đẹp của những “ngân hàng máu sống” còn truyền cảm hứng, gắn kết mọi người lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống với tinh thần tất cả vì sự sống, sức khỏe của bệnh nhân.

Bài và ảnh: Trung Hiếu

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/tham-lang-trao-yeu-thuong-256176.htm