Thâm Luông ngày càng tươi sáng

Thâm Luông là thôn vùng thấp của xã Du Già (Yên Minh), với 163 hộ, 992 khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp và nội lực của nhân dân trong xây dựng Nông thôn mới (NTM), bức tranh nông thôn ở Thâm Luông ngày một tươi sáng, cái đói, cái nghèo dần rời xa cuộc sống người dân nơi đây.

Một góc thôn Thâm Luông.

Một góc thôn Thâm Luông.

Mùa này ở Thâm Luông, cây ngô đã trổ cờ, bắp đang chắc hạt; những nương ngô xanh mướt trải khắp các sườn núi, lấn át màu xám của đá núi và những mái nhà nhuốm màu thời gian, như báo hiệu một mùa no ấm nữa đang đến với bà con nơi đây. Đời sống của người dân Thâm Luông không chỉ ngày càng nâng cao khi ngô, lúa luôn chất đầy nhà, trâu bò kín chuồng, mà còn là những ngôi nhà mới, kiên cố dần thay thế các căn nhà gỗ đã xuống cấp; các tuyến đường bê tông rộng rãi, sạch sẽ xuyên qua các khu dân cư, tới cửa từng gia đình, vừa giúp người dân thuận tiện trong giao thông vừa giúp những chiếc xe tải, xe con tấp nập tới Thâm Luông trao đổi, buôn bán hàng hóa và tham quan, du lịch.

Hiện, Thâm Luông chỉ còn 42 hộ thuộc diện nghèo, chiếm trên 25% tổng số hộ; hầu hết các cụm dân cư có đường bê tông rộng rãi, sạch sẽ kết nối đến khu trung tâm; 100% các hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; di chuyển chuồng trại gia súc xa nhà ít nhất trên 10 m; mỗi gia đình có ít nhất 3 con trâu, bò, hộ nhiều có trên 10 con để phát triển kinh tế; không còn hộ thiếu đói trong những tháng giáp hạt, thậm chí có nhiều hộ đã trở thành hộ khá giả trong thôn, xã.

Là thôn có xuất phát điểm thấp, nhiều hộ mới có thời gian ngắn “an cư” sau khi được “hạ sơn”, điều gì đã giúp Thâm Luông đổi mới như hiện nay? Câu trả lời của Bí thư Chi bộ Thào Nhè Chứ: Yếu tố then chốt là sự đồng thuận của người dân trong thực hiện xây dựng NTM. Người dân xác định rõ chủ thể xây dựng NTM chính là từ các hộ, các cá nhân trong mỗi gia đình. Quá trình triển khai thực hiện đúng theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và phù hợp điều kiện thực tế, trên tinh thần tự nguyện, bàn bạc dân chủ, không gượng ép tạo nên sự đoàn kết, thống nhất trong toàn thôn. Vì thế, dù còn nhiều khó khăn, nhưng bà con đều nhất trí hàng năm mỗi hộ đóng góp 10 ngày công và 100.000 đồng tiền mặt để làm đường giao thông. Khi mỗi tuyến đường hoàn thành, bà con càng phấn khởi hơn bởi sẽ bớt được khó khăn khi đi lại, vận chuyển hàng hóa.

Khẳng định thêm câu trả lời của Bí thư Chi bộ Thâm Luông, anh Vàng Khóa Tính – hộ đã hiến gần 1.000 m2 đất làm đường giao thông, cho biết: Tôi chỉ nghĩ, các hộ trong thôn dù không có điều kiện tương đồng, nhưng đều thống nhất bỏ công sức, tiền của ra mở đường. Và tuyến đường mở như thế nào cũng đã được thống nhất trong toàn thôn. Vì vậy, tôi cũng tự nguyện hiến đất mà không đòi hỏi thôn, xã phải hỗ trợ gì, coi như là góp sức xây dựng quê hương. Hơn nữa, khi có đường rồi, tất cả mọi người đều được đi lại thuận tiện, buôn bán dễ dàng hơn.

Theo thống kê, từ năm 2015 đến nay, người dân Thâm Luông đã đóng góp 1.150 ngày công lao động và trên 560 triệu đồng; hiến trên 11.000 m2 đất xây dựng lớp học. Qua đó, toàn thôn đã bê tông được 4,5 km và mở mới 3,5 km đường giao thông. Đặc biệt, số kinh phí đóng góp và ngày công của các hộ đảm bảo đối ứng đủ kinh phí làm đường giao thông theo Đề án một triệu tấn xi măng của tỉnh (nhà nước hỗ trợ 70%, nhân dân đối ứng 30%). Những kết quả trong xây dựng NTM của người dân Thâm Luông đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen trong năm 2019 vừa qua.

Bộ mặt nông thôn ở Thâm Luông đã “thay da, đổi thịt”, nhưng trên quan điểm xây dựng NTM chỉ có khởi đầu, không có điểm cuối, người dân Thâm Luông vẫn đang tiếp tục duy trì sự đoàn kết, thống nhất, chung tay xây dựng quê hương ngày càng đẹp hơn, trở thành thôn kiểu mẫu trong xây dựng NTM ở Du Già và là điển hình cho các địa phương khác học tập, noi theo.

Bài, ảnh: Duy Tuấn

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202006/tham-luong-ngay-cang-tuoi-sang-761097/